Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, hiện trên địa bàn Thành phố đã xuất hiện ca mắc ho gà đầu tiên trong năm 2023, được ghi nhận tại huyện Đan Phượng. Bệnh nhi 1,5 tháng tuổi, mắc ho với triệu chứng ho, viêm phổi và được xét nghiệm PCR phát hiện ho gà cho kết quả dương tính.
Ho gà là bệnh truyền nhiễm và có thể lây lan, có thể gây biến chứng nặng, thậm chí gây tử vong ở một số trường hợp.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, ho gà có biểu hiện và triệu chứng dễ nhầm với các bệnh hô hấp khác, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đáng lo ngại, đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có khả năng lây lan cao, thời gian ủ bệnh dài.
Một số biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải trong trường hợp trẻ mắc bệnh ho gà như: Viêm phổi nặng, là biến chứng hô hấp hay gặp, nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ suy dinh dưỡng; biến chứng viêm não với tỷ lệ tử vong cao… Trẻ mắc ho gà còn có thể có các biến chứng như: Lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng; trường hợp nặng có thể gặp vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc tràn khí màng phổi; xuất huyết võng mạc, kết mạc mắt, rối loạn nước điện giải, bội nhiễm các vi khuẩn khác… Vì vậy, việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để điều trị là rất quan trọng.
Theo đó, bệnh ho gà là do vi khuẩn Bordetella pertussis tấn công vào đường hô hấp gây ra. Biểu hiện của bệnh khá điển hình với những cơn ho dữ dội kéo dài.
Bệnh ho gà thường diễn biến qua 3 giai đoạn: Ở giai đoạn đầu, bệnh nhi ho kéo dài từ 1 - 2 tuần, với triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên không rõ ràng như chảy mũi, ho nhẹ (phần nhiều là ho về đêm). Ở giai đoạn này, để chẩn đoán phân biệt ho gà khó do triệu trứng của ho gà giống với những biểu hiện cảm cúm, viêm đường hô hấp thông thường.
Ở giai đoạn toàn phát (từ 1 - 2 tuần kế tiếp), bệnh nhi bắt đầu ho nhiều hơn, ho từng cơn kéo dài, sặc sụa; sau những cơn ho trẻ thường đỏ mặt hay tím tái cả người do ho nhiều không đủ dưỡng khí để thở, lâu dần gây suy hô hấp. Những con ho dài dữ dội khiến trẻ mệt, kiệt sức, biếng ăn dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng.
Ở giai đoạn 3 của ho gà là giai đoạn hồi phục, các cơn ho của trẻ ngắn lại, các cơn ho giảm dần.
TS.BS Nguyễn Văn Lâm khuyến cáo, để dự phòng ho gà cách hữu hiệu là tiêm chủng vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch bằng loại vaccine phối hợp phòng bệnh Bạch hầu, ho gà, uốn ván – DTP hoặc vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, virus viêm gan B và Haemophilus influenzae type b (vaccine 5 trong 1).
Các bà mẹ mang thai trên 20 tuần nên chủ động đến các điểm tiêm chủng để được tư vấn tiêm vaccine phòng bệnh trước khi trẻ chào đời để có hệ miễn dịch cho các bé từ sớm.
Để phòng bệnh ho gà, phụ huynh cần hướng dẫn cho trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày. Cần đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ.
Đặc biệt, khi thấy trẻ nghi ngờ mắc bệnh, cần cách ly trẻ với những trẻ khác (kể cả trẻ đã được tiêm phòng) và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị càng sớm càng tốt, tránh nguy cơ bị biến chứng.