Thêm một trường hợp mắc Zika
Chiều 15/9, Cục Y tế dự phòng cho biết, trường hợp nhiễm vi rút Zika được phát hiện tại Nhật Bản là công dân người Đức, hiện đang làm việc tại Việt Nam và sinh sống tại quận 2 (TP Hồ Chí Minh). Trước đó, ngày 5/9, bệnh nhân có biểu hiện nhức đầu và phát ban khi đang du lịch ở Nhật Bản. Đến ngày 9/9, bệnh nhân đi khám với các triệu chứng phát ban, nhức đầu, đau mắt, đau khớp và kết quả xét nghiệm ghi nhận bệnh nhân dương tính với virus Zika. Đến nay, bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe hoàn toàn và trở về Việt Nam. Như vậy, đến nay Việt Nam ghi nhận 4 trường hợp nhiễm virus Zika, trong đó TP Hồ Chí Minh đã có 2 trường hợp bị mắc trên cùng một quận.
TP Hồ Chí Minh thực hiện đo thân nhiệt tại sân bay đối với các hành khách đi từ vùng có dịch về. |
Ông Phan Thành Phước, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận 2, cho biết, hiện vẫn chưa xác nhận được địa chỉ của bệnh nhân bị nhiễm Zika. “Ngay sau khi có địa chỉ rõ ràng, chúng tôi sẽ triển khai các biện pháp khoanh vùng và xử lý. Tuy nhiên, việc khoanh vùng sẽ gặp khó khăn bởi người nhiễm vi rút Zika là người nước ngoài, mà chúng ta chưa có mẫu điều tra dịch tễ dành cho người nước ngoài, đồng thời cán bộ làm công tác y tế dự phòng còn hạn chế trong việc giao tiếp với người nước ngoài bằng tiếng Anh”, ông Phước nói.
Không chỉ Zika, Thành phố còn phải đối đầu với dịch SXH. Nhận định chung của ngành y tế, số ca mắc SXH nhập viện có xu hướng tăng liên tục trong nhiều tuần qua và đang bước vào đỉnh của mùa dịch. Theo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, từ ngày 2 - 10/9 toàn thành phố ghi nhận 501 ca mắc SXH nhập viện, tăng 64 ca so với tuần trước đó và tăng 34% so với trung bình 4 tuần trước đó. Từ đầu năm đến nay, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 11.306 ca, tăng 35% so với cùng kỳ 2015 (8.357 ca). Một số quận, huyện có số ca SXH nhập viện tăng liên tục trong 4 tuần qua như: quận 1, quận 10, quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, Hóc Môn, Nhà Bè, Tân Phú, Bình Tân. Những phường, xã có số ca bệnh tăng báo động và cao liên tục nhiều tuần qua như phường Hiệp Thành, Tân Chánh Hiệp, Tân Thới Hiệp, Tân Thới Nhất, Trung Mỹ Tây (quận 12); phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Trường Thọ (quận Thủ Đức)...
Thực hiện nhiều giải pháp
Bộ Y tế đã chỉ đạo cơ quan y tế địa phương tăng cường triển khai các biện pháp giám sát và phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika tại khu vực bệnh nhân sinh sống; đồng thời tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc.
Theo ông Phan Thành Phước, Giám đốc Y tế dự phòng quận 2, công việc phòng chống dịch bệnh là thường xuyên. Đối với những vùng nguy cơ thấp, Trung tâm Y tế dự phòng quận sẽ làm công tác truyền thông vận động người dân diệt lăng quăng, riêng đối với những vùng nguy cơ cao thì tổ chức phun hóa chất. Vi rút Zika và bệnh SXH đều xuất phát từ muỗi nên công tác phòng chống muỗi chính là chống Zika.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo người dân nên có ý thức, thực hiện các biện pháp phòng ngừa triệt để, tránh mắc và không để bệnh diễn biến nặng hơn. Sở Y tế cũng yêu cầu các quận, huyện khẩn trương thực hiện các biện pháp điều tra vùng nguy cơ SXH và có giải pháp khoanh vùng diệt lăng quăng (bọ gậy), diệt muỗi, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trên diện rộng.
Để giám sát và phát hiện sớm những trường hợp đi từ vùng có dịch Zika về sân bay Tân Sơn Nhất, Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế TP Hồ Chí Minh cũng đã tăng cường hàng loạt các biện phát kiểm soát dịch bệnh tại sân bay. "Chúng tôi thường xuyên tổ chức đo mật độ muỗi tại các nhà ga, mới đây nhất chúng tôi đã phun xịt hóa chất tại các khu vực này. Bên cạnh đó, công tác đo thân nhiệt các hành khách từ các vùng có dịch trở về cũng được triển khai. Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan thực hiện các biện pháp cách ly và đưa về các cơ sở y tế. Song song đó, chúng tôi cũng tuyên truyền cho nhân viên làm việc tại sân bay thực hiện các biện pháp phòng ngừa và phát hiện dịch bệnh truyền nhiễm. Dự định trong thời gian tới, chúng tôi cũng thực hiện đo thân nhiệt đối với những hành khách xuất cảnh", Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết.
Ngành y tế thành phố đã triển khai việc kiểm soát các điểm nguy cơ và vùng nguy cơ ở tất cả 24 quận, huyện; đồng thời vận động người dân diệt muỗi, diệt lăng quăng; tổ chức giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh và tổ chức xử lý ổ dịch triệt để, không để dịch lan rộng.
Theo Cục y tế Dự phòng, đến thời điểm hiện tại, cả nước ghi nhận gần 50.000 trường hợp mắc SXH tại 46 tỉnh, thành phố, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2015, trong đó có 19 trường hợp tử vong. |