Được sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, năm 2019, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại các các địa phương, cơ sở rất tích cực triển khai tin học hóa phục vụ khám, chữa bệnh và giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đến 25/12/2019, có 12.488/12.824 cơ sở khám, chữa bệnh (97,4%) đã kết nối, liên thông dữ liệu với Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Trong đó, tỷ lệ gửi hồ sơ đúng ngày trung bình cả nước đạt 89,1%. Mặc dù tỷ lệ này là cao nhưng vẫn thấp hơn kế hoạch đề ra ban đầu theo Kế hoạch số 227 của Bộ trưởng Y tế là 90% đối với các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh và trung ương; 100% đối với cơ sở khám bệnh chữa bệnh tuyến huyện và tuyến xã.
Tỷ lệ gửi hồ sơ đúng ngày trung bình cả nước đạt 89,1%, tăng cao hơn nhiều so với năm 2018 (64,5%). Đây là kết quả đáng mừng của ngành y tế khi nỗ lực triển khai tin học hóa trong khi điều kiện áp lực về thời gian, thiếu thốn về nhân lực, kinh phí cho công nghệ thông tin, cũng như có nhiều sự thay đổi, điều chỉnh của các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế, văn bản của bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chia sẻ, hiện Bộ Y tế đã xây dựng được hệ thống văn bản tương đối đồng bộ giúp cho các bên liên quan tổ chức thực hiện nên tỷ lệ kết nối liên thông dữ liệu giữa cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm xã hội đạt xấp xỉ 98 %. Nhờ đó, công tác quản lý giám định thanh toán chi phí bảo hiểm y tế thuận lợi, góp phần cải thiện tính minh bạch, hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc đối với các cơ sở y tế trong ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Việc trích chuyển dữ liệu để phục vụ giám định chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế hầu hết đã được gửi đúng theo quy định trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại tình trạng các cơ sở khám, chữa bệnh giữ hồ sơ đến cuối tháng mới gửi, số liệu chưa chuẩn xác dẫn đến khó khăn trong việc thanh toán. Việc tuân thủ theo yêu cầu của Bộ Y tế trong báo cáo đã được các cơ sở khám, chữa bệnh truyến trung ương thực hiện nhưng vẫn tồn tại tình trạng chưa báo cáo hoặc báo cáo chưa đầy đủ của một số ít Sở Y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo ông Đặng Hồng Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, nguyên nhân của những tồn tại trên là do người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh chưa thực sự quan tâm; tình trạng vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng của cán bộ làm công tác liên quan đến trích chuyển dữ liệu điện tử. Bên cạnh đó, có nguyên nhân: các đơn vị y tế chưa tuân thủ đúng quy định, chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế, nguyên nhân từ phía cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam và từ các cơ quan quản lý. Những nguyên nhân trên đã dẫn đến nhiều trường hợp bất cập, như: sai lệch số sổ bảo hiểm y tế, thanh toán chi phí khám chữa bệnh, khó khăn cho việc khám chữa, điều trị và thanh toán…
Ông Đặng Hồng Nam cũng nêu lên các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020, trong đó, nhấn mạng về công tác chỉ đạo, điều hành, việc xây dựng cơ chế tài chính vận hành hệ thống thông tin quản lý khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; công tác đào tạo, hướng dẫn nâng cao năng lực cán bộ, nhân viên y tế. Ngành cũng đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát triển khai thực hiện tin học hóa trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, tập trung vào việc thực hiện việc gửi dữ liệu điện tử để phục vụ quản lý thông tuyến, đảm bảo tỷ lệ gửi hồ sơ gửi đúng ngày ít nhất 95% đối với các cơ sở y tế tuyến tỉnh và tuyến trung ương; 100% đối với tuyến huyện, xã.
Các đại biểu dự hội nghị cũng nêu các ý kiến xung quanh việc gửi dữ liệu giám định, gửi báo cáo, cách thức hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho đơn vị y tế, công tác tổ chức đào tạo, tập huấn…