Hầu hết các ngân hàng máu đều rơi vào tình trạng báo động
Tiến sỹ, Bác sỹ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết: tình trạng khan hiếm máu do dịch bệnh đã xảy ra vài lần từ đầu năm 2020. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, các Trung tâm Truyền máu trên cả nước đối mặt với tình hình hết sức khó khăn và căng thẳng bởi dịch bệnh lan rộng, khó kiểm soát hơn.
Có những ngày, lượng máu tiếp nhận của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chỉ đạt được 51% so với nhu cầu. Viện phải sử dụng biện pháp không mong muốn là huy động người nhà hiến máu. Các Trung tâm truyền máu khác như: Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy hiện đang trong tình trạng thiếu máu rất trầm trọng.
Nhiều địa phương không thể tổ chức hiến máu trong thời gian dài như: Bắc Ninh, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh… lượng máu tiếp nhận giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng máu tại các bệnh viện cả tuyến Trung ương lẫn tuyến tỉnh vẫn rất lớn, gồm cả chế phẩm máu cho điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.Trong bối cảnh các địa phương vẫn phải ưu tiên công tác phòng, chống dịch lên hàng đầu, việc tổ chức hiến máu cũng bị giảm nhẹ vai trò trong thời gian qua, Bác sỹ Bạch Quốc Khánh chia sẻ.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến cho Hành trình Đỏ - chiến dịch vận động hiến máu lớn nhất trong năm diễn ra trên toàn quốc nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm máu dịp hè phải đối mặt với nhiều khó khăn khi kế hoạch tổ chức của các địa phương liên tục thay đổi do dịch bệnh.
Theo kế hoạch ban đầu, Hành trình Đỏ diễn ra từ ngày 9/6 đến 8/8/2021 tại 44 tỉnh/thành phố, dự kiến tiếp nhận 100.000 đơn vị máu. Tuy nhiên, tính đến ngày 20/7, đã 2/3 thời gian trôi qua nhưng mới chỉ có 18 tỉnh, thành phố tổ chức xong các ngày hiến máu chính thức của Hành trình Đỏ với hơn 14.000 đơn vị máu được tiếp nhận. Nếu tính thêm cả các ngày hiến máu hưởng ứng khác, cả chiến dịch mới tiếp nhận được 33.500 đơn vị máu, đạt hơn 30% so với dự kiến.
Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức Hành trình Đỏ Bạch Quốc Khánh cho biết: "Quy mô tổ chức của cả chiến dịch Hành trình Đỏ và sự kiện tại mỗi địa phương đều được điều chỉnh giảm. Số lượng người hiến máu được huy động ít hơn. Nhiều địa phương hoãn lịch Hành trình Đỏ từ tháng 6 sang tháng 8 và hàng loạt lịch hiến máu khác cũng bị ảnh hưởng. Hiện tại, hầu hết các ngân hàng máu đều rơi vào tình trạng báo động".
Đến thời điểm này, ít nhất 16 tỉnh, thành phố phải chuyển lịch hiến máu từ tháng 6, tháng 7 sang tháng 8 và vẫn chưa chốt thời gian tổ chức chính thức. Nhiều địa phương chỉ tổ chức các điểm hiến máu nhỏ nhằm đảm bảo nguồn máu cho điều trị như: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Bến Tre, Tây Ninh.
Duy trì tổ chức hiến máu để đảm bảo nguồn máu cho điều trị
Để đảm bảo nguồn máu cho điều trị, nhiều địa phương đã chủ động điều chỉnh phương án tổ chức tiếp nhận máu. Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Bình Định đã điều chỉnh phương án tổ chức tiếp nhận máu tại thành phố Quy Nhơn từ một ngày thành 5 ngày theo từng cụm xã, phường để giảm thiểu tập trung đông người, thời gian chờ đợi và hạn chế người hiến máu phải di chuyển.
Nghệ An, Thanh Hóa lại chọn phương án duy trì tổ chức tiếp nhận máu tại Trung tâm Huyết học – Truyền máu hoặc tại điểm hiến máu cố định liên tục trong cả tháng để hưởng ứng Hành trình Đỏ.
Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương Bạch Quốc Khánh bày tỏ cảm ơn nhiều địa phương đã quyết tâm tổ chức hiến máu. Ý thức và tinh thần hiến máu của người dân đang ngày càng tốt hơn, điển hình là trong các đợt kêu gọi hiến máu trong dịch COVID-19. Tinh thần và ý thức ấy sẽ được tiếp sức bởi sự ủng hộ, cho phép tổ chức các ngày hiến máu và trực tiếp hiến máu của các đồng chí lãnh đạo.
Bác sỹ Bạch Quốc Khánh nhấn mạnh, sự quan tâm, chỉ đạo, ủng hộ và vào cuộc của các cấp lãnh đạo để có thể duy trì tổ chức các điểm hiến máu với quy mô và điều kiện phù hợp là rất cần thiết. Các cơ sở tiếp nhận máu sẽ phối hợp để đảm bảo an toàn cho người đến hiến máu: Phun khử khuẩn khu vực tiếp nhận máu; bố trí, sắp xếp thời gian phù hợp, hạn chế số người hiến máu đến cùng thời điểm; thông báo, nhắc nhở người đến hiến máu phải tuân thủ nghiêm quy định 5K. Khi dịch bệnh còn kéo dài, thiên tai còn có thể xảy đến bất ngờ, để không làm gián đoạn công tác tiếp nhận và cung cấp máu, bác sỹ Bạch Quốc Khánh cho rằng, cần có hoạt động hiến máu tình nguyện thực chất, hiệu quả và bền vững. Quan trọng nhất là mỗi người đủ điều kiện sức khỏe hãy hiến máu thường xuyên, mỗi năm tối thiểu 1-2 lần.
Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và các Trung tâm Truyền máu mong muốn các cấp lãnh đạo quan tâm, duy trì lịch hiến máu tại địa phương với quy mô phù hợp, tổ chức chia giờ cho người hiến máu để vừa an toàn, vừa giúp người bệnh có đủ máu cho cấp cứu và điều trị.
Viện kêu gọi người dân đủ điều kiện sức khỏe vừa có trách nhiệm tham gia phòng chống dịch, vừa góp sức chống thiếu máu bằng cách tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu.
Người dân tham gia hiến máu tại Hà Nội có thể đến: Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, phố Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội từ 8 giờ đến 20 giờ tất cả các ngày (kể cả thứ 7, Chủ nhật và ngày lễ) hoặc các điểm hiến máu cố định: 26 Lương Ngọc Quyến (Hoàn Kiếm), 132 Quan Nhân (Thanh Xuân) và số 10, ngõ 122 đường Láng (Đống Đa) từ 8 giờ - 12 giờ và 13 giờ 30 - 17 giờ thứ 2 đến thứ 7.
Tại TP Hồ Chí Minh, người dân có thể tham gia hiến máu tại: Bệnh viện Truyền máu - Huyết học (118 Hồng Bàng, Phường 12, Quận 5) từ 7 giờ - 12 giờ và 13 giờ 30 - 16 giờ 30 tất cả các ngày.
Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy - Bệnh viện Chợ Rẫy (Cổng số 5, đường Phạm Hữu Chí, Phường 12, Quận 5) từ 7 giờ - 16 giờ, thứ Hai đến thứ Sáu.
Trung tâm Hiến máu nhân đạo (106 Thiên Phước, phường 9, quận Tân Bình) từ 7 giờ 30 - 16 giờ 30 (thứ Hai đến thứ Sáu), 7 giờ - 11giờ (thứ Bảy và Chủ nhật).