Khó ngủ, rụng tóc, hụt hơi...
Đầu tháng 8/2021, anh N. V. T (28 tuổi, quận Bình Thạnh) mắc COVID-19. Anh T. cho biết, có thể do anh đã được tiêm đủ hai mũi vaccine phòng COVID-19 nên anh đã "lướt" qua một cách nhẹ nhàng. Theo đó, anh chỉ bị sốt một ngày và không bị mất mùi vị, không bị khó thở. Khi biết mình trở thành F0, anh còn cảm thấy “nhẹ nhõm” vì sau khi khỏi bệnh có thể đi lại thoải mái mà không phải lo sợ mắc COVID-19 như trước. Thế nhưng, sau khi thoát khỏi F0, anh chợt nhận thấy sức khỏe của mình có những dấu hiệu bất thường.
“Kể từ ngày bị COVID-19 đến nay, tôi thấy mình hay mệt, đầu óc mông lung hơn và rụng tóc rất nhiều. Đặc biệt, cứ 2 - 3 ngày, mình lại bị mất ngủ. Đã có lúc mình phải sử dụng thuốc an thần hoặc uống các loại trà thảo mộc cho dễ ngủ nhưng cũng không thể nào vào được giấc như trước. Tôi có hỏi bạn bè tôi, hầu như ai cũng gặp các di chứng sau khi thoát F0. Theo đó, người thì thay đổi mùi vị, người thì khó thở nhưng nhiều nhất là rụng tóc và mất ngủ”, anh N.V. T chia sẻ.
Còn chị T. T. O ( tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cho biết, trong thời gian mắc COVID-19, chị bị sốt 3 ngày và bị mất mùi nhưng đến ngày thứ 7 thì đã có kết quả âm tính. “Tôi nghĩ trước sau gì cũng mắc COVID-19 nên thời điểm phát hiện mình thành F0 tôi khá thoải mái. Tuy nhiên, tôi lại bị stress vì di chứng hậu COVID-19. Trước đó, bình thường tôi đi làm về khoảng 22 giờ thì đã buồn ngủ, thế nhưng từ khi thành F0 đến nay tôi mất ngủ thường xuyên, mệt mỏi, khó thở, choáng váng và đau đầu kinh khủng. Trước đó, tôi có thể đi một mạch lên lầu mà không thấy mệt, còn giờ thì đi vài bậc cầu thang đã thấy hụt hơi và phải đứng nghỉ. Cảm giác cố hít thở nhiều nhưng không nạp đủ oxy vậy... Nói chung, giờ người cứ lâng lâng, choáng váng…”, chị T.T.O. nói.
Tương tự, anh P. V. Q (47 tuổi, ngụ thành phố Thủ Đức) cho biết, đã hơn 1 tháng khỏi bệnh nhưng sức khỏe của anh vẫn chưa thể hồi phục như trước. Chỉ cần ngồi làm việc 3 - 4 tiếng, anh Q. đã cảm thấy rất mệt và có lúc bị hụt hơi. “Tôi thấy thời điểm mắc COVID-19 không đáng sợ bằng hậu COVID-19. Sau khi khỏi bệnh, người tôi lúc nào cũng cảm thấy nặng nề, khó chịu nhất là mất ngủ. Mặc dù đến 23 giờ là tôi đã buồn ngủ, nhưng nằm xuống lại không thể ngủ được. Hầu như ngày nào cũng 2-3 giờ sáng mới ngủ được. Bên cạnh đó, tôi còn cảm thấy thỉnh thoảng đau và co thắt ở ngực trái. Tôi cố gắng bổ sung các loại vitamin và tập thể dục, nếu không bớt chắc phải đến bệnh viện khám”, anh P. V. Q cho biết.
Theo TS.BS Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, các nghiên cứu cho thấy, COVID-19 không chỉ tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người bệnh, mà còn để lại nhiều rối loạn lâu dài liên quan đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Hội chứng hậu COVID-19 xảy ra ở những người bệnh có các mức độ bệnh khác nhau trong giai đoạn nhiễm cấp tính, mức độ nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Theo đó, các triệu chứng hậu COVID-19 có thể xuất hiện ở nhiều cơ quan, bộ phận trên cơ thể con người (khoảng 200 triệu chứng ở khắp cơ thể), trong đó phổ biến nhất là ở đường hô hấp. Các triệu chứng hậu COVID-19 ở đường hô hấp như ho khan, ho đàm, khó thở, tức ngực, thiếu oxy (suy hô hấp) có thể rất nhẹ cho đến rất nặng tùy diễn biến bệnh trong giai đoạn đang mắc COVID-19. Bên cạnh đó, các tổn thương phổi biểu hiện trên X-quang phổi hay CT scan ngực cũng đa dạng và nhiều mức độ như viêm phổi, xơ phổi, hoại tử phổi, giãn phế quản. Các tổn thương này góp phần gây ra các triệu chứng hô hấp hậu COVID-19 vừa kể trên. Đa phần các tổn thương phổi nhẹ hay các triệu chứng nhẹ sẽ tự hồi phục.
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam cũng cho rằng, hậu mắc COVID-19 đã để lại di chứng hô hấp trầm trọng, kéo dài về hình ảnh học, lâm sàng và viêm. Tổn thương phổi đôi khi rất nặng, diễn tiến nhanh gây suy hô hấp cấp, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS). Đối với bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh nền nặng sẽ có nguy cơ gây tử vong cao.
"Các hội chứng hậu COVID-19 có thể diễn ra 3 tháng sau khi bệnh nhân xuất viện. Nằm viện càng lâu bệnh càng nặng và di chứng hậu COVID-19 càng cao. Bên cạnh đó, tuổi càng lớn hậu COVID-19 càng rõ và kéo dài", PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc cho biết thêm.
Đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác thu dung, điều trị và quản lý các trường hợp mắc COVID-19 trên địa bàn, Thành phố vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là vấn đề sức khỏe của người dân hậu mắc COVID-19. Tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố, ghi nhận số lượt người dân đến khám hậu COVID-19 với các bệnh lý rất đa dạng như cảm giác mệt mỏi, di chứng phổi, di chứng tim mạch, rối loạn tâm thần... hậu COVID.
Theo đó, ngành y tế Thành phố xem đây là một vấn đề cần quan tâm trong công tác chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho người dân trong năm 2022; đồng thời đang tổ chức xây dựng kế hoạch điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người dân sau mắc COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Cụ thể, ngành y tế tăng cường sự phối hợp giữa Đông y và Tây y trong việc chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe; chủ động phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe liên quan đến các hội chứng hậu COVID-19 phân biệt với các bệnh lý khác; tổ chức lại các hoạt động điều trị, chăm sóc các bệnh nền, các bệnh lý không phải do COVID-19 gây ra; phối hợp giữa nhiều chuyên ngành bao gồm: tim mạch, hô hấp, thần kinh, tâm thần, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và y học cổ truyền để điều trị cho người bị hậu COVID-19.
Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng đang đẩy mạnh các hoạt động điều trị, chăm sóc sức khỏe tâm thần ở y tế các cấp; tổ chức tổng đài tư vấn sức khỏe tâm thần, tâm thể trị liệu do các chuyên gia của Bệnh viện Tâm thần phụ trách và thực hiện công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của toàn dân nói chung và người từng mắc COVID-19 nói riêng về các nguy cơ, các triệu chứng tâm lý, bệnh lý giai đoạn hồi phục để có cách ứng phó hợp lý.
Chủ tịch Hội Đông y TP Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2022, Hội Đông y TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức chương trình “Chung tay chăm sóc sức khỏe nhân dân hậu mắc COVID-19” với chủ đề "Sức khỏe nhân dân - Nụ cười thầy thuốc". Theo đó, chương trình này diễn ra xuyên suốt 5 tháng, từ 14/1 đến 29/4, do Ban chỉ đạo TP Hồ Chí Minh, Hội Đông y và các đơn vị cùng phối hợp thực hiện.
Trong đó, giai đoạn 1, Hội tập trung chăm lo cho khoảng 6.000 người có công với cách mạng, đảng viên cao tuổi thuộc 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Giai đoạn 2, Hội Đông y TP Hồ Chí Minh tiếp tục chăm lo cho 6.000 người khó khăn hậu mắc COVID-19 trên địa bàn. Theo kế hoạch, người dân thăm khám được tầm soát bệnh miễn phí, sàng lọc tư vấn tâm lý hậu COVID-19 miễn phí; chụp X quang tim, phổi, đo tim, siêu âm miễn phí. Đồng thời, Hội cũng phát tặng các sản phẩm y học cổ truyền từ dược liệu cho 12.000 người tham gia chương trình.
TS.BS Nguyễn Như Vinh khuyến cáo: Nếu thấy triệu chứng vẫn còn dai dẳng sau 4 tuần kể từ khi mắc COVID-19, người bệnh nên đi khám để được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, người bệnh sau khi khỏi COVID-19 cần tăng cường sức khỏe để hạn chế ảnh hưởng của các triệu chứng hậu COVID-19 bằng cách uống nhiều nước (nếu trước đó có thói quen uống ít nước thì nay nên thay đổi), ăn nhiều rau quả, tập thể dục đều đặn để tăng cường thể chất, tập thở để tăng cường hệ hô hấp và cải thiện khó thở nếu có; ngủ đủ giấc, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý để có sức khỏe tốt nhất.