Đáng chú ý, 99,5% xã, phường, thị trấn ở tất cả các quận, huyện, thị xã đã phát hiện người có HIV. Điều này cho thấy, nếu không kiểm soát, phòng, chống tốt, nguy cơ lây truyền HIV/AIDS trong cộng đồng là rất lớn.
Nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đã được triển khai sâu rộng trên địa bàn Hà Nội với nhiều mô hình, cách làm có hiệu quả, kết hợp truyền thông, can thiệp với dự phòng, chăm sóc điều trị, đẩy mạnh truyền thông và can thiệp thông qua chương trình phát bao cao su, bơm kim tiêm miễn phí.
Thanh Trì là một huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh thu hút rất đông lực lượng lao động, học sinh, sinh viên về làm ăn, sinh sống trên địa bàn, số người mắc các bệnh nguy hiểm như: ung thư, HIV, lao, suy thận mãn, suy tim bẩm sinh… cũng tăng theo.
Vì vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và người dân trên địa bàn huyện. Nhằm tạo điều kiện tốt nhất để người mắc, người bị ảnh hưởng bởi các dịch bệnh nguy hiểm được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe toàn diện, cải thiện cuộc sống, huyện Thanh Trì đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động ủng hộ trực tiếp cho người mắc bệnh.
Ban vận động tài chính huyện vận động xây dựng quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch, bệnh nguy hiểm để tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người nhiễm bệnh; tổ chức tập huấn truyền thông cho các cộng tác viên, tình nguyện viên…
Huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát thanh trên hệ thống loa, đài phát thanh của huyện và các xã, thị trấn, cấp phát tờ rơi, tài liệu truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, tổ chức cấp phát miễn phí bơm kim tiêm sạch và bao cao su cho các đối tượng có nguy cơ cao. Bên cạnh đó, huyện tổ chức các hội nghị truyền thông về kỹ năng chăm sóc người bệnh tại cộng đồng, phòng chống các bệnh lây truyền từ mẹ sang con... góp phần ngăn chặn nguy cơ lây truyền HIV/AIDS trong cộng đồng.
Các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, nhân rộng nhiều mô hình quản lý, hỗ trợ người cai nghiện ma túy và quản lý sau cai, phòng chống HIV. Hiện tại, thành phố có 7 cơ sở điều trị cai nghiện ma túy công lập (1 cơ sở thực hiện chức năng cai nghiện tự nguyện, 3 cơ sở cai nghiện bắt buộc, 3 cơ sở điều trị đa chức năng), đang tiếp nhận, điều trị cho hơn 3.000 học viên. Trong quá trình cai nghiện, học viên vừa được điều trị cai nghiện, chăm sóc sức khỏe, vừa được trang bị kỹ năng dự phòng tái nghiện và tìm việc làm, tái hòa nhập cộng đồng. Giai đoạn 2016-2020, các cơ sở cai nghiện ma túy đã tổ chức dạy nghề sửa chữa điện dân dụng, may công nghiệp, hàn, xây dựng… cho hơn 1.300 học viên.
Mới đây, mô hình điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng được triển khai tại 4 phường, xã, thị trấn thuộc các quận Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Thanh Xuân và huyện Thanh Trì, tạo điều kiện để người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy, người sau cai nghiện và thân nhân của họ có cơ hội được tiếp cận các cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị, hỗ trợ điều trị nghiện và các dịch vụ liên quan. Qua đó, giúp họ lựa chọn một hình thức điều trị phù hợp, hiệu quả nhất và phục hồi toàn diện tại cộng đồng.
Bên cạnh đó, thành phố duy trì 73 phòng xét nghiệm sàng lọc, cấp chứng nhận đủ điều kiện xét nghiệm HIV cho 11 cơ sở y tế (6 bệnh viện thành phố và 5 Trung tâm Y tế quận, huyện). Việc chăm sóc điều trị HIV/AIDS được quan tâm khi tất cả các cơ sở điều trị HIV/AIDS được giám sát hỗ trợ kỹ thuật; 100% bệnh nhân lao đồng nhiễm HIV được điều trị ARV trong quá trình điều trị lao... Thành phố triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện cho đối tượng nghiện ma túy; chương trình can thiệp giảm tác hại được nhân rộng; chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai mạnh mẽ.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 54 - CT/TW, ngày 30/11/2005, của Ban Bí thư “về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới”, thời gian tới, thành phố Hà Nội triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng, giảm thiểu tác hại của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; nâng cao hiểu biết của người dân về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS; khống chế lây nhiễm HIV/AIDS từ nhóm nguy cơ cao ra cộng đồng và triển khai đồng bộ các biện pháp can thiệp giảm thiểu tác hại; bảo đảm người nhiễm HIV/AIDS được quản lý, chăm sóc và điều trị thích hợp…