Hà Nội: Không chủ quan khi thấy dịch sốt xuất huyết có dấu hiệu 'giảm nhiệt'

Tuy dịch sốt xuất huyết đã có dấu hiệu "giảm nhiệt" tại Hà Nội, nhưng số mắc vẫn còn cao, còn nhiều ổ dịch hoạt động, và vẫn ghi nhận thêm ca tử vong.

Chú thích ảnh
Điều trị cho người bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN.

Số mắc đã giảm nhưng vẫn cao

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hà Nội, trong tuần vừa qua, Hà Nội ghi nhận thêm 1.165 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 2 ca tử vong; toàn Thành phố có thêm thêm 22 ổ dịch mới. So với tuần trước đó, số ca mắc mới đã giảm hơn (giảm 11%).

Các ca mắc mới ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã; một số khu vực có số mắc cao như: Hà Đông, Đống Đa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Hoàng Mai (66)…

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận tổng số 18.788 ca mắc sốt xuất huyết, đến nay đã có 25 ca tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, tổng số ca mắc sốt xuất huyết tăng gấp 5,6 lần.

Theo đó, Hà Nội có 3 tuýp virus Dengue gây sốt xuất huyết lưu hành gồm: DENV1 và DENV2, DENV4.

Cũng theo nhận định của lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hà Nội, trong tuần qua số ca mắc mới sốt xuất huyết đã ghi nhận tiếp tục giảm so với tuần trước đó. Tuy nhiên, số mắc vẫn đang ở mức cao; bên cạnh đó tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp tử vong.

Theo đó, so với tháng 10 và tháng 11 vừa qua, hiện thời tiết Hà Nội đã chuyển sang lạnh với nhiệt độ giảm rõ rệt. Ở mức nhiệt độ này, có thể hạn chế muỗi vằn truyền bệnh phát triển, nên dự báo số mắc sốt xuất huyết sẽ giảm dần trong thời gian tới.

Tuy nhiên, dù trời lạnh nhưng vẫn có những ngày nhiệt độ tăng cao, muỗi truyền bệnh vẫn có thể sinh sôi, hoạt động; trong khi Hà Nội vẫn đang có nhiều ổ dịch hoạt động. Vì vậy, người dân không nên chủ quan với dịch sốt xuất huyết; không chủ quan trong việc diệt muỗi, tránh muỗi đốt.

Người dân vẫn cần phải tiếp tục quyết liệt diệt bọ gậy, loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng, vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt muỗi… để không còn môi trường cho muỗi truyền bệnh sinh sống.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội vẫn yêu cầu các đơn vị tiếp tục duy trì đội đáp ứng nhanh và thường trực phòng, chống dịch đảm bảo sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra. Đồng thời, tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch; những khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai những hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.

Tại các địa phương, Hà Nội cũng yêu cầu tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành, phòng, chống sốt xuất huyết một cách triệt để. Đặc biệt chú trọng việc  tuyên truyền, vận động người dân phối hợp với ngành y tế trong hoạt động phun hóa chất diệt muỗi, đảm bảo tỷ lệ phun đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế.

Không chủ quan khi bị bệnh

Các chuyên gia cũng cảnh báo, trước tình hình Hà Nội vẫn tiếp tục ghi nhận các ca tử vong do sốt xuất huyết, người dân cần hết sức cảnh giác khi có các dấu hiệu của sốt xuất huyết, cần tìm đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), nhiều người rất dễ nhầm lẫn rằng phải có biểu hiện xuất huyết thì mới là bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, có chỉ số xét nghiệm tiểu cầu giảm rõ rệt nhưng vẫn không thấy biểu hiện xuất huyết ở vị trí nào trên cơ thể; và thậm chí còn có thể bị đi vào sốc rất nhanh.

Theo đó, trong thời điểm nhiều dịch bệnh như hiện nay, nhiều người có biểu hiện bệnh sốt xuất huyết có thể chỉ nghĩ đến bị cúm hoặc COVID-19 nên không đi điều trị; nếu để đến ngày thứ 4- thứ 5 mới đến bệnh viện thì bệnh đã trong giai đoạn nguy hiểm, có thể rơi vào sốc, rất nguy hiểm.

Vì vậy, các bác sĩ cũng khuyến cáo, trước tình hình thời tiết như hiện nay,  người dân không nên chủ quan trong việc phòng tránh bệnh sốt xuất huyết. Đặc biệt, cần đến cơ sở y tế sớm khi có biểu hiện bệnh để được phát hiện kịp thời và điều trị ngay từ đầu khi bị sốt xuất huyết để tránh những trường hợp diễn biến nặng và tử vong.

BS. Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng khuyến cáo: Người dân vào viện sớm khi có triệu chứng sốt, không phải cứ đợi đến khi có xuất huyết, bệnh mới nặng mới đi khám. Người mắc bệnh sốt xuất huyết nhất thiết phải có sự chỉ dẫn, giám sát điều trị của bác sĩ để tránh các trường hợp bệnh diễn biến nặng rất nhanh.

Đặc biệt, người dân nếu điều trị sốt xuất huyết tại nhà phải theo dõi sát sao, khi thấy có các dấu hiệu như: Mệt lả, nôn, tiêu chảy, đi ngoài phân đen, chảy máu mũi, chảy máu chân răng… cần nhập viện gấp để được các bác sĩ chẩn đoán, xét nghiệm chính xác tình trạng bệnh để kịp thời điều trị.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh: Bệnh sốt xuất huyết giảm, tay chân miệng có dấu hiệu tăng
TP Hồ Chí Minh: Bệnh sốt xuất huyết giảm, tay chân miệng có dấu hiệu tăng

Ngày 14/12, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần 50 giảm 14,7% so với trung bình 4 tuần trước, song vẫn ở mức cao so với cùng kỳ các năm. Trong khi đó, bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN