Trao đổi với báo chí bên lề mít tinh, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết “Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh từ 12-18/11/2018” góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về kháng kháng sinh, đặc biệt là tầm quan trọng của việc sử dụng kháng sinh đúng cách và có trách nhiệm.
Xin ông cho biết tầm quan trọng của việc sử dụng kháng sinh đúng cách và có trách nhiệm?
Hiện nay, tình trạng kháng kháng sinh trên thế giới cũng như ở Việt Nam diễn ra khá nghiêm trọng. Kháng kháng sinh có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai, ở mọi lứa tuổi và đã trở thành một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu và sự phát triển. Chính vì lẽ đó chúng ta phải có chiến lược bài bản, kế hoạch hành động cụ thể thì mới ngăn chặn dần được tình trạng kháng kháng sinh.
Ở Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc với mục tiêu làm cho cộng đồng nhận thức rõ về tình trạng kháng kháng sinh và dùng thuốc như thế nào cho hợp lý, không dùng thuốc bừa bãi khi chưa có ý kiến của các nhà chuyên môn. Để thực hiện Kế hoạch này, cần sự phối hợp với tất cả các bộ, ngành vì riêng Bộ Y tế thì không thể làm nổi.
Như sự vào cuộc của Bộ Thông tin Truyền thông đã góp phần đẩy mạnh và lan rộng công tác truyền thông, giúp người dân và cộng đồng ý thức được sự nguy hiểm của tình trạng kháng kháng sinh hiện nay.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, việc sử dụng các loại thuốc trong trồng trọt, chăn nuôi… cũng có dư lượng kháng sinh. Nếu chúng ta dùng không đúng, dùng không cẩn thận thì cũng là cơ hội để vi khuẩn phát triển.
Thời gian gần đây, việc lạm dụng kháng sinh có giảm, nhưng chưa giảm như mong muốn. Có một tình trạng là người dân cứ đau ốm là có thể tự ra hiệu thuốc đọc tên thuốc kháng sinh mình cần mua. Điều này vô cùng nguy hiểm vì người dân không thể biết được bệnh này đã cần dùng kháng sinh hay chưa, nếu dùng thì dùng loại kháng sinh nào và dùng với liều lượng bao nhiêu, thời gian kéo dài bao lâu… Nếu sự kết hợp này không hợp lý thì cũng là cơ hội cho vi khuẩn kháng thuốc.
Chúng ta cần xây dựng một số trung tâm kiểm nghiệm, xét nghiệm, labo để đánh giá, kiểm chuẩn về tình trạng vi khuẩn nhạy với kháng sinh nào để tư vấn cho các nhà lâm sàng khi sử dụng thuốc cho bệnh nhân.
Đối với các hiệu thuốc, phải rất nghiêm túc thực hiện, khi có đơn mới bán thuốc, không có đơn không bán thuốc. Chúng ta phải sử dụng thuốc có chất lượng tốt, không sử dụng thuốc, đặc biệt là kháng sinh mà chất lượng không đảm bảo. Có như vậy chúng ta mới giải quyết được tình trạng kháng thuốc như hiện nay.
Việt Nam là một trong những nước chịu đựng tình trạng kháng thuốc khá rõ nét, chính vì lẽ đó, Bộ Y tế đã có kế hoạch, chương trình hành động rất cụ thể, và tôi mong muốn rằng qua tuần lễ này, người dân ý thức được rằng nếu không quan tâm, coi trọng việc sử dụng kháng sinh thì sau này chúng ta sẽ chịu hậu quả khôn lường, khi rơi vào tình trạng bệnh nặng, hiểm nguy thì thuốc dùng không còn hiệu quả nữa.
Xin ông cho biết, trong cuộc chiến với kháng kháng sinh, điều gì cần quan tâm nhất hiện nay?
Nếu sắp xếp ưu tiên thứ tự thì điều đầu tiên cần thiết đó là làm cho cộng đồng ý thức được việc sử dụng kháng sinh cần rất thận trọng, có tư vấn của thầy thuốc, và đây là yếu tố quan trọng nhất.
Còn các thầy thuốc, các hiệu thuốc hay dược sĩ đứng ở yếu tố thứ yếu hơn, vì khi người dân ý thức được phải đến bác sĩ đã rồi mới đến quyết định có dùng thuốc hay không và dùng thuốc như thế nào phải dựa vào đơn bác sĩ kê rồi mới dùng thì hiệu thuốc sẽ không còn người tùy tiện đến mua. Các dược sĩ, hiệu thuốc phải rất nghiêm túc, phải có đơn mới bán. Hai đối tượng này phải kết hợp với nhau thật chặt chẽ. Các bác sĩ cần cân nhắc, thận trọng trước người bệnh, đánh giá bệnh kĩ càng mới quyết định có dùng thuốc hay không.
Chúng ta biết rằng có rất nhiều loại nhiễm khuẩn và có những trường hợp không cần dùng thuốc, chỉ nhờ sức đề kháng của người bệnh mà bệnh tự khỏi. Trong trường hợp này thầy thuốc không cần kê đơn cho người bệnh. Còn những trường hợp bác sĩ thấy rằng cần thiết sủ dụng thuốc mới khỏi được bệnh thì cần nhắc sử dụng thuốc gì, liều lượng bao nhiêu, thời gian sử dụng và bao giờ yêu cầu bệnh nhân quay trở lại tái khám. Nếu chúng ta làm việc nghiêm túc, khoa học, trách nhiệm thì tình trạng kháng kháng sinh sẽ ngày càng giảm đi.
Theo đánh giá, hiện nay, mức xử phạt đối với các hiệu thuốc vi phạm còn thấp, vậy theo ông đây có phải lý do để việc vi phạm của các nhà thuốc vẫn tái diễn hay không?
Tôi cho rằng, khi chúng ta đưa ra quy định hay xây dựng luật cần xuất phát từ thực tiễn, và cũng từ thực tiễn soi xét lại để có những điều chỉnh, quyết định phù hợp hơn.
Ví dụ, chúng ta thấy hình thức xử phạt như vậy còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, vậy chúng ta có thể nâng mức hình phạt lên, tôi cho rằng cũng hoàn toàn hợp lý.
Điều tôi e ngại là Bộ Y tế, cũng như các sở y tế hiện nay lực lượng thanh tra, kiểm tra còn mỏng manh lắm, chưa đủ để kiểm tra được toàn bộ, toàn diện các hiệu thuốc. Việc chúng ta thỉnh thoảng đi kiểm tra được nơi này, thỉnh thoảng kiểm tra được nơi kia chưa đủ để khống chế toàn bộ các hiệu thuốc làm việc một cách nghiêm túc.
Tuy vậy, tôi cho rằng, hình phạt nhẹ, chưa đủ sức răn đe cũng chỉ là một trong những yếu tố, quan trọng nhất là mọi người có ý thức vì trách nhiệm cộng đồng và trong đó có chính bản thân mình nữa. Vì không cẩn thận, mình có thể bị lây nhiễm các loại vi khuẩn đã mang tính kháng kháng sinh cao rồi. Đó là điều vô cùng nguy hiểm.
Xin trân trọng cảm ơn ông!