Khi Tổ quốc cần, sinh viên y khoa sẵn sàng “ra trận”

Tự tin với kiến thức chuyên môn được học, cùng với tinh thần xung kích của tuổi trẻ, các sinh viên y khoa đã tình nguyện tạm “gác” sách vở, rời giảng đường, sẵn sàng vào “cuộc chiến” phòng chống dịch COVID-19, bảo vệ cộng đồng

Chú thích ảnh
Sinh viên y khoa hỗ trợ tại trạm y tế trong điều tra dịch tễ.

Sẵn sàng lên đường

Dừng học một tuần nay để tham gia tình nguyện hỗ trợ Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, bạn Trần Diễm My lớp Y6H, ngành Bác sĩ Y học dự phòng (trường Đại học Y Hà Nội) đã quen với công việc “trực chiến” tại Bộ Y tế với nhiệm vụ làm liên lạc viên điều tra dịch tễ học khi các hành khách nhập cảnh vào Việt Nam. Công việc hàng ngày của My là gọi điện và liên lạc với các hành khách trên các chuyến bay, thống kê, phân loại để hỗ trợ giúp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 phân loại nguy cơ.

Ca trực của My và các bạn có thể kéo dài từ 6 giờ 30 phút sáng tới 2-3 giờ sáng ngày hôm sau. Việc tiếp nhận thông tin các chuyến bay, liên lạc với hành khách bất kể lúc nào, phân loại nguy cơ cũng rất căng thẳng, nhất là những ngày lượng người về nước khá lớn.

Trần Diễm My chia sẻ: “Tôi không về nhà mà ở Bộ Y tế. Những ca trực dài khiến ban đầu chúng tôi chưa quen, cảm thấy hơi mệt. Nhưng chỉ sau vài ngày, chúng tôi đã có thể thích nghi và có thể biết cách sắp xếp thời gian sinh hoạt cho phù hợp”.

Ngay từ trong Tết Nguyên đán, khi dịch COVID-19 có dấu hiệu tăng, Diễm My cùng các bạn đã tự giác tìm hiểu thông tin cả trong và ngoài nước để trang bị kiến thức và tham gia các đợt tập huấn thêm tại trường, tại các trung tâm thực hành như: Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hà Nội, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương… Là lớp trưởng gương mẫu, ngay từ những ngày đi học đầu tiên sau Tết, Diễm My đã vận động các bạn xin thầy cô được tham gia hỗ trợ bất cứ việc gì có thể làm được trong công tác phòng chống dịch.

“Đến hiện tại 100% các bạn sinh viên trong lớp tôi đã đăng ký lên đường đi chống dịch, chúng tôi có thể làm bất cứ việc gì được phân công vì chúng tôi tự tin đã được trang bị kiến thức chắc chắn”, Diễm My chia sẻ.

Nguyễn Công Minh, sinh viên năm thứ 4 chuyên ngành Y tế công cộng (trường Đại học Y tế công cộng) cũng đã có gần một tuần tham gia chống dịch. Minh được phân hỗ trợ tại địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Minh đang nhận công việc tại trạm y tế phường Xuân Tảo với nhiệm vụ giám sát, điều tra dịch tễ học, phát hiện các trường hợp nghi ngờ, các trường hợp tiếp xúc gần trên địa bàn, khoanh vùng và hướng dẫn người dân tự cách ly. Từ khi quận Bắc Từ Liêm có 2 ca mắc COVID-19, công việc phòng dịch “nóng” lên rất nhiều.

“Những ngày gần đây, lượng công việc khá nhiều khi chúng tôi cùng với cán bộ trạm y tế lên danh sách các hộ dân cư trong địa bàn, thực hiện phun hoá chất khử khuẩn toàn bộ các toà chung cư. Chúng tôi tiếp nhận thông tin, khoanh vùng để phát hiện các trường hợp nghi nhiễm, tiếp xúc gần, liên hệ, gọi điện cho người dân để hướng dẫn người dân cách ly…”, Nguyễn Công Minh chia sẻ.

Không chỉ hỗ trợ cho địa phương, giảm tải cho cán bộ y tế trên địa bàn, việc tham gia các công việc đúng với chuyên ngành y tế công cộng đã cho Minh và tình nguyện viên những trải nghiệm thực tế, là cơ hội để học hỏi và trưởng thành.

Cùng với Trần Diễm My, Nguyễn Công Minh, những ngày gần đây, lực lượng sinh viên y khoa của Hà Nội đang toả đi khắp các đơn vị, địa bàn hỗ trợ cho các công tác phòng chống dịch, với sức trẻ xung kích.

Bí thư Đoàn trường Đại học Y Hà Nội Đỗ Nam Khánh cho biết: “Ngay từ sau Tết, khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều trường đại học nghỉ nhưng trường Đại học Y Hà Nội vẫn học và làm việc bình thường. Đến khi nhận được công văn của Bộ Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội về huy động sinh viên tham gia chống dịch. Nhà trường đã chỉ đạo Đoàn thanh niên phối hợp cử 124 sinh viên năm cuối hệ bác sĩ Y học dự phòng và cử nhân Y tế công cộng tham gia hỗ trợ công việc cùng với Hà Nội và Bộ Y tế.

Trường đã tổ chức thành 3 nhóm sinh viên nhận nhiệm vụ tại các đơn vị. Cụ thể, một nhóm gồm 27 sinh viên đang làm việc ở tổ thư ký của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 làm nhiệm vụ liên lạc, điều tra dịch tễ học khi các hành khách nhập cảnh vào Việt Nam; một nhóm gồm 48 bạn hỗ trợ trực tiếp cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội các công việc liên quan đến phòng dịch trực tiếp như: Điều tra dịch tễ học ở sân bay Nội Bài, các khu cách ly, hỗ trợ hậu cần cho việc đi lấy mẫu, phân tích thống kê, xử lý số liệu và hỗ trợ xét nghiệm trong các labo; và một nhóm gần 50 bạn đang học tập và làm việc cùng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương để có thể tham gia các công việc trực tiếp và gián tiếp liên quan đến phòng dịch COVID-19.

“Đến nay các đơn vị đều có phản hồi rất tốt về tinh thần làm việc, hiệu quả công việc của các sinh viên khi được điều động đi làm việc tại các địa bàn, đơn vị”, Bí thư Đoàn trường Đỗ Nam Khánh chia sẻ.

Còn tại trường Đại học Y tế Công cộng, ngay từ khi phát động, đã có hàng trăm sinh viên đăng ký tham gia cùng Hà Nội phòng chống dịch.

Cô Nguyễn Thanh Hà, Phó hiệu trưởng trường Đại học Y tế công cộng cho biết: “Nhà trường đã có hơn 200 sinh viên đăng ký tình nguyện tham gia công tác liên hệ, hướng dẫn cách ly đối với hành khách trên các chuyến bay từ vùng dịch trở về Việt Nam. Khi nhận được sự huy động của quận Bắc Từ Liêm, chỉ trong hơn nửa ngày, đã có 252 sinh viên tình nguyện đăng ký tham gia hỗ trợ phòng chống dịch trên địa bàn. Trong đợt này, trước mắt, nhà trường chọn 40 sinh viên năm thứ 3, thứ 4 để tham gia. Đây không chỉ là cơ hội cho các sinh viên đóng góp mà còn là cơ hội để thực hành thực tế tốt hơn”.

Các bạn sinh viên tình nguyện đã được tập huấn công việc thống kê, báo cáo số liệu, kiểm soát những người đi từ vùng dịch về và những người có tiếp xúc với các trường hợp ca bệnh để kiểm tra sức khoẻ; hỗ trợ trong việc thực hiện cách ly các ca nghi ngờ, khoanh vùng xử lý để bệnh không lây lan.

Chú thích ảnh
Gác việc học, sinh viên y khoa sẵn sàng hỗ trợ khi được phân công.

Có sức trẻ, việc gì cũng làm được

Phong trào thi đua do Bộ Y tế phát động về việc "Ngành Y tế chung tay phòng, chống dịch bệnh COVID-19" nhằm kêu gọi mỗi cá nhân, tập thể trong ngành Y tế phát huy tinh thần yêu nước, cùng đồng lòng, đoàn kết, thể hiện ý chí của cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến đấu và quyết tâm chiến thắng đại dịch… đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình.

Bộ Y tế kêu gọi các trường Đại học, cao đẳng, trung cấp đào tạo ngành y, dược; các Viện, Trung tâm nghiên cứu trong lĩnh vực y dược, các thầy cô giáo và các em sinh viên ngành y dược, tăng cường tập huấn chuyên môn về phòng chống dịch bệnh, chăm sóc bệnh nhân, giám sát, xét nghiệm phát hiện, các biện pháp phòng chống dịch tại cộng đồng… Bộ kêu gọi tinh thần sẵn sàng tình nguyện thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh khi được phân công.

Hiểu được cường độ làm việc của các y, bác sĩ nơi tuyến đầu phòng, chống dịch của cả nước tăng lên và áp lực rất lớn; đến nay, hàng nghìn sinh viên y khoa trên cả nước đã tình nguyện làm đơn, nguyện góp sức mình trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19.

“Sinh viên y khoa với lợi thế không chỉ là những người tuổi đời trẻ, có sức khoẻ, sẵn sàng xung kích đi đầu mà họ còn có kiến thức chuyên môn, là những nhân viên y tế trong tương lai được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng sẽ hoàn toàn tự tin khi được địa phương, Bộ Y tế huy động tham gia phòng chống dịch. Tuy sự đóng góp là nhỏ bé với cả hệ thống y tế đang vào cuộc nhưng những đóng góp ấy có giá trị rất lớn về tinh thần, cổ vũ khích lệ cho cộng đồng vững tin vào ngành y tế, tin tưởng vào thế hệ trẻ ngành y luôn luôn xung kích trong bất cứ hoàn cảnh nào khi đất nước cần”, Bí thư Đoàn trường Đại học Y Hà Nội Đỗ Nam Khánh chia sẻ.

Theo GS.TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, mặc dù diễn biến dịch COVID-19 đang rất phức tạp nhưng bên cạnh nhiệm vụ học tập, sinh viên trường y tham gia tích cực vào hoạt động phòng chống dịch COVID-19 với mong muốn cùng chung tay đóng góp cho cộng đồng.

“Nếu chúng tôi lo sợ, sẽ không cử sinh viên của mình đi làm việc mà mình lo sợ. Và chúng tôi cũng đặt nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là đảm bảo an toàn cho sinh viên của mình”, GS. Tạ Thành Văn khẳng định.

 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Khi máy khâu trở thành 'vũ khí' chống COVID-19
Khi máy khâu trở thành 'vũ khí' chống COVID-19

Khi virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lan rộng tại nhiều nước, đã xuất hiện tình trạng khan hiếm khẩu trang. Từ thực trạng này, ở nhiều quốc gia đã xuất hiện các tình nguyện viên sản xuất khẩu trang dành tặng cho đội ngũ y sĩ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN