Cách tiếp cận này góp phần giúp nâng cao năng lực của cán bộ y tế. Sáng kiến y tế từ xa "Bác sĩ cho mọi nhà" minh chứng vai trò của chuyển đổi số đối với việc thúc đẩy bình đẳng trong việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam. Đây là nhận định chung của đại biểu tham gia Hội thảo chia sẻ kết quả triển khai chương trình tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở sử dụng phần mềm "Bác sĩ cho mọi nhà" do Bộ Y tế phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức ngày 20/7 tại Hà Nội.
Giảm chi phí cho người bệnh, nâng cao năng lực cán bộ y tế
Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá, việc triển khai phần mềm đã thay đổi việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng cách trao quyền lựa chọn cho người bệnh, hẹn với cán bộ y tế vào thời điểm phù hợp nhất. Người dân có nhu cầu khám, chữa bệnh có thể nhận được sự chăm sóc y tế kịp thời từ Trạm Y tế xã với sự tư vấn của bác sĩ tuyến trên thông qua kết nối trực tuyến sử dụng ứng dụng 'Bác sĩ cho mọi nhà". Cách tiếp cận này không chỉ giảm chi phí cho người bệnh khi được chăm sóc y tế từ xa mà còn nâng cao năng lực của cán bộ y tế tại trạm y tế xã, thúc đẩy hệ thống chăm sóc sức khỏe linh hoạt hơn.
"Bác sĩ cho mọi nhà" được triển khai từ năm 2020 đến nay đã qua hai giai đoạn. Đó là giai đoạn phát triển phần mềm và thử nghiệm tại các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn và Lạng Sơn năm 2021- 2022. Dựa trên kết quả tích cực và bài học từ giai đoạn đầu, giai đoạn 2 được thực hiện tại 5 tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lắk và Cà Mau.
"Bác sĩ cho mọi nhà" là cầu nối cán bộ y tế tại Trạm Y tế xã với các đơn vị y tế tuyến trên, giúp công tác tư vấn, hướng dẫn điều trị hiệu quả. Chương trình có tính năng cuộc gọi truyền hình, hỗ trợ thực hiện các cuộc họp giao ban hoặc sinh hoạt chuyên môn. Phần mềm còn có ứng dụng điện thoại thông minh thân thiện với người dùng, trao quyền cho mọi người dân tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện.
Từ tháng 11/2022, phần mềm "Bác sĩ cho mọi nhà" đã được cài đặt và triển khai tại 1.403 cơ sở y tế cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã tại 5 tỉnh, tất cả đều được kết nối thông suốt với Trung tâm Dữ liệu của Bộ Y tế. Chương trình đã thiết lập các phòng chức năng tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại 75 Trạm Y tế xã có nguy cơ cao thông qua việc trang bị 75 bộ máy tính để bàn, webcam microphone và loa ngoài với chất lượng tốt để đảm bảo dịch vụ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa hiệu quả.
Sáng kiến y tế từ xa đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cán bộ y tế, với 4.900 cán bộ ở cấp tỉnh, huyện và xã được đào tạo để sử dụng ứng dụng "Bác sĩ cho mọi nhà" một cách hiệu quả. Chương trình đạt được những kết quả ấn tượng với 755.000 tài khoản cho người dân đã được tạo, khoảng 28.000 yêu cầu hẹn khám đã đặt thông qua hệ thống này tính tới tháng 6/2023. Một điểm nổi bật chính của dự án này là những cải tiến rõ rệt trong việc tiếp cận và kết quả chăm sóc sức khỏe không chỉ trong bối cảnh COVID-19.
Chiến lược này giúp kiểm soát dịch bệnh, giảm quá tải ở các cơ sở y tế tuyến trên, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến dưới. Việc đảm bảo chuyển tuyến kịp thời và sự chỉ đạo liên tục của các cơ sở y tế và các bác sĩ chuyên khoa tuyến trên khi có yêu cầu sẽ mang lại kết quả chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân.
Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành Y tế
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá, công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số y tế đã từng bước phát triển và đạt được một số thành quả ban đầu đáng khích lệ.
Ngay từ năm 2020, Bộ Y tế đã triển khai đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" theo Quyết định số 2628/QĐ-BYT và khai trương 1.000 điểm cầu. Đến nay, Đề án đang được các nơi tích cực triển khai với hàng vạn lượt người bệnh được tư vấn khám, chữa bệnh từ xa trên toàn quốc. Trong bối cảnh giãn cách do COVID-19, việc xây dựng và triển khai Đề án này càng cho thấy tính hiệu quả.
Để chuẩn hóa triển khai hoạt động khám, chữa bệnh từ xa, Bộ Y tế đã tham mưu nội dung Điều số 80 về khám, chữa bệnh từ xa và được Quốc hội ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi năm 2023. Bộ Y tế đang xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Khám chữa bệnh sửa đổi và sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định trong năm 2023. Nội dung khám, chữa bệnh từ xa sẽ được quy định cụ thể, chi tiết hơn, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế, người hành nghề và đặc biệt là người bệnh được hưởng lợi từ hoạt động này.
Từ năm 2020, nhằm nâng cao năng lực y tế cơ sở và cải thiện tiếp cận của người dân, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu vùng xa với dịch vụ y tế chất lượng cao, UNDP đã đồng hành cùng Bộ Y tế phát triển, thực hiện chương trình tư vấn khám chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở sử dụng phần mềm "Bác sĩ cho mọi nhà" tại Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Chương trình đạt được kết quả khích lệ ban đầu.
Bộ Y tế đánh giá rất cao nỗ lực của UNDP và các chuyên gia đã chung tay thực hiện những điều có ý nghĩa cho người dân ở những vùng khó khăn - Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh. Giai đoạn tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với UNDP để huy động nguồn lực thực hiện chương trình chuyển đổi số, hoàn thành các chỉ tiêu về chương trình nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế, hướng tới việc quản lý sức khỏe nhân dân trên môi trường số, tiếp tục ưu tiên các hoạt động nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở.
Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi cho biết, UNDP đặt ưu tiên cao trong việc hỗ trợ lộ trình chuyển đổi kỹ thuật số quốc gia của Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, bao gồm cả chuyển đổi kỹ thuật số về y tế. Mục tiêu dài hạn của UNDP là hỗ trợ phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe từ xa tuyến y tế cơ sở trên toàn quốc, nơi mà những nhân viên y tế cơ sở được hỗ trợ bằng hướng dẫn sẵn có, bệnh nhân nhận được chăm sóc chất lượng cao đúng thời gian.
UNDP đang làm việc với Bộ Y tế và các đối tác khác để huy động thêm nguồn lực, hỗ trợ mở rộng chương trình ra nhiều địa phương khác; tiếp tục xây dựng khung pháp lý và chính sách cho chương trình khám, chữa bệnh từ xa - bà Ramla Khalidi thông tin.