Chỉ tính riêng năm 2018, đã có khoảng 300.000 lượt bệnh nhân là người nước ngoài khám, chữa bệnh tại Việt Nam, trong đó có 57.000 lượt bệnh nhân điều trị nội trú. Các kỹ thuật được người nước ngoài lựa chọn nhiều nhất là: can thiệp tim mạch, nha khoa, ngoại khoa, ung thư và thẩm mỹ.
Trình độ bác sĩ của Việt Nam được đánh giá cao
Mới đây nhất, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận bệnh nhân Nhật Bản (65 tuổi, giáo viên giảng dạy tiếng Nhật tại Việt Nam) bị chấn thương ngực kín, gãy xương đòn trái và di lệch nhiều do tai nạn xe máy. Người bệnh có tiền sử các bệnh lý nguy cơ tim mạch cao như: đái tháo đường, gout và đã được mổ đại tràng cách đây 30 năm.
Ngày 4/11, các bác sĩ đã mổ kết hợp xương đòn cho ông. Đến chiều 4/11, bệnh nhân sau mổ có tình trạng huyết áp tụt, đã dùng thuốc trợ tim vận mạch liều cao, bệnh nhân có triệu chứng vã mồ hôi, đau ngực trái, monitoring theo dõi có ngoại tâm thu thất dày. Qua khám lâm sàng và kết quả điện tim, men tim, siêu âm tim, các bác sĩ chẩn đoán: bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, có thể dẫn tới tử vong.
Sau khi chụp mạch vành để chẩn đoán cấp cứu, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị tắc cấp động mạch vành phải, hẹp 80% động mạch mũ, 50% động mạch liên thất trước. Ê kíp can thiệp mạch vành thuộc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) nhanh chóng can thiệp cấp cứu, đặt 2 stent động mạch vành phải - động mạch thủ phạm gây nhồi máu cơ tim ngay trong đêm, thời gian can thiệp 30 phút.
Sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh táo và có thể tự thở, mạch huyết áp ổn, đã ngưng sử dụng thuốc trợ tim. Bệnh nhân không còn cảm thấy đau ngực, vận động bình thường tại giường. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi tại Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực sau can thiệp, điều trị hậu phẫu mổ kết hợp xương và chấn thương ngực.
Trường hợp cụ ông H.Đ.N. (90 tuổi, trú tại thủ đô Praha, Cộng hòa Séc) rất đặc biệt. Cụ N. mắc nhiều bệnh lý phức tạp: tràn dịch màng phổi trái, dày dính màng phổi xơ vách, đông đặc nhu mô phổi. Cụ N. cũng mắc các bệnh lý phức tạp khác, gồm xơ vữa động mạch nhiều nơi, suy tim, viêm tắc tĩnh mạch chi dưới, suy thận độ I...
Gia đình đã đưa cụ từ Séc sang Qatar (một trong 16 nước có nền y tế tốt nhất thế giới) để điều trị. Song, tại đây bệnh tình của cụ N. không tiến triển, cụ chỉ được hút dịch màng phổi định kỳ mà không có biện pháp điều trị nào khác phối hợp. Thấy bệnh tình của cụ N. không thuyên giảm, cuối tháng 10/2019, gia đình đưa cụ về Việt Nam để tìm kiếm cơ hội chữa bệnh. Gia đình đã thử nhiều phương pháp điều trị, sau đó mới quyết định tìm tới Bệnh viện Phổi Trung ương.
Tại đây, các bác sĩ đã khám, làm các xét nghiệm và chẩn đoán cho cụ N. Vì cụ có các bệnh lý phức tạp phối hợp nên nhiều chuyên gia hàng đầu của Khoa Phẫu thuật lồng ngực, Trung tâm điều trị theo yêu cầu Công nghệ cao, Khoa Gây Mê hồi sức của Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với Bệnh viện Tim Hà Nội đã hội chẩn và đưa ra quyết định sẽ phẫu thuật nội soi màng phổi can thiệp cho cụ.
Nhờ gặp được đội ngũ chuyên gia hàng đầu với nhiều kinh nghiệm cùng trang thiết bị cơ sở vật chất hiện đại, ca phẫu thuật phổi của cụ N. đã thành công. Cụ N. cũng trở thành trường hợp người bệnh cao tuổi nhất mà bệnh viện thực hiện phẫu thuật lồng ngực từ trước tới nay.
Cùng với nhiều bệnh viện trong cả nước, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên tiếp nhận thăm khám và điều trị cho bệnh nhân Campuchia, Trung Quốc, Mỹ, Philippines và Australia. Tại Bệnh viện Bình Dân trung bình mỗi tuần Khoa Nội soi tiếp nhận hơn 20 bệnh nhân từ Lào và Campuchia… Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khám chữa bệnh, thu hút nhiều bệnh nhân Nga, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc… đến khám bệnh và điều trị. Hầu hết các bệnh nhân đều đánh giá cao chất lượng dịch vụ, trình độ bác sĩ tại các bệnh viện Việt Nam.
Tiếp tục đổi mới để giữ chân người bệnh
Tuy nhiên bên cạnh đó thực tế cũng cho thấy, mỗi năm vẫn có khoảng 40.000 lượt người Việt Nam ra nước ngoài khám, chữa bệnh với chi phí hơn 2 tỷ USD.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là sự lãng phí rất lớn với nguồn lực trong nước, bởi hiện nay các dịch vụ y tế trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, cũng như của khách quốc tế. Trình độ y khoa của Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu và thậm chí vượt xa các nước trong khu vực.
Đã có nhiều bác sĩ của các bệnh viện lớn các nước đến Việt Nam để học hỏi các kỹ thuật do các bác sĩ Việt Nam thực hiện. Đó là bác sĩ Hassan, Giám đốc chuyên môn, chuyên viên tư vấn ngoại khoa của Bệnh viện Prince Mishari (Kingdom of Saudi Arabia), đến Việt Nam học kỹ thuật phẫu thuật nội soi tuyến giáp - kỹ thuật phẫu thuật qua đường nách và ngực do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, phát minh. Kỹ thuật này vừa nhận chứng nhận kỷ lục Việt Nam về kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp được ứng dụng, chuyển giao, đào tạo trong và ngoài nước nhiều nhất.
Mới đây nhất, tại Bệnh viện Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) đã có hơn 40 bác sỹ thuộc chuyên ngành phẫu thuật, nội khoa, u bướu, y học hạt nhân của hai quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ và Anzerbaijan theo dõi ca mổ nội soi tuyến giáp với kỹ thuật "Dr Luong" do các bác sĩ của Bệnh viện Nội tiết Trung ương thực hiện. Tại đây, Thạc sĩ, bác sĩ Phan Hoàng Hiệp, Trưởng khoa điều trị Kỹ thuật cao cùng Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Giang Sơn đã trực tiếp mổ trình diễn trên người bệnh u tuyến giáp bằng phương pháp "Dr Luong" đồng thời thuyết trình về kỹ thuật này trước sự theo dõi của các bác sĩ thuộc các bệnh viện lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan.
Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện Việt Nam được đánh giá cao về điều trị hiếm muộn. Tỷ lệ thụ tinh trong ống nghiệm thành công tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương ở Hà Nội là 50 đến 60%, tại Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) là 65%, với chi phí khoảng 100 triệu đồng (trong khi ở nước ngoài mỗi ca như vậy có giá từ 15 nghìn USD đến 30 nghìn USD).
Thế giới cũng đã công nhận Viện Châm cứu Trung ương của Việt Nam có khả năng chữa khỏi 53 bệnh lý với giá dịch vụ y tế thấp. Trên thế giới có 135 quốc gia áp dụng phương pháp châm cứu vào việc điều trị cho người bệnh, Việt Nam là nước đứng thứ hai trong số năm quốc gia đạt được thành tựu cao nhất trong lĩnh vực châm cứu.
Cùng với đó, nha khoa Việt Nam đã đạt trình độ kỹ thuật gần bằng các nước tiên tiến trên thế giới và vượt qua các nước trong khu vực, chi phí lại thấp hơn từ 3-10 lần.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là bệnh viện ngoại khoa hàng đầu Việt Nam, có trang thiết bị hiện đại. Đặc biệt, hầu hết bác sĩ đều là chuyên gia đầu ngành và là giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội, nói tiếng Anh, Pháp rất tốt.
Tuy nhiên, từ thực tế điều trị, các chuyên gia của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, những vướng mắc khiến bệnh nhân người nước ngoài không tiếp tục ở lại bệnh viện điều trị sau khi phẫu thuật ổn định là do chưa có cơ chế thanh toán cho người sở hữu bảo hiểm y tế quốc tế. Bệnh nhân người nước ngoài không chấp nhận việc phải tự mua một số thứ phục vụ điều trị mà bảo hiểm y tế không thanh toán. Hoặc khi bệnh nhân vào phẫu thuật, nhưng lại bị bệnh da liễu, lẽ ra bệnh viện phải chữa luôn cho bệnh nhân, nhưng ở ta chưa có cơ chế đó.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của ta còn yếu, luôn quá tải 30%, dịch vụ đi kèm y tế chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu của bệnh nhân nước ngoài. Các bệnh viện công ở Việt Nam thiếu các dịch vụ chăm sóc y tế, trong khi các bệnh nhân người Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Brn… đòi hỏi về dịch vụ y tế rất cao, như có phòng bệnh riêng, có phiên dịch và người phục vụ 24/24h.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Gia Khải, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, thì khẳng định, Việt Nam không thiếu bác sĩ giỏi, nhiều kỹ thuật cao được ứng dụng đáp ứng nhu cầu điều trị trong khi chi phí thấp hơn nhiều nếu phải ra nước ngoài điều trị. Việc người Việt chi hàng tỷ USD để ra nước ngoài khám chữa bệnh, chủ yếu xuất phát từ tâm lý hướng ngoại. Vì vậy, muốn giữ chân người Việt ở trong nước chữa bệnh, các bệnh viện cần chú trọng cải thiện hình thức của bệnh viện, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh đầu tư về con người, trang thiết bị y tế hiện đại...
Đánh giá về nguyên nhân hàng năm người Việt "sính y tế ngoại", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng một trong những nguyên nhân là do không ít cơ sở y tế mới chỉ tập trung vào giảm tải, tập trung khám, chữa bệnh thông thường mà chưa đầu tư phát triển kỹ thuật cao, chưa tập trung tăng cường chăm sóc sức khoẻ toàn diện.
Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, giữ chân bệnh nhân ở lại bệnh viện, Bộ Y tế đặt mục tiêu thay đổi về phân bổ ngân sách và đầu tư để giữ chân những người bệnh giàu có ở lại điều trị trong nước; thu hút khách du lịch và nửa triệu người nước ngoài làm việc ở Việt Nam sử dụng dịch vụ y tế tại Việt Nam, thay vì phải di chuyển sang các nước trong khu vực hoặc về nước để điều trị.