Đây là kết quả nghiên cứu mới được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố trên tạp chí The Lancet Global Health ngày 5/9.
Nghiên cứu chỉ ra 1/3 phụ nữ và 1/4 đàn ông trên thế giới đang làm việc trong những điều kiện có nguy cơ cao dẫn tới các bệnh tim mạch, tiểu đường và ung thư nếu họ không tăng cường vận động thể chất, đặc biệt ở các quốc gia giàu có với điều kiện ngày càng tiện lợi và lối sống tĩnh lặng. Báo cáo khẳng định thiếu vận động thể chất là yếu tố có nguy cơ cao nhất dẫn tới các căn bệnh không truyền nhiễm và có tác động tiêu cực tới sức khỏe tinh thần, cũng như chất lượng cuộc sống.
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra kể từ năm 2001 tới nay, mức độ vận động trung bình của người dân trên toàn cầu không hề được cải thiện dù có rất nhiều sáng kiến cộng đồng giúp nâng cao nhận thức về lợi ích của việc vận động thể chất. Theo số liệu nghiên cứu, hơn 1/4 người trưởng thành trên thế giới (1,4 tỷ người) vận động chưa đạt mức cần thiết. Tuy nhiên, Đông Nam Á là điểm sáng duy nhất trong bản đồ vận động mà WTO nghiên cứu. Đây là khu vực duy nhất trên thế giới chứng kiến tỷ lệ ít vận động giảm dần kể từ năm 2001 và hiện nay cả nam giới và nữ giới đều vận động thể chất ngang bằng nhau.
Dựa trên kết quả khảo sát mức độ vận động của 1,9 triệu người dân tại 1 quốc gia trên toàn thế giới năm 2016, các tác giả khẳng định cuộc sống ngày càng tiện nghi tại các quốc gia phát triển với nhiều thời gian ngồi trong nhà, trong văn phòng và có thể tiếp cận dễ dàng với các nguồn thức ăn có hàm lượng calorie cao cùng mức độ vận động không hợp lý là những điều kiện rất rõ ràng dẫn tới tình trạng sức khỏe ngày càng nghèo nàn tại các quốc gia này.
Công nghệ ngày càng hiện đại cũng đồng nghĩa với cơ hội vận động ngày càng ít đi. Theo khuyến cáo của WHO, mỗi người trưởng thành cần thực hiện ít nhất 150 phút vận động vừa phải mỗi tuần, gồm những hoạt động như đi bộ nhanh, bơi lội hoặc đạp xe nhẹ nhàng hoặc 75 phút vận động mạnh gồm các hoạt động như chạy hoặc chơi thể thao nhóm.