Nhiều nơi vẫn chậm tiến độ
Tại quầy thuốc Thiện Minh (Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội), khách đến mua thuốc rải rác, cứ tiếp nhận đơn thuốc, chủ quầy lấy thuốc và nhập dữ liệu vào hệ thống.
Chủ quầy thuốc Thiện Minh cho biết: “Hiện quầy thuốc của tôi đã kết nối liên thông theo quy định. Việc mua bán, kê khai thông tin thuốc vào- ra trên hệ thống cũng không mấy khó khăn nên mọi hoạt động vẫn bình thường. Việc đăng ký cũng khá đơn giản, chỉ cần thông báo kết nối với nhà mạng, sẽ có nhân viên đến tận nơi để cài đặt và hướng dẫn sử dụng rất nhanh chóng".
Còn tại quầy thuốc MT (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đã kết nối liên thông nhà thuốc, với số lượng khách đến xếp hàng mua thuốc rất đông, quầy thuốc bố trí nhân viên chuyên nhập dữ liệu. Nhân viên quầy thuốc này cho biết, việc đăng ký kết nối liên thông là bắt buộc nên có thông báo là cơ sở thực hiện.
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2019, Hà Nội đã bắt đầu thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông các cơ sở cung ứng thuốc tại Hà Nội. Tính đến đầu tháng 4, về cơ bản việc triển khai đã đạt tiến độ. Hiện Hà Nội có 6.893 cơ sở cung ứng thuốc đang hoạt động; trong đó đã có hơn 5.410 cơ sở, đạt 78,6% số cơ sở đã thực hiện kết nối liên thông. Cụ thể, tỷ lệ nhà thuốc kết nối liên thông đạt 99%, quầy thuốc đạt 72,9 %.
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Để đạt được kết quả trên, Sở Y tế Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã đã phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel rà soát danh sách các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn, tổ chức 126 lớp tập huấn các quy định về bán thuốc kê đơn, kết nối, bàn giao tài khoản sử dụng, trực tiếp hướng dẫn kết nối tại các cơ sở.
Hầu hết các địa bàn đều đang nỗ lực triển khai kết nối liên thông các cơ sở cung ứng thuốc. Tuy nhiên, tại một số quận, huyện, các quầy thuốc tư nhân vẫn đang chậm tiến độ, tỷ lệ các cơ sở kết nối còn thấp như : Quốc Oai (mới đạt 25%), Thanh Oai (đạt 25%), Hoài Đức (đạt 45%); thậm chí ở một số huyện còn nhiều quầy thuốc tư nhân chưa thực hiện kết nối như Sóc Sơn (còn 133 quầy thuốc), Chương Mỹ (còn 58 quầy thuốc).
Có lợi cho người dân
Thời gian qua, tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng và bán thuốc kê đơn không có đơn thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh vẫn diễn ra, dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường, trong đó sự tùy tiện mua bán thuốc kháng sinh còn dẫn tới tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng phức tạp.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc là giải pháp kiểm soát hoạt động mua bán thuốc, giá thuốc, nguồn gốc, chất lượng thuốc… nhờ tối ưu hoá việc kinh doanh của nhà thuốc, giúp cơ quan quản lý nhà nước có thêm dữ liệu để quản lý, đảm bảo quyền lợi cho người dân khi mua thuốc. Đặc biệt qua đây cũng giúp kiểm soát bán thuốc theo đơn, tình trạng tùy tiện mua bán, sử dụng thuốc kháng sinh nhằm hạn chế tình trạng kháng thuốc.
Tuy nhiên,cũng theo ông Trần Văn Chung, việc triển khai ứng dụng hiện vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Nhiều cơ sở đã kết nối liên thông nhưng chưa cập nhật đầy đủ, thường xuyên dữ liệu hoạt động quản lý kinh doanh thuốc. Bên cạnh đó, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng chưa ban hành chuẩn yêu cầu dữ liệu đầu ra, chuẩn kết nối liên thông đối với những cơ sở bán buôn thuốc.
Để khẩn trương hoàn thành 100% cơ sở cung ứng thuốc được kết nối mạng, Sở Y tế Hà Nội cho biết sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của việc thực hiện kết nối, tăng cường kiểm tra hoạt động bán thuốc kê đơn, chất lượng kết nối liên thông tại nhà thuốc, quầy thuốc...; xử lý nghiêm các nhà thuốc chưa cập nhật thường xuyên, đầy đủ dữ liệu theo quy định. Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện, thị xã cũng sẽ tổ chức kiểm tra chất lượng việc thực hiện kết nối liên thông của các nhà thuốc, quầy thuốc tư nhân và xử lý các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.