Theo đó, vào chiều 6/12, tại Viện nghiên cứu Tâm Anh (TP Hồ Chí Minh) Giáo sư Jonathan Van Tam đã có buổi trao đổi với hơn 300 nhà khoa học y khoa trẻ đến từ Đại sứ quán Anh, Viện Pasteur, Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh, Viện nghiên cứu Tâm Anh, Hệ thống tiêm chủng VNVC, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh với chủ đề “Từ Việt Nam đến số 10 Phố Downing".
Tại buổi trao đổi này, Giáo sư Jonathan Van Tam đã đưa ra các tư vấn quan trọng cho công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh cũng như khám chữa bệnh với các chuyên gia, bác sĩ Việt Nam trong thời kỳ mới.
Theo Giáo sư Jonathan Van Tam, việc chủ động nghiên cứu, dự phòng đối phó đại dịch trong mọi tình huống là rất quan trọng. Các dữ liệu khoa học rất cần thiết để đưa ra hành động, quyết sách kịp thời khi có đại dịch bất ngờ, ví dụ như dữ liệu về dịch tễ, ca bệnh, dịch chuyển dân số… Theo đó, các nhà nghiên cứu khoa học, đội ngũ y, bác sĩ cần có kết nối nhanh chóng, đưa ra các dữ liệu có thể có để có quyết định đúng; đồng thời ngành y tế cần xây dựng hệ thống cảnh báo đại dịch sớm.
Trả lời câu hỏi của bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh về vấn đề nhiều người quan niệm khác nhau về cách đeo khẩu trang và chính sách giãn cách xã hội trong đại dịch COVID-19, Giáo sư Jonathan Van Tam cho rằng, không có giải pháp nào tuyệt đối trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và cách duy nhất để làm điều này là thông qua các biện pháp giãn cách xã hội bao gồm cả phong tỏa.
“Tuy nhiên, các giải pháp chỉ mang tính tạm thời, giúp giảm thiểu nguy cơ. Khi đã có vaccine và thuốc thì chúng tôi có thể dừng các can thiệp xã hội và cho phép các can thiệp y tế thực hiện chức năng của mình”, Giáo sư Jonathan Van Tam chia sẻ thêm.
Nói về cơ hội hợp tác với các cá nhân hay cơ sở y tế Việt Nam trong tương lai, Giáo sư Jonathan Van Tam cho biết, ông theo đuổi ngành y tế dự phòng với mục đích giúp nhiều người không mắc bệnh, chứ không chỉ ở mức độ điều trị bệnh. Nếu có cơ hội phù hợp, ông luôn sẵn sàng cho những công việc hữu ích với các đơn vị tại quê hương.
Chia sẻ cảm xúc của mình khi lần đầu tiên trở về Việt Nam, Giáo sư Jonathan Van Tam bày tỏ: “Tôi rất xúc động và háo hức khi nhận được lời mời về Việt Nam từ Viện nghiên cứu Tâm Anh. Đây là lần đầu tiên tôi trở về thăm quê cha đất tổ với đầy cảm xúc như được trở về nhà sau gần 60 năm. Cảm ơn tất cả các bạn đã chào đón tôi đến Việt Nam”.
Giáo sư Jonathan cũng bày tỏ ấn tượng về tỷ lệ trẻ em và người lớn ở Việt Nam được tiếp cận với những vaccine chất lượng cao tương đương các nước phát triển như Anh Quốc, với điều kiện bảo quản quốc tế nhưng chi phí phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân Việt Nam.
Giáo sư Jonathan Van Tam (59 tuổi) sinh ra trong một gia đình có mẹ là người Anh, cha là người Pháp gốc Việt. Ông đảm nhận cương vị Phó Giám đốc y tế vùng England từ tháng 10/2017 đến tháng 3/2022 và đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ sức khỏe cho người dân vùng England. Ông tham gia công tác ngăn chặn sự bùng phát của nhiều đại dịch, trong đó có dịch MERS (hội chứng hô hấp cấp Trung Đông), đậu mùa khỉ, cúm và COVID-19.
Tên tuổi vị giáo sư gốc Việt trở nên quen thuộc với người dân Anh trong thời kỳ dịch COVID-19 bởi ông thường xuyên xuất hiện trong các cuộc họp báo của Chính phủ Anh, trả lời nhiều cuộc phỏng vấn về vaccine và các biện pháp chống dịch của Anh. Ông đã thu hút công chúng Anh với biệt tài diễn giải các vấn đề y khoa một cách dễ hiểu bằng lối nói ẩn dụ sống động.
Với những cống hiến trong việc lãnh đạo cơ quan y tế Anh đối phó đại dịch COVID-19, Giáo sư Jonathan Van Tam - người gốc Việt đầu tiên được Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ danh giá đầu năm 2022.