Thông tin trên được bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ ngày 24/4.
Với chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến ba mục tiêu chính gồm: Tăng cường thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm; tăng cường truyền thông quảng bá sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý an toàn thực phẩm chú trọng đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm nông - lâm - thủy sản; kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; giải quyết kịp thời các sự cố mất an toàn thực phẩm, củng cố niềm tin của người dân, giúp phát triển thị trường trong nước, xuất khẩu. Đồng thời, Ban Quản lý tăng cường xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn. Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm diễn ra từ ngày 15/4 đến hết ngày 15/5/2023.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố cho biết, tháng 4 được Thành phố Hồ Chí Minh lựa chọn là Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm bởi đây là thời điểm giao mùa, thực phẩm dễ bị ôi thiu và phát sinh các vấn đề mất an toàn. Việc phát động Tháng Hành động như một lời nhắc nhở để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng và toàn xã hội về vai trò quan trọng của công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bà Phạm Khánh Phong Lan thừa nhận, việc thanh kiểm tra trong lĩnh vực an toàn thực phẩm hiện nay vẫn mang tính hình thức, rất khó để phát hiện vi phạm. Hiện có hai hình thức là thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất. Thanh tra theo kế hoạch cần lên kế hoạch trước cả năm về số lượng doanh nghiệp phải thanh tra, số lượng đoàn, thành viên; sau đó đơn vị thanh tra phải gửi thư đến doanh nghiệp, các đơn vị, tổ chức, cá nhân bị thanh tra, thông báo rõ thời gian thanh tra, nội dung chuẩn bị… Việc thanh tra đột xuất bị ràng buộc rất nhiều bởi đơn vị thực hiện phải báo cáo được lý do thanh tra, thanh tra theo nguồn tin nào.
Thực tế, với chức năng thanh tra chuyên ngành, các đoàn rất khó có thể để xâm nhập vào các cơ sở vi phạm hoạt động lén lút. Do đó, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, ngoài chế tài xử phạt nghiêm, các cơ chế thanh, kiểm tra cần được linh hoạt hơn nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.