Lâm Đồng: Tiêm bổ sung vaccine bạch hầu - uốn ván tại 3 vùng có nguy cơ cao

Ngày 17/8, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Lâm Đồng cho biết đã hoàn thành đợt tiêm chủng bổ sung vaccine uốn ván - bạch hầu tại 3 vùng có nguy cơ cao với kết quả đạt trên 87% số đối tượng cần tiêm.

Chú thích ảnh
Tổ chức tiêm vắc xin Td phòng bệnh bạch hầu cho học sinh và giáo viên các trường ở xã Đạ R’sal có học sinh tiếp xúc gần ca bệnh. Ảnh: baolamdong

Theo kế hoạch, từ ngày 14-16/8/2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện Đam Rông và Bảo Lâm tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine  uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td), nhằm tăng tỉ lệ miễn dịch trong cộng đồng, chủ động phòng ngừa dịch bệnh, giảm tỉ lệ tử vong do bệnh bạch hầu, uốn ván tại các vùng nguy cơ cao.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Minh cho biết: Đợt tiêm bổ sung vaccine uốn ván - bạch hầu giảm liều lần này tập trung vào toàn bộ dân số dưới 60 tuổi thuộc 3 vùng nguy cơ cao là: xã Lộc Bảo (Bảo Lâm) và xã Đạ R’sal, Liêng S’rônh (Đam Rông). Đây là các xã tiếp giáp với các vùng đang xảy ra dịch bạch hầu thuộc 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông nên nguy cơ dịch xâm nhập vào Lâm Đồng rất lớn. Trong tổng số 1.944 đối tượng trên 4 tuổi, lực lượng y tế địa phương đã tiêm vaccine phòng bệnh cho 1.8 người; trong 312 trẻ từ 2 tháng đến 48 tháng tuổi đã tiêm được cho 272 trẻ. Số còn lại chưa tiêm do có chỉ định hoãn tiêm theo quy định của Chương trình và do đi làm ăn xa không về nơi cư trú.

Để tổ chức chiến dịch tiêm vaccine uốn ván - bạch hầu giảm liều tại 3 điểm tiêm chủng này, lực lượng cán bộ y tế của CDC tỉnh và địa phương đã phải vượt qua nhiều chặng đường vất vả để vào các tiểu khu trong rừng sâu, tổ chức vận động người dân phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số đến điểm tiêm chủng, đảm bảo toàn bộ dân số trong vùng dưới 60 tuổi được bảo vệ bằng vaccine  uốn ván - bạch hầu giảm liều phòng bệnh bạch hầu và uốn ván. Tại nhiều địa bàn, cán bộ y tế đã phải ở lại các thôn bản nhiều ngày, chờ người dân trên lán nương xuống tiêm chủng. Nhiều địa bàn không có đường giao thông, cán bộ y tế phải đi bộ hoặc khiêng vác xe máy qua sông suối, qua những quãng đường mòn bị mưa lũ, lầy lội, vừa phải bảo quản thùng vaccine  không bị hư hỏng. Các địa bàn này đều là đồng bào dân tộc Mông, sống du canh du cư nên rất khó quản lý về nhân khẩu cũng như tình trạng y tế.

Trước đó ngày 3/8/2020, TTXVN đã đưa tin phát hiện trường hợp bệnh nhân bạch hầu đầu tiên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Bệnh nhân là nữ, 21 tuổi, dân tộc Mông, cư trú tại Tiểu khu 181, thôn 3, Liêng S’rônh (Đam Rông). Ngay sau khi phát hiện, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh và các ngành chức năng của tỉnh Lâm Đồng đã khoanh vùng, triển khai các biện pháp dập dịch, cách ly người bệnh và những người tiếp xúc gần với người bệnh để điều trị và lấy mẫu xét nghiệm, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Đến ngày 17/7, địa bàn tỉnh chưa phát hiện thêm trường hợp nào bị bệnh bạch hầu.

Chu Quốc Hùng (TTXVN)
Ghi nhận nhiều ca bệnh mắc bạch hầu nặng tại Đắk Lắk
Ghi nhận nhiều ca bệnh mắc bạch hầu nặng tại Đắk Lắk

Ngày 14/8, thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, bệnh bạch hầu đang có dấu hiệu gia tăng và diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh với 33 ca bệnh được ghi nhận tại 13 xã của 5 huyện là Cư Kuin, Cư Mgar, Krông Bông, Lắk và M’Đrắk. Đặc biệt, hiện ghi nhận nhiều ca bệnh mắc bạch hầu nặng và công tác phòng, chống dịch bệnh cũng gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN