Tình trạng thuốc giả trà trộn trên thị trường hiện nay khiến nhiều người vô cùng lo lắng. |
Khó phân biệt thật- giả
Không chỉ lô thuốc chữa ung thư H-Capita vừa bị phát hiện, thời gian gần đây Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) liên tục đưa thông tin phát hiện các loại thuốc giả và yêu cầu ngừng buôn bán, sử dụng.
Trong tháng 7 vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng đã kiểm nghiệm và phát hiện lô thuốc tẩy giun giả Fugacar (số lô 514015) trên nhãn hộp ghi mạo danh cơ sở nhượng quyền sản xuất là công ty Janssen Pharmaceutica N.V., Beerse, Bỉ; hay lô thuốc Vastarel 20mg (số lô 929852) giả với công dụng trị đau thắt ngực, cơ tim; trên nhãn mác ghi mạo danh nhà sản xuất là Công ty Les Laboratoires Servier, Pháp cũng vừa bị phát hiện hồi tháng 4, tại Hà Nội… Nguy hiểm hơn là những lô thuốc đó đã từng được lưu hành ngoài thị trường và chắc chắn đã đến tay người tiêu dùng.
Trước những thông tin thuốc giả thời gian gần đây, nhiều người dân đang tỏ ra vô cùng lo lắng vì không biết đặt niềm tin vào đâu.
Đang điều trị ung thư vòm họng tại bệnh viện K Trung ương, ông Đinh Văn H. (59 tuổi, ở Ninh Bình) chỉ biết dành những hy vọng cuối cùng vào các biện pháp điều trị và uống thuốc.
Nghe thông tin về thuốc chữa ung thư giả trong những ngày qua, ông rất hoang mang. “Những người mắc bệnh hiểm nghèo như chúng tôi đã phải bỏ khoản tiền không hề nhỏ để dành cho việc chữa trị và mua thuốc, vì các loại thuốc chữa ung thư rất đắt tiền; thậm chí nhiều người còn phải bán nhà cửa, ruộng vườn mới có tiền chữa bệnh. Nếu vô tình dùng phải thuốc giả thì không những bị mất tiền oan mà tính mạng người bệnh chúng tôi cũng sẽ bị đe dọa”, ông H. lo lắng.
Cùng chung nỗi lo sợ như ông H., bà Dương Thu L. (Trung Văn, Hà Nội) phải sống chung với thuốc hàng ngày vì mắc bệnh tiểu đường, cho biết: “Mỗi ngày tôi phải uống đến 4- 5 loại thuốc khác nhau, không chỉ thuốc ổn định đường huyết mà còn các loại thuốc điều trị bệnh tim mạch, mỡ máu, gan nhiễm mỡ… Chúng tôi chỉ biết cầm đơn của bác sĩ ra hiệu thuốc để mua về uống chứ bằng mắt bình thường không thể biết và phân loại được thuốc thật, thuốc giả như thế nào”.
Các cơ quan chức năng không kiểm soát được thuốc giả nên người dân cũng không có công cụ để kiểm tra chất lượng thuốc, chỉ biết trông chờ vào lương tâm của những người kinh doanh, sản xuất. Trong khi đó, lợi dụng nhu cầu sử dụng thuốc của nhân dân ngày càng cao, nhiều đối tượng đã cố tình sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng để trà trộn vào thị trường thuốc hòng trục lợi.
Theo các chuyên gia, với nhiều công nghệ tinh vi như hiện nay, hầu hết các thuốc đều có nguy cơ bị làm giả với hình dạng, bao bì, nhãn mác giống như thuốc thật. Hiện nay có rất nhiều loại thuốc thường hay bị làm giả như: Thuốc chữa bệnh tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường, thuốc kháng sinh, corticoid, thuốc ung thư, thuốc ức chế virut...
Tăng cường thanh, kiểm tra
Theo PGS. TS. Đoàn Cao Sơn, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương (Bộ Y tế), công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc trên địa bàn cả nước đang được tăng cường nhằm đảm bảo thuốc đến tay người dùng có chất lượng, hiệu lực và an toàn. Qua quá trình kiểm nghiệm cho thấy, tỷ lệ mẫu thuốc không đạt chất lượng và tỷ lệ thuốc giả của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực.
Để ngăn chặn thuốc kém chất lượng trên thị trường, hiện các lô thuốc nhập khẩu của các nhà sản xuất có nguy cơ cao về chất lượng đã được thực hiện tiền kiểm 100% trước khi lưu hành. Các đơn vị trong hệ thống kiểm nghiệm thuốc đang tăng cường lấy mẫu kiểm tra chất lượng các loại thuốc trên thị trường và tại các bệnh viện.
Bộ Y tế cũng đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn việc quản lý chất lượng thuốc trong quá trình sản xuất, nhập khẩu, lưu hành và sử dụng tại Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng thuốc; tăng cường xử lý các loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng lưu hành trên thị trường.
Trong đó, Cục Quản lý Dược chịu trách nhiệm thanh, kiểm tra, tiếp nhận thông tin về chất lượng, an toàn và hiệu quả của các loại thuốc; ra quyết định thu hồi, giám sát hiệu quả thu hồi… đối với các loại thuốc vi phạm. Đồng thời yêu cầu các Sở Y tế của các tỉnh, thành phố chỉ đạo quản lý toàn diện về chất lượng thuốc ở địa phương, chủ động tổ chức và thực hiện việc kiểm tra và xử lý các vấn đề về chất lượng thuốc trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán thuốc giả, tùy theo mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Các tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ hợp lệ, thuốc nhập lậu, thuốc không được phép lưu hành sẽ bị xử lý, xử phạt hành chính theo các điều khoản xử phạt cao nhất và các biện pháp xử phạt bổ sung theo quy định của pháp luật.