Thông tin này đã được ông Sergey Borisevich, người đứng đầu Viện nghiên cứu khoa học trung ương số 48 thuộc Bộ Quốc phòng Nga xác nhận khi trả lời phỏng vấn báo Krasnaya Zvezda.
Ông Borisevich cho hay các thử nghiệm tiền lâm sàng của vaccine tiến hành trên khỉ và chuột hamster đã hoàn tất. Ông nhấn mạnh:"Quá trình thử nghiệm đã chứng minh được độ an toàn và hiệu quả bảo vệ của vaccine. Dựa trên kết quả của những thử nghiệm này chúng tôi đã chuẩn bị hồ sơ khoa học để xin cấp phép tiến hành công tác thử nghiệm lâm sàng".
Trước đó, Tổng Giám đốc Trung tâm khoa học "Vektor" tại Novosibirsk, ông Rinat Maksyutov cho biết các thử nghiệm lâm sàng đầu tiên ở người sẽ bắt đầu vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới. Thử nghiệm lâm sàng sẽ được tiến hành đối với các tình nguyện viên cả nam và nữ trong độ tuổi từ 18-60.
Cùng ngày, Giám đốc Chương trình nghiên cứu bệnh truyền nhiễm của quân đội Mỹ, Đại tá Wendy Sammons-Jackson cho biết nhiều khả năng một số loại vaccine ngừa COVID-19 có thể đến tay một phần dân số Mỹ vào cuối năm nay.
Một nhà nghiên cứu khác trong quân đội Mỹ, Tiến sĩ Kayvon Modjarrad cho rằng các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu virus mới nhanh hơn bất kỳ loại virus nào trước đó. Do đó, quá trình điều chế vaccine từ ý tưởng, thử nghiệm lâm sàng cho đến cấp phép sử dụng chỉ trong vài tháng là hoàn toàn khả thi.
Giữa tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cam kết quân đội Mỹ và nhiều cơ quan khác của chính phủ sẽ hợp tác với khu vực tư nhân, sản xuất vaccine ở quy mô lớn, giúp đáp ứng nhu cầu người dân Mỹ và các đối tác nước ngoài vào cuối năm nay. Các nhà nghiên cứu của quân đội Mỹ đang hợp tác với công ty trong và ngoài nước, gồm AstraZeneca PLC, Johnson & Johnson, Moderna Inc và Sanofi SA để phát triển thuốc điều trị và vaccine. Dự kiến, quân đội Mỹ sẽ thử nghiệm vaccine trên người vào cuối mùa Hè này.