Ngày Quốc tế người hiến máu 14/6: Cảm ơn người trao giọt hồng ​

Ngày 14/6 là ngày thế giới tôn vinh những người hiến máu nhằm kêu gọi các quốc gia, cộng đồng hãy ghi nhận và tôn vinh hành động cao đẹp của những người hiến máu. Năm 2024, đánh dấu 20 năm ngày này được tổ chức trên toàn thế giới với thông điệp “20 năm Ngày Quốc tế người hiến máu: Cảm ơn người trao giọt hồng!”.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Thị Quỳnh Liên tặng hoa chúc mừng người hiến máu tình nguyện tại Ngày hội hiến máu tình nguyện “Những trái tim Hồng”. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Giọt máu hạnh phúc
 
Cách đây 15 năm, bố của anh Huỳnh Hải Bình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) phải nằm viện điều trị và cần nhiều đơn vị máu để chữa bệnh. Khi đó, ngoài những đơn vị máu có trong viện, bệnh viện cũng huy động gia đình anh Bình hiến máu. Từ cơ duyên đó, gia đình anh Bình bắt đầu tham gia vào cộng đồng người hiến máu tình nguyện. Dù bận rộn với công việc của một kỹ sư xây dựng, anh vẫn sắp xếp để tham gia hiến máu đủ 4 lần/năm.
 
Năm 2019, sau một lần xét nghiệm trước khi hiến máu, bác sĩ tư vấn anh Bình có thể chuyển sang hiến tiểu cầu, đây cũng là mong muốn của anh từ lâu. Khác với hiến máu toàn phần (có thể hiến lại sau gần 3 tháng), việc hiến tiểu cầu chỉ cần đảm bảo khoảng cách 3 tuần. Nếu khoảng cách giữa các lần hiến máu toàn phần là 3 tháng, anh Bình có thể thoải mái sắp xếp thì với khoảng cách 3 tuần giữa hai lần hiến tiểu cầu, anh phải rèn luyện kỷ luật hơn. Hiến tiểu cầu đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe hơn về cân nặng, số lượng tiểu cầu và thời gian hiến cũng lâu hơn nên anh cẩn thận trong việc ăn uống, không thức khuya và cân đối lại cường độ chơi thể thao. Ngoài ra, chỉ vài ngày sau khi hiến, người hiến máu sẽ biết được máu của mình đã được chuyển đến cơ sở y tế nào thông qua ứng dụng “Hiến máu”. Điều này tạo ra một động lực rõ ràng để những người hiến máu tiếp tục cho đi những giọt máu quý giá của mình.
 
Anh Bình xúc động chia sẻ, việc hiến máu và hiến tiểu cầu thường xuyên mang lại niềm vui cho anh trong cuộc sống. Mặc dù đã hiến máu và tiểu cầu hơn 100 lần nhưng anh vẫn ít khi dám nhìn khi kim tiêm lấy máu. "Cơn đau từ mũi kim chỉ thoáng qua, nhưng niềm vui từ việc hiến máu để giúp đỡ cộng đồng kéo dài suốt cả ngày, cả tuần" anh Bình cho biết.
 
Bác sĩ Nguyễn Thùy Ninh, Khoa Tiếp nhận thành phần máu, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương bày tỏ lòng ngưỡng mộ những người hiến máu, đặc biệt là người hiến máu, hiến tiểu cầu thường xuyên bởi để duy trì việc làm này, người hiến máu cần có kỷ luật cao.
 
Trong quá trình công tác và chăm sóc sức khỏe người hiến máu, bác sĩ Ninh được chứng kiến rất nhiều người hiến máu, hiến tiểu cầu đi từ các tỉnh xa đến Viện. Họ tự tổ chức đi theo đoàn, có khi lên đến vài chục người và xuất phát từ rất sớm. Họ cùng nhau chia sẻ cảm xúc mỗi khi hiến máu thành công, cùng nghỉ ngơi và đợi nhau ra về. Những hình ảnh ấy khiến ai chứng kiến cũng đều xúc động.
 
Tại Việt Nam, sau 30 năm chính thức phát động phong trào hiến máu (24/1/1994 – 24/1/2024), toàn quốc đã vận động và tiếp nhận trên 21,3 triệu đơn vị máu. Nếu như năm 1994, chúng ta chỉ tiếp nhận được 1.000 đơn vị máu thì năm 2023 đã đạt trên 1,55 triệu đơn vị máu, cao gấp 11 lần; tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 99%. Riêng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận được 485.437 đơn vị máu (bao gồm hơn 450.000 đơn vị máu toàn phần và hơn 35.000 đơn vị tiểu cầu gạn tách). Số lượng máu toàn phần tiếp được Viện tiếp nhận năm 2023 tăng hơn 18,4% so với năm 2022 và cao gấp 2,5 lần so với thời điểm 10 năm trước.
 
Chặng đường 20 năm phát triển
 
Máu được dùng để truyền cho người bệnh mất máu cấp và thiếu máu mạn tính. Nếu không có máu để truyền kịp thời, người bệnh có thể bị ảnh hưởng đến tính mạng. Máu là một loại dược phẩm quý, chỉ có được từ người hiến máu, không thể sản xuất và không có chất nào có thể thay thế được.
 
Để cảm ơn và khuyến khích những người hiến máu tình nguyện, đặc biệt là người hiến máu nhiều lần, năm 2004, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Hiệp hội Truyền máu quốc tế và Hiệp hội Người hiến máu Thế giới đã lấy ngày 14/6 để tôn vinh những người hiến máu. Ngày 14/6 còn là ngày sinh của vị Giáo sư người Áo, Karl Lendsteiner – người đầu tiên phát hiện ra hệ nhóm máu ABO vào năm 1900, mang tới bước tiến quan trọng trong lịch sử truyền máu của nhân loại.
 
Năm 2024, Ngày Quốc tế người hiến máu 14/6 là dấu mốc vô cùng quan trọng, kỷ niệm 20 năm ngày này được tổ chức trên toàn thế giới. Với thông điệp “20 năm Ngày Quốc tế người hiến máu: Cảm ơn người trao giọt hồng!”, Tổ chức Y tế Thế giới mong muốn thêm một cơ hội để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, ghi nhận, tri ân đối với người hiến máu, hiến thành phần máu trên toàn thế giới.

Người hiến máu có thể là những người nổi tiếng, những nhân vật quan trọng trong xã hội hoặc những người bình thường nhất. Nhưng đối với bệnh nhân, những người hiến máu tình nguyện thực sự là những "người hùng" vì họ đã tặng món quà vô giá cho những người xa lạ. Từ những nghĩa cử cao đẹp này, mỗi năm hàng trăm triệu người trên thế giới được cứu sống nhờ có máu để truyền.
 
Những người hiến máu đã thầm lặng góp sức, trao tặng những giọt hồng sự sống quý giá để tiếp thêm hy vọng, niềm tin và sự hồi sinh kỳ diệu cho biết bao người bệnh và gia đình họ. Không chỉ hiến máu thường xuyên, hiến máu nhiều lần, nhiều người còn hiến máu khẩn cấp khi thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, đồng thời vận động nhiều người khác cùng hiến máu.
 
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện khẳng định: Hành trình 30 năm phong trào hiến máu nhân đạo là một hành trình đầy tình yêu thương giữa người với người. Nhiều cuộc đời đã được hồi sinh, giành lại sự sống khi được tiếp thêm dòng máu quý giá, nồng ấm của những người có trái tim nhân ái.
 
Năm nay, từ ngày 13-15/6, Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện tổ chức Chương trình “Tôn vinh người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc” năm 2024. Đây là sự kiện được tổ chức thường niên ở nước ta từ năm 2008 đến nay nhân dịp Ngày Quốc tế người hiến máu 14/6 (riêng năm 2021 không tổ chức do ảnh hưởng của COVID-19). Qua 16 năm, đã có 1.600 lượt đại biểu từ khắp mọi miền đất nước, từ các ngành nghề, dân tộc, độ tuổi được lựa chọn tôn vinh. Trong đó, có đại biểu là đại diện đồng bào dân tộc, tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đại diện cả gia đình tham gia hiến máu tình nguyện, thành viên câu lạc bộ hiến máu dự bị, câu lạc bộ nhóm máu hiếm. Nhiều người là cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ, cán bộ ngành y tế đã tích cực tham gia hiến máu và vận động hiến máu tình nguyện, luôn trong tâm thế sẵn sàng hiến máu bất kỳ thời điểm, hoàn cảnh nào.
 
Những tấm gương tiêu biểu được tôn vinh sẽ là những hạt nhân nòng cốt cho phong trào hiến máu tình nguyện, truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần chia sẻ yêu thương để có thêm hàng ngàn, hàng vạn tấm gương sáng về hiến máu tình nguyện. Công tác hiến máu tình nguyện sẽ trở thành nét đẹp trong đời sống xã hội, nhất là đối với thế hệ trẻ. Mỗi người dân, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… dù ở đâu, trên cương vị nào cũng luôn ủng hộ, cổ vũ và đồng hành với phong trào hiến máu tình nguyện.

Hạnh Quyên (TTXVN)
Hiến máu đã trở thành ‘niềm vui kỳ lạ’ của nhiều người
Hiến máu đã trở thành ‘niềm vui kỳ lạ’ của nhiều người

Hiến máu cứu người đã và đang trở thành việc làm nhân đạo, ý nghĩa, mang lại niềm vui cho nhiều người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN