Theo đó, thuốc được tỉnh đề nghị điều chuyển có nhiều loại thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp Quốc gia. Các loại thuốc này có nguồn gốc từ một số bệnh viện, đơn vị y tế trong lẫn ngoài tỉnh Lâm Đồng và đã được tìm hiểu, thống nhất thỏa thuận giữa các bên. Cụ thể, căn cứ nhu cầu sử dụng, Sở Y tế Lâm Đồng đề nghị điều chuyển 12.000 viên DASARAB, 20.000 viên Lorista 50, 26.000 viên Cefuroxime STADA 500 mg, 8.700 viên Atrox 10, 22.000 viên Lorista 50, 4.000 viên Ravastel-20, 4.000 lọ Tenamyd Cefotaxime 1000 từ một số trung tâm y tế của tỉnh Kon Tum đến Trung tâm Y tế huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.
Tương tự, Sở Y tế Lâm Đồng đề nghị điều chuyển 500.000 viên Metformin Stella 1000 mg từ Bệnh viện Quân y – Quân khu IV; 150.000 viên thuốc Metsav 1000 từ Phòng khám Medic Nguyễn Huệ - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Medic; 50.000 viên Cerahead từ Trung tâm Y tế huyện Đắk Song (Đắk Nông); 10.000 viên Medoclav 1g từ Trung tâm Y tế Huyện Đăk GLong (Đắk Nông); 14.000 viên Medoclav 625mg từ Bệnh viện Quân Y 13 - Cục Hậu cần Quân khu 5; 95.000 viên Cerahead từ Bệnh xá Sư đoàn 10 (D24F10)… cho Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng (thành phố Bảo Lộc).
Ngoài ra, dựa trên nhu cầu sử dụng tại các bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh, Sở Y tế Lâm Đồng cũng kiến nghị điều chuyển bổ sung thuốc giữa một số đơn vị trong tỉnh với nhau. Cụ thể, Sở đề nghị điều chuyển thuốc từ Bệnh viện Y học cổ truyền Bảo Lộc cho Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà với tổng 130.000 viên thuốc thuộc 5 loại khác nhau; điều tiết 10.000 viên Ramlepsa, 20.000 viên Amlodipine Stella 5mg từ Bệnh viện Y học cổ truyền Bảo Lộc cho Trung tâm Y tế huyện Lạc Dương; điều chuyển 10.000 viên Jiracek từ Trung tâm Y tế huyện Cát Tiên cho Trung tâm Y tế huyện Di Linh…
Trước đó, ngày 21/5, phóng viên TTXVN đã đưa tin Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Bộ Y tế có phương án khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế dẫn đến thực trạng người bệnh phải tự mua bên ngoài đang diễn ra trên địa bàn. Nguyên nhân do một số gói thầu cung ứng thuốc của các đơn vị y tế trên địa bàn đã hết hiệu lực hoặc gần hết hiệu lực, dẫn đến tình trạng khan hiếm thuốc, vật tư y tế. Thực trạng trên đã dẫn đến tại một số thời điểm, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có sẵn thuốc, vật tư y tế để điều trị cho người bệnh.