Giãn cách xã hội: Dù chốt phương án nào vẫn cần thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch COVID-19

Các chuyên gia cho rằng, dù việc giãn cách xã hội có thay đổi ra sao thì các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 vẫn không thay đổi và cần duy trì để tránh dịch lây lan.

Chú thích ảnh
Nhiều người dân chủ quan vẫn ra đường khi không cần thiết trong những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: LP

Về cơ bản đã kiểm soát được dịch COVID-19

Chỉ còn ít giờ đồng hồ nữa, Việt Nam đã hoàn thành 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (từ ngày 1-15/4). Tính đến nay, việc triển khai Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ đã cho thấy những hiệu quả khi Việt Nam vẫn đang kiểm soát được dịch COVID-19, không để dịch lan rộng, bùng lên như ở nhiều nước trên thế giới.

Tính đến sáng ngày 15/4, Việt Nam đã ghi nhận 267 ca mắc COVID-19, không có ca tử vong. Như vậy trong vòng 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 1/4, Việt Nam đã ghi nhận thêm 60 ca mắc mới, giảm hơn 2,6 lần so với nửa tháng trước đó (là 154 ca).

Đặc biệt những ngày gần đây, Việt Nam liên tục nhiều ngày không ghi nhận ca bệnh trong đầu giờ sáng, số ca mắc trong ngày cũng giảm rõ rệt, có ngày chỉ ghi nhận 1 ca mới mắc dịch.

Trong khi dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện trong nửa tháng qua tại Việt Nam đã thể hiện là giải pháp đúng đắn, quan trọng giúp dịch không lây lan mạnh trong cộng đồng.

Đánh giá về hiệu quả thực hiện giãn cách xã hội thời gian qua, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế cho biết: “Việc thực hiện giãn cách xã hội, đến nay có thể đánh giá là thành công. Trong thời gian giãn cách, dịch bệnh ở nước ta đã không bùng phát, nếu nước ta không thực hiện biện pháp này thì có thể dịch đã bùng phát như nhiều nước trên thế giới”.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng cho rằng: “Nhờ thực hiện giãn cách xã hội, Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định như: Các ca mắc COVID-19 mới có xu hướng chững lại, không có sự lan tràn mạnh trong cộng đồng. Đây là lần đầu tiên nước ta quyết định thực hiện giãn cách xã hội. Nếu không thực hiện quyết liệt như vậy, dịch đã bùng phát mạnh”.

Theo đó, nhờ thực hiện tốt Chỉ thị số 16/CT-TTg của Chính phủ mà các ổ dịch phức tạp như: Ổ dịch quán bar Buddha, Bệnh viện Bạch Mai, Công ty Trường Sinh... đã kịp thời được khống chế, không để xảy ra thêm nhiều ca mắc.

Hiện nay còn ổ dịch tại Hạ Lôi (Mê Linh) đang diễn biến đáng lo ngại nhưng Hà Nội cũng đang cố gắng để kiểm soát ổ dịch này. Mặc dù ở Hạ Lôi cho thấy có sự lây lan ra cộng đồng, song hiện tất cả các ca bệnh phát hiện được vẫn nằm trong địa bàn, chưa ghi nhận các ca bệnh liên quan tới Hạ Lôi ở địa bàn bên ngoài mặc dù đã tiến hành điều tra và xét nghiệm những trường hợp liên quan. Các chuyên gia cũng đánh giá, với các biện pháp quyết liệt, Hà Nội sẽ giải quyết được, khoanh vùng, dập được ổ dịch này.

Việt Nam thành công là nhờ kết hợp với giãn cách xã hội, các địa phương đã triệt để áp dụng chiến lược quan trọng nhất là truy lùng dấu vết, truy những người có tiếp xúc với người bệnh từ đó phát hiện ra các ca bệnh.

Không chủ quan, lơ là

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đánh giá, trong những ngày đầu, việc cách ly xã hội được thực hiện nghiêm. Tuy nhiên, những ngày gần đây, khi diễn biến các ca mắc COVID-19 của Việt Nam có xu hướng giảm dần, nhiều người dân sinh ra tâm lý chủ quan, ra đường đông hơn so với những ngày đầu. Tâm lý chủ quan, lơ là có thể dẫn tới nguy cơ dịch lây lan, nhất là sau khi kết thúc giãn cách xã hội.

Theo đó, chúng ta không thể chủ quan, tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác, chỉ cần chủ quan là có thể dẫn tới vỡ trận, khó kiểm soát được dịch.

Theo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Ban chỉ đạo đã đề xuất Chính phủ, sau khi hết thời gian giãn cách xã hội sẽ ban hành Chỉ thị mới trong đó quán triệt việc tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch từ ban đầu, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, củng cố các quy định về truy vết ca bệnh.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, dù việc giãn cách xã hội có thay đổi ra sao thì các biện pháp phòng chống dịch cơ bản vẫn không thay đổi và cần duy trì để tránh dịch lây lan như: Không tụ tập đám đông, đeo khẩu trang, đảm bảo giữ khoảng cách 2 mét khi tiếp xúc, vệ sinh, khử khuẩn… Những biện pháp cơ bản này là quan trọng nhất, người dân cần thực hiện tốt mới đảm bảo việc phòng dịch.

Bên cạnh đó, việc ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, dập dịch vẫn phải triệt để thực hiện, vì thời gian tới, dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp, thậm chí kéo dài.

 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Tung tin 'giãn cách xã hội hết 30/4', Facebooker bị xử phạt 12,5 triệu đồng
Tung tin 'giãn cách xã hội hết 30/4', Facebooker bị xử phạt 12,5 triệu đồng

Ngày 14/4, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội vừa ban hành quyết định xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng đối với một tài khoản Facebook, do có hành vi đăng tải thông tin sai sự thật về tình hình cách ly phòng, chống dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN