Điển hình là trường hợp bà D.T.K (61 tuổi, ở Bắc Ninh) đang điều trị tại Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường tuýp 2 cách đây 1 năm (đang duy trì tiêm insulin hằng ngày). Bệnh nhân bị đau khớp gối phải khoảng 10 năm, nhiều lần tiêm thuốc không rõ và sử dụng thuốc nam để điều trị đau khớp theo kinh nghiệm truyền miệng. Đợt này, bệnh nhân thấy mệt mỏi nhiều, ăn uống giảm, gầy sút 7kg trong một tháng nên đã đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai.
Qua thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm, bác sĩ phát hiện bệnh nhân có biểu hiện kiểu hình Cushing: teo cơ tứ chi, béo bụng, rạn da vùng bụng, da mỏng, dễ xuất huyết… và suy tuyến vỏ thượng thận do lạm dụng các thuốc có chứa corticoid để điều trị bệnh lý khớp trong thời gian dài. Sau 20 ngày điều trị, hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và có thể xuất viện. Tuy nhiên, những tác dụng phụ mà corticoid gây ra với sức khỏe vẫn tiếp tục phải theo dõi và thăm khám định kỳ.
Trường hợp thứ 2 cũng bị suy tuyến vỏ thượng thận do lạm dụng corticoid là bà N.T.H (72 tuổi, ở Hải Dương). Bà H. vào viện ngày 22/10 với biểu hiện mệt mỏi nhiều, yếu nửa người trái. Theo bác sĩ, bệnh nhân có tiền sử bị đái tháo đường, tăng huyết áp 10 năm, suy thận 2 năm.
Bên cạnh đó, vài năm gần đây, bà có thêm biểu hiện đau khớp gối hai bên và cột sống thắt lưng, đã tự mua thuốc thấp khớp gia truyền dạng viên hoàn uống hàng ngày. Cách đây một năm, bệnh nhân đã được chẩn đoán suy tuyến thượng thận do lạm dụng corticoid, đang điều trị Hydrocortisone 15mg/ngày.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Lưu, Khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp bị suy tuyến thượng thận do lạm dụng corticoid điều trị tại khoa. Trung bình một ngày có đến 1/3 số bệnh nhân nhập viện tại khoa có tình trạng lạm dụng corticoid. Đây là thực trạng đáng báo động.
Nhóm thuốc Corticoid là nhóm thuốc chống viêm, giảm đau mạnh, chống dị ứng, ức chế miễn dịch; được áp dụng trong điều trị của nhiều chuyên khoa khác nhau: khớp, dị ứng, thận, hô hấp… Bên cạnh những mặt lợi, nhóm thuốc này còn gây ra rất nhiều tác dụng phụ bất lợi như: đái tháo đường, tăng huyết áp, loãng xương, thay đổi kiểu hình Cushing, suy tuyến vỏ thượng thận nếu lạm dụng.
Các bác sĩ lâm sàng thường phải cân nhắc rất nhiều khi chỉ định điều trị bằng nhóm thuốc này và sẽ khuyến cáo người bệnh các tác dụng phụ cũng như cách theo dõi chúng. Tuy nhiên, hiện nay người bệnh có thể dễ dàng mua được nhóm thuốc này kể cả khi không có đơn của bác sĩ và khả năng tuân thủ điều trị kém của người bệnh, dó vậy, tình trạng lạm dụng nhóm thuốc này càng đáng lo ngại.
Theo bác sĩ Lưu, thực tế, nhiều trường hợp bệnh nhân không đi khám lại mà tự mua thuốc theo đơn cũ hoặc tự ra các hiệu thuốc mua thuốc về dùng theo kinh nghiệm truyền miệng, thấy hiệu quả giảm đau, chống viêm ngay sau khi sử dụng. Họ cho rằng đó là “thần dược” nên đã dùng thường xuyên. Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân còn tìm đến các loại thuốc đông y, thuốc nam vì nghĩ nó “lành hơn” thuốc tây mặc dù không biết nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các bệnh nhân mắc các bệnh lý mạn tính: đau khớp, gút, viêm mũi xoang, dị ứng… Trong khi đó, nhóm thuốc này rất khó xác định được thành phần, liều lượng corticoid trong đó. Chỉ đến khi các tác dụng phụ, bệnh nhân mới đi khám và phát hiện ra tác hại của nó.
Việc sử dụng corticoid như con dao hai lưỡi. Các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh cần tuân thủ liệu trình điều trị và chỉ dùng thuốc khi y lệnh, tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị, đặc biệt các loại thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ, siết chặt quản lý việc quảng cáo thuốc trên mạng, mua bán thuốc không có đơn hiện nay.