Trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) nhân dịp năm mới 2023, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam Ingrid Christensen cho rằng, dựa trên nguồn lực quốc gia và bối cảnh lúc đó, Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực để hạn chế tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
“Song song với công tác phòng, chống dịch, chúng tôi biết rằng sau khi tham vấn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (VGCL), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (VCA), Chính phủ đã có nhiều gói cứu trợ thông qua những chính sách khác nhau về thuế, vốn, tín dụng và an sinh xã hội để duy trì việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động,” người đứng đầu Văn phòng ILO tại Việt Nam nhận xét.
Bà Ingrid Christensen đánh giá cao hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam thông qua các gói cứu trợ như những điều chỉnh thuế đối với doanh nghiệp đã cho phép các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động và duy trì việc làm cho người lao động trong thời gian khó khăn. Gói cứu trợ giúp doanh nghiệp được vay tiền để trả lương cho công nhân, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và công đoàn phí.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thị trường lao động Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại và hội nhập quốc tế. Cụ thể, quy mô lực lượng lao động ngày càng tăng, nguồn cung được đảm bảo với trên 51,6 triệu người. Chất lượng lao động ngày càng nâng cao, tỷ lệ qua đào tạo tăng qua từng năm.
Tuy nhiên, "cú sốc" đại dịch COVID-19 đã bộc lộ những bất cập như áp lực giải quyết việc làm cho gần 2 triệu lao động rời khỏi thị trường lao động, tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành. Thực tế này đòi hỏi thị trường lao động cần tăng khả năng chống chọi với những tác động từ bên trong và bên ngoài để có thể phát triển theo hướng bền vững.
Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam cho rằng với nỗ lực bảo vệ người dân vượt qua đại dịch COVID-19 và đề cao tầm quan trọng của các vấn đề xã hội hậu COVID-19, Việt Nam đang hồi phục tốt. Tuy nhiên, cùng với những cuộc khủng hoảng tiềm tàng ở phía trước, những thách thức về kinh tế và thị trường lao động vẫn có thể là vấn đề phải đối mặt và cần lưu tâm.
Theo bà Ingrid Christensen, để thực hiện các mục tiêu năm 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ nâng cấp xã hội cùng với nâng cấp kinh tế.
“Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và duy trì đầu tư đầy đủ, thường xuyên cho bảo trợ xã hội là một trong những yếu tố then chốt để Việt Nam vượt qua những thách thức và duy trì sự phát triển bao trùm, bền vững,” Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam nói.
Đánh giá về nỗ lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các địa phương của Việt Nam với mục tiêu tạo việc làm mới và tăng thu nhập cho người lao động, bà Ingrid Christensen dẫn thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết 4,57 triệu lao động nông thôn đã được hỗ trợ đào tạo nghề, trong đó gần 4 triệu lao động có việc làm sau đào tạo, đạt mức trung bình 89,3% giai đoạn 2016-2020.
Bà cho rằng thông tin này hứa hẹn viễn cảnh Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đầu tư thêm vào công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Ngoài ra, việc nâng cao tay nghề cho người lao động phải là yếu tố cốt lõi trong chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp. Người lao động cũng nên theo đuổi các nguyên tắc học tập suốt đời để có thêm kiến thức, nâng cao kỹ năng và làm phong phú thêm kinh nghiệm làm việc.
“Trong những năm tới, ILO cam kết tiếp tục làm việc cùng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp để hỗ trợ phát triển những kỹ năng quan trọng này và nâng cao năng lực cho lao động nông thôn thông qua các dự án hợp tác phát triển”.