Có tiền là mua được thuốc
Chỉ bác sĩ mới có thể nắm bắt tình trạng bệnh của bệnh nhân và chỉ định sử dụng thuốc phù hợp, nhất là đối với các thuốc có tính độc cao, nhóm thuốc phải kê đơn. Tuy nhiên ở Việt Nam, tình trạng người dân tự ra hiệu thuốc để mua thuốc, người bán thuốc tự kê đơn đang diễn ra phổ biến hàng ngày, ở mọi nơi một cách khó kiểm soát.
Trong vai một người bị đau đầu, hắt hơi sổ mũi nhiều ngày chưa khỏi, tôi vào một hiệu thuốc trên phố Lò Đúc (Hà Nội) hỏi mua thuốc thì được chủ hiệu thuốc“phán” ngay tôi đã có biểu hiện bị viêm xoang nên chắc chắn phải uống thuốc kháng sinh. Rồi ngoài việc bán cho tôi vỉ thuốc giảm đau, chị tìm trên kệ thuốc và lấy ra hộp thuốc kháng sinh Levoqin để ra trước mặt khách chỉ định:“Viêm xoang là em phải uống kháng sinh và phải uống thêm cả thuốc kháng viêm, chống phù nề. Bệnh xoang chỉ có dùng kháng sinh này là “chuẩn” nhất chứ uống mấy loại kháng sinh khác không ăn thua. Loại này tiện hơn là chỉ cần uống mỗi ngày một viên, mỗi đợt điều trị chỉ cần 5 ngày là đỡ ngay”. Thấy tôi ngập ngừng chị hỏi tôi mua mấy ngày, nếu không cứ mua“tạm” 3 ngày xem có hợp thuốc không. Sau đó, tôi phải nói tham khảo ý kiến bác sĩ để từ chối mua thuốc.
Ghi nhận tại một hiệu thuốc khác trên đường Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân, Hà Nội), rất đông người tới đây mua thuốc, nhiều người đưa đơn để dược sĩ bốc thuốc nhưng cũng có nhiều người tự đến mua. Một khách bị viêm họng đến hỏi mua thuốc ngậm nhưng không nhớ tên thuốc. Cô gái nói chỉ nhớ“mang máng” lần trước cũng bị viêm họng và mua thuốc ngậm dạng vỉ, màu trắng thấy đỡ nên muốn dùng tiếp thuốc đó. Vừa nghe bệnh nhân kể bệnh, miêu tả, nhân viên quầy thuốc liên lấy ngay ra thuốc Dorithricin là một dạng kháng sinh ngậm tại chỗ bán cho khách và hướng dẫn cách sử dụng thuốc hàng ngày.
Không chỉ cô gái này, nhiều người muốn mua thuốc gì chỉ cần nói tên thuốc hoặc kể bệnh ra là dược sĩ sẽ bán thuốc ngay, hoặc tư vấn các loại thuốc có thể dùng, trong đó không ít các thuốc thuộc nhóm thuốc phải kê đơn.
Dược sĩ T.T.H. chủ một hiệu thuốc trên đường Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân, Hà Nội) thẳng thắn chia sẻ: “Nhiều khi khách đến mua thuốc không có đơn, nhiều người quen uống những thuốc gì thì hỏi mua thuốc đó. Trong quầy có thuốc mà khách yêu cầu thì chúng tôi cứ bán vì không mua ở hiệu này thì khách cũng tới các hiệu thuốc khác mua”.
Dược sĩ này cũng chia sẻ, thậm chí có những người nhiều người đến hỏi mua thuốc họ kể bệnh ra, thấy không nhất thiết phải uống thuốc, chỉ cần vệ sinh mũi họng, dược sĩ đã tư vấn cho họ nhưng chính họ nhất quyết phải mua kháng sinh về uống nên cũng buộc phải bán.
Theo các chuyên gia, việc lạm dụng thuốc, tự ý sử dụng thuốc vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên, không chỉ ở các vùng quê, tại các thành phố lớn, dân trí cao người dân vẫn có thói quen ngại đến bệnh viện và tự mua thuốc sử dụng. Bởi vậy, trên mỗi tờ hướng dẫn sử dụng đi kèm với hộp thuốc luôn có dòng chữ lớn trên cùng: “Thuốc bán theo đơn”để phân biệt các loại thuốc phải có chỉ định của bác sĩ mới được bán và sử dụng. Tuy nhiên hiện nay việc mua, sử dụng thuốc một cách quá dễ dàng khiến thuốc cũng trở thành một loại hàng hóa bình thường, thậm chí đi mua thuốc dễ như mua mớ rau ngoài chợ.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết:“Không ở đâu lại có thể mua bán thuốc thoải mái như ở Việt Nam, nhất là thuốc kháng sinh. Tôi đã từng thử làm người đi mua thuốc, vào hiệu thuốc hỏi mua thuốc kháng sinh Amox thì được chủ quầy thuốc bán ngay, thậm chí tôi thử hỏi mua cả nghìn viên chủ quầy cũng đồng ý bảo sẽ có người mang thuốc đến. Trong khi đó, ở nước ngoài, thuốc kháng sinh Amox không phải dễ dàng có thể mua được”.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, có rất nhiều cha mẹ đưa con đi khám, khi bác sĩ hỏi đã cho con uống thuốc gì chưa thì“hồn nhiên” trả lời đã cho “uống tạm" thuốc kháng sinh. Đây là tâm lý cực kỳ nguy hiểm, thuốc kháng sinh không thể tùy tiện sử dụng mà cha mẹ có thể dễ dàng mua và cho uống mà không cần chỉ định. Nếu không tập trung cảnh báo và quản lý việc sử dụng thuốc, nhất là thuốc kháng sinh thì rất nguy hiểm, dẫn đến gia tăng tình trạng kháng thuốc, gây khó khăn trong điều trị.
Việc dễ dàng mua, sử dụng thuốc của người dân và sự tùy tiện kê đơn thuốc của các dược sĩ tại các quầy thuốc là nguyên nhân của tình trạng sử dụng thuốc tràn lan hiện nay. Đây là tình trạng đáng báo động, hậu quả của nó chính là sức khỏe của người dân bởi thuốc tây vốn là “con dao hai lưỡi”, thuốc để chữa bệnh nhưng nếu dùng không đúng cũng dễ dàng cướp đi cơ hội chữa bệnh của bệnh nhân.
Chế tài có nhưng thực hiện chưa nghiêm
Bộ Y tế cho biết, để kiểm soát vấn nạn mua bán, sử dụng thuốc kê đơn tràn lan, Bộ đã có nhiều văn bản quy định về kê đơn và bán thuốc kê đơn; đăc biệt là Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020. Trong đó quy định rõ, hành vi bán lẻ thuốc kháng sinh mà không có đơn thuốc là hành vi bị nghiêm cấm.
Tuy nhiên dù đã quy định nhưng việc chấp hành và thực hiện của các cơ sở bán lẻ thuốc hiện nay vẫn chưa nghiêm. Trong khi đó, công tác thanh kiểm tra còn nhiều hạn chế do số lượng cơ sở khám chữa bệnh và nhà thuốc quá lớn, chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe. Theo quy định, đối với hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc bị xử phạt từ 200.000- 500.000 đồng.
Theo các chuyên gia, với mức phạt thấp như trên, lại khó có thể thanh kiểm tra thường xuyên khiến nhiều cơ sở bán lẻ thuốc vì lợi nhuận sẽ vẫn tiếp tục vi phạm. Cần có những biện pháp xử phạt thật mạnh tay mới có thể răn đe.
Bên cạnh đó, nhận thức của người dân trong việc mua bán, sử dụng thuốc cũng vô cùng quan trọng. Cần tăng cường công tác truyền thông đến người dân và các cơ sở y tế nhằm nâng cao nhận thức về việc mua thuốc kê đơn phải có đơn của thầy thuốc và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở cung ứng thuốc, đảm bảo việc bán thuốc kê đơn phải có đơn của thầy thuốc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, để góp phần giám sát việc bán thuốc theo đơn, kiểm soát giá thuốc, từ tháng1/2018, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin đối với nhà thuốc tại 4 tỉnh: Phú Thọ, Hưng Yên, Nam Định, Vĩnh Phúc. Dự kiến trong năm 2018, dự án kết nối mạng tất cả các nhà thuốc trên toàn quốc sẽ hoàn thành, phấn đấu từ nay đến năm 2020, Việt Nam phải đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc.
Theo đó khi triển khai việc nối mạng hệ thống nhà thuốc, các quầy thuốc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối mạng, có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa các nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quản lý liên quan khi được yêu cầu.
Với những nỗ lực trên, cùng việc nâng cao nhận thức người dân về mua, bán thuốc kê đơn, hy vọng thời gian tới, việc sử dụng thuốc tùy tiện, tràn lan sẽ dần được kiểm soát.