Đây là kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia Trường Vệ sinh và y học nhiệt đới London của Anh đăng trên tạp chí The Lancet số ra ngày 16/6.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích các bộ dữ liệu toàn cầu về các bệnh như đái tháo đường, bệnh phổi và HIV/AIDS để ước tính có bao nhiều người trong nhóm này có nguy cơ cao mắc COVID-19 ở thể nặng. Kết quả cho thấy 20% số người có ít nhất một bệnh lý nền có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn. Mặc dù không phải tất cả người này đều sẽ phát triển triệu chứng nặng nếu mắc COVID-19, song khoảng 4% dân số thế giới, tương đương 350 triệu người, có nguy cơ phải nhập viện nếu mắc căn bệnh nguy hiểm này.
Cũng giống như các nghiên cứu trước đây, công trình của nhóm tác giả Anh cho thấy người cao tuổi có nguy cơ mắc COVID-19 nặng cao hơn. Khoảng 70% số người trên 70 tuổi có ít nhất một bệnh lý nền, trong khi tỷ lệ này ở người dưới 20 tuổi chỉ chưa đến 5%. Đáng chú ý, những nước có dân số trẻ, tỷ lệ người có ít nhất một bệnh lý nền ít hơn nhưng tỷ lệ mắc bệnh lý nền thay đổi tùy theo các quốc gia trên toàn cầu. Ví dụ, những quốc đảo nhỏ như Fiji và Mauritius nằm trong nhóm mắc bệnh đái tháo đường cao nhất thế giới, căn bệnh mãn tính này được xem là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 ở mức độ nghiêm trọng. Trong khi đó, các quốc gia có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS cao nhất như Swatini và Lesotho, cũng được khuyến cáo hết sức cảnh giác trước nguy cơ mắc COVID-19. Ở châu Âu, nơi nền kinh tế và y học phát triển hơn, trên 30% dân số sống chung với ít nhất một bệnh lý nền.
Nhóm tác giả hy vọng kết quả nghiên cứu này sẽ giúp chính phủ các nước tìm ra phương án bảo vệ hiệu quả nhóm người dễ bị tổn thương nhất trước tác động của COVID-19 sau khi có nhiều quốc gia đang dần nới lỏng lệnh phong tỏa khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh gia tăng. Các nhà khoa học cho rằng cần khuyến cáo người có bệnh lý nền tuân thủ nghiêm túc các biện pháp giãn cách xã hội phù hợp.
Theo số liệu của trang worldometers.info, thế giới đã ghi nhận hơn 8,1 triệu ca nhiễm và hơn 439.000 người thiệt mạng vì COVID-19.