Năm 2012, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông qua lộ trình chống lại 17 căn bệnh nhiệt đới ít được chú ý, thường gặp ở môi trường sống mất vệ sinh, như các bệnh do giun sán gây ra, bệnh đau mắt hột, bệnh phong...
Phóng viên TTXVN tại Geneva cho biết nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh NTDs, Tổ chức Liên minh toàn cầu chống bệnh sán máng đã trưng bày tại hồ Leman (trung tâm Geneva) hình nộm một con sán màu vàng dài 25 mét, tượng trưng cho bệnh sán máng, một bệnh do ký sinh trùng gây ra 280.000 ca tử vong mỗi năm. Hình nộm này được trưng bày nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về một trong những căn bệnh nhiệt đới thường bị xem nhẹ, gây tử vong đối với hàng triệu người, chủ yếu tại châu Phi.
Căn bệnh lây nhiễm qua một ký sinh trùng có tên "Schistosoma". Trứng của ký sinh trùng này thường có trong nước ngọt (nước sinh hoạt), xâm nhập vào máu người qua da và cư trú trong gan, lá lách và bàng quang. Bệnh có thể gây viêm nhiễm đường tiết niệu hoặc đường ruột. Những người nhiễm bệnh mãn tính có thể bị tổn thương gan, suy thận, ung thư bàng quang. Ở trẻ em, bệnh có thể làm trẻ phát triển chậm, gặp khó khăn trong học tập.
Bệnh sán máng là bệnh ký sinh trùng nguy hiểm thứ hai, sau bệnh sốt rét, được ghi nhận tại 78 quốc gia, phổ biến tại vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Đối tượng nhiễm bệnh chủ yếu là người nghèo, ít có điều kiện tiếp cận với nguồn nước sạch.