Cụ thể, từ ngày 1/1 đến 14/2/2019, tại Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 6.733 trường hợp nhập viện do sốt xuất huyết. Trung bình mỗi tuần trên địa bàn thành phố có gần 1.000 trường hợp nhập viện vì bệnh này, chưa kể số lượng lớn người bị mắc sốt xuất huyết điều trị ngoại trú và tại các phòng khám tư. Tính chung từ đầu năm 2019 đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết tăng 249% so với cùng kỳ năm 2018.
Nguyên nhân sự gia tăng đột biến này được bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận là do đỉnh của mùa dịch 2018-2019 trễ hơn 10 tuần so với đỉnh mùa dịch trước. Thông thường đỉnh dịch sốt xuất huyết hàng năm sẽ rơi vào tuần thứ 47-48 trong năm nhưng mùa dịch năm 2018-2019 lại rơi vào tuần thứ 3 của năm 2019. Vì thế dù đã là thời điểm cuối mùa dịch nhưng số ca bệnh sốt xuất huyết vẫn ở mức cao. Đặc biệt, từ đầu năm 2019 đến nay, đã ghi nhận hai trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Cùng với sốt xuất huyết, bệnh sởi tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang gia tăng không ngừng trong diễn biến tăng của Việt Nam và thế giới. Trung bình mỗi tuần có khoảng 150 trường hợp mắc sởi phải nhập viện điều trị. Tính chung từ đầu năm 2019 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 926 trường hợp nhập viện điều trị bệnh sởi, trong khi đó cùng kỳ năm 2018 chỉ có hai trường hợp mắc sởi. Đáng chú ý, trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, số bệnh nhân nhập viện do bệnh sởi liên tục gia tăng.
Ngoài sốt xuất huyết thì sởi, bệnh tay chân miệng ở trẻ em dù đã giảm nhưng vẫn cao hơn số liệu cùng kỳ năm 2018 với khoảng 30-45 ca bệnh nhập viện mỗi tuần. Do đó, Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, với bệnh có vắc xin như sởi, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm ngừa đầy đủ. Với các bệnh chưa có vắc xin như sốt xuất huyết, tay chân miệng thì cần tích cực phòng bệnh tại nhà như hạn chế muỗi đốt, hạn chế tiếp xúc với nguồn lây, rửa tay thường xuyên với xà phòng.