Nam Định: Quản lý và điều trị hiệu quả bệnh lao

Được sự hỗ trợ từ Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao quốc gia, tỉnh Nam Định đã quản lý, điều trị hiệu quả bệnh nhân lao và lao kháng thuốc trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Khám sàng lọc cho người dân tại Bệnh viện Phổi Nam Định. 

Mỗi tháng một lần, anh Phùng Hữu Khuẩn (xã Đại An, huyện Vụ Bản) lại tới Bệnh viện Phổi Nam Định để kiểm tra lại sức khỏe. Anh Khuẩn chia sẻ, 6 tháng trước, thấy cơ thể không khỏe, ho kéo dài, chán ăn, mệt mỏi, anh đến Bệnh viện Phổi Nam Định khám. Sau khi làm các xét nghiệm, anh được chẩn đoán mắc bệnh lao kháng thuốc và được điều trị theo phác đồ 18 tháng. Đến nay, sức khỏe của anh đã ổn định, cân nặng tăng khoảng 10 kg so với thời gian đầu điều trị.

Cũng như anh Khuẩn, nhiều bệnh nhân mắc lao và lao kháng thuốc tại Nam Định luôn được các y, bác sĩ của Bệnh viện Phổi và các Trung tâm Y tế các huyện, thành phố quan tâm sát sao. Sau khoảng 2 tuần điều trị tại bệnh viện, người mắc bệnh lao không còn khả năng lây nhiễm bệnh cho người khác, bệnh nhân được điều trị ngoại trú dưới sự giám sát của y tế cơ sở. Hằng tháng, thuốc được gửi về địa phương nơi bệnh nhân cư trú. Bệnh nhân mắc lao và lao kháng thuốc đều được điều trị và cấp phát thuốc miễn phí.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Nam Định cho biết, mặc dù bệnh nhân mắc lao và lao kháng thuốc chỉ chiếm khoảng 10% tổng số bệnh nhân của bệnh viện, tuy nhiên bệnh viện luôn chú trọng công tác phát hiện và điều trị bệnh. Trung bình mỗi năm, tỉnh Nam Định phát hiện khoảng 1.600 người mắc bệnh lao; trong đó tỷ lệ người mắc lao kháng thuốc chiếm 3,5%. Hai nguyên nhân dẫn đến bệnh lao kháng thuốc là do người mắc bệnh lao không tuân thủ nguyên tắc điều trị, sử dụng thuốc không đều và do lây bệnh từ người mắc lao kháng thuốc. Trước kia, để chẩn đoán bệnh lao mất nhiều thời gian, việc gửi mẫu bệnh phẩm lên Bệnh viện Phổi Trung ương để khẳng định mất khoảng 2 tháng.

Chú thích ảnh
Nuôi cấy phát hiện vi khuẩn lao bằng máy nuôi cấy vi khuẩn Mgit Bactec. 

Từ năm 2011, được sự hỗ trợ từ Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao quốc gia, Nam Định tiếp nhận 5 máy Genne Xpert chẩn đoán nhanh bệnh lao cho Bệnh viện Phổi tỉnh Nam Định và các bệnh viện huyện Hải Hậu, Ý Yên; 3 máy chụp X-quang kỹ thuật số di động và cố định; một máy nuôi cấy vi khuẩn Mgit Bactec. Với các máy móc hiện đại, việc phát hiện vi khuẩn lao và lao kháng thuốc nhanh chóng, sau 2 giờ làm xét nghiệm người bệnh sẽ biết kết quả, từ đó giúp các bác sĩ đưa ra phương hướng điều trị thích hợp với từng bệnh nhân. Ngoài ra, hằng năm, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao quốc gia hỗ trợ đào tạo công tác điều trị, xét nghiệm cho đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Phổi tỉnh.

Kết quả công tác điều trị bệnh lao thời gian qua cho thấy, hầu hết bệnh nhân đều khỏi bệnh, tỷ lệ mắc lao kháng thuốc thấp (trung bình từ 3 - 4%/năm). Tuy nhiên, thực tế quản lý, điều trị bệnh lao kháng thuốc, nhất là lao kháng đa thuốc tại Nam Định gặp không ít khó khăn...

Bác sĩ Vũ Quang Phúc, Phó Giám đốc, phụ trách Khoa Nội 2, Bệnh viện Phổi Nam Định cho hay, thời gian điều trị bệnh lao thường kéo dài từ 6 - 9 tháng. Những trường hợp lao kháng thuốc thời gian điều trị có thể lên tới 20 tháng, đặc biệt là phải duy trì phác đồ điều trị liên tục, nghiêm ngặt. Vì vậy, để đạt được hiệu quả điều trị bệnh lao kháng thuốc cần nguồn cung ứng thuốc thường xuyên, đảm bảo đủ liệu trình điều trị. Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức người dân trong công tác phòng và điều trị bệnh để đạt kết quả tốt nhất, giảm số ca bệnh mắc lao qua từng năm.

Chú thích ảnh
 Chụp cắt lớp phổi cho bệnh nhân. 

Thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, năm 2021, UBND tỉnh Nam Định đã xây dựng Kế hoạch thực hiện phòng, chống lao giai đoạn 2021 - 2025, hướng đến mục tiêu đến năm 2025 giảm 50% số ca mắc lao mới so với năm 2018 (tổng số ca mắc là 1.722), duy trì tỷ lệ mắc lao kháng thuốc dưới 5% trong tổng số ca bệnh.

Để đạt mục tiêu này, tỉnh Nam Định đảm bảo đủ nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác khám, phát hiện, quản lý và điều trị bệnh nhân lao; tranh thủ nguồn kinh phí từ Chương trình chống lao quốc gia, vận động nguồn kinh phí từ ngân sách của tỉnh, kêu gọi các nguồn kinh phí từ các tổ chức, doanh nghiệp cá nhân có khả năng hỗ trợ bệnh nhân mắc lao.

Để nâng cao ý thức người dân trong công tác phòng và điều trị bệnh lao, tỉnh tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe cho cộng đồng về bệnh lao; tuyên truyền chính sách pháp luật, kiến thức cơ bản về bệnh lao trên các phương tiện truyền thông, khuyến khích người dân chủ động tiếp cận các dịch vụ phòng chống bệnh lao.

Tỉnh đẩy mạnh triển khai quản lý lao tiềm ẩn trong Chương trình chống lao, mở rộng đối tượng quản lý, xây dựng các quy trình sàng lọc, chẩn đoán, quản lý điều trị lao tiềm ẩn theo khuyến cáo mới của Tổ chức Y tế thế giới, áp dụng các phác đồ mới, ngắn hạn, hiệu quả cao trong điều trị lao tiềm ẩn, tăng cường sàng lọc, chẩn đoán, điều trị và điều trị dự phòng lao trẻ em.

Tin, ảnh: Nguyễn Lành (TTXVN)
Ứng dụng trò chơi tương tác để phòng chống lao dành riêng cho thế hệ trẻ
Ứng dụng trò chơi tương tác để phòng chống lao dành riêng cho thế hệ trẻ

Hướng đến mục tiêu năm 2030 chấm dứt bệnh lao của Liên hợp quốc, Johnson & Johnson và Chương trình Chống lao Quốc gia tại 4 nước: Việt Nam, Indonesia, Philippines, Thái Lan, thực hiện giai đoạn hai của chiến dịch “Thế Hệ Trẻ - Những Chiến Binh Chống Lao" nhằm trao quyền cho thế hệ trẻ trong công cuộc chấm dứt bệnh lao. Người chơi truy cập website https://www.tbwarriors.com/vn và tìm kiếm các nhân vật có triệu chứng bệnh lao, mỗi người chơi không giới hạn số lần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN