Hơn một tuần trôi qua từ thời điểm xuất hiện trường hợp mắc bệnh bạch hầu, tình hình dịch bệnh tại Nghệ An đang ổn định, không ghi nhận ca nhiễm mới. Ngành Y tế và chính quyền huyện Kỳ Sơn đang tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh bạch hầu.
Tích cực khoanh vùng
Xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn có 4 bản với khoảng 200 hộ dân, trong đó, có 15 người tiếp xúc gần với bệnh nhân đã tử vong. Những ngày qua, công tác khoanh vùng, cách ly được được chính quyền, lực lượng chức năng tích cực triển khai. Những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu đều được cách ly theo dõi tại nhà. Đội ngũ y bác sỹ hằng ngày thực hiện lấy mẫu, cấp thuốc, đồng thời, hướng dẫn cách khử khuẩn, vệ sinh phòng, chống dịch bệnh tại nhà.
Em Cụt Thị Thông, bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn cho biết, em là một trong những trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân tử vong vì bệnh bạch hầu. Ban đầu, khi nghe thông tin, em cảm thấy rất hoang mang, lo sợ. Sau khi được các bác sỹ tuyên truyền, hướng dẫn em đã yên tâm hơn.
Anh Ven Văn Thân, bản Phà Khảo, xã Phà Đánh cho biết, được các bác sỹ hướng dẫn nên mọi người đều yên tâm chấp hành cách ly tại nhà.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An phối hợp với chính quyền địa phương, Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn, các trường học, trạm y tế điều tra, rà soát thông tin trường hợp tiếp xúc gần, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, phun hóa chất khử trùng, cách ly. Đồng thời, lực lượng chức năng tiến hành tiêm vaccine phòng bạch hầu cho các đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng chưa được tiêm phòng. Đến nay, sau hơn một tuần, các trường hợp cách ly sức khỏe đều bình thường, không có trường hợp nhiễm bệnh mới.
Ông Chu Trọng Trang, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết, trước tình hình dịch bệnh, đơn vị cử đội phản ứng nhanh, có mặt kịp thời tại nơi xuất hiện ca bệnh, thực hiện khoanh vùng, không để dịch bệnh lây lan. Đồng thời, hướng dẫn những người tiếp xúc gần thực hiện cách ly tại nhà, uống thuốc dự phòng, khai báo y tế khi có biểu hiện nóng, ho, chảy nước mũi. Ngoài ra, các cán bộ y tế kết nối điện thoại với những người này để trực tiếp theo dõi sức khỏe, hướng dẫn biện pháp phòng, chống.
Không nên quá lo lắng
Dù đã được các cơ quan y tế tuyên truyền nhưng trước những thông tin thiếu chính xác, một số bộ phận người dân vẫn hoang mang, lo lắng trước bệnh bạch hầu...
Trước tình hình đó, Sở Y tế tỉnh Nghệ An đã có văn bản gửi các đơn vị đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền, chia sẻ thông tin xác thực về tình hình bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, vận động người dân tuân thủ quy định phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt nâng cao tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu.
Tại các trung tâm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, những ngày này, lượng người đến tiêm vaccine phòng bệnh trong đó, có bệnh bạch hầu khá đông. Các trung tâm chủ động cung ứng đầy đủ vaccine, bố trí nguồn nhân lực đầy đủ.
Bác sỹ Bùi Công Sự, Quản lý vùng y khoa miền Bắc, Trung tâm tiêm chủng VNVC thành phố Vinh Nghệ An cho biết, hiện nay, các loại vaccine phòng bệnh bạch hầu cho trẻ em từ 2 tháng tuổi, phụ nữ có thai hay người lớn đều có hiệu quả trên 97%, tính sinh miễn dịch an toàn. Vì vậy, người dân nên đưa con em đi tiêm đầy đủ các loại vaccine để phòng bệnh kịp thời.
Anh Dương Tuấn Anh, xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) cho biết, sau khi trên địa bàn có bệnh nhân tử vong vì bệnh bạch hầu, được chính quyền địa phương tuyên truyền, anh chủ động đưa con đến trung tâm tiêm chủng để tiêm phòng vaccine.
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính, lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, có tỷ lệ tử vong cao từ 15-20% nếu không được điều trị kịp thời.
Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Thương, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng. Bởi bệnh bạch hầu đã có thuốc kháng sinh điều trị, có thuốc kháng độc tố bạch hầu và có vaccine phòng bệnh.
Hiện nay, tất cả trường hợp tiếp xúc gần đã được uống thuốc kháng sinh dự phòng và lấy mẫu xét nghiệm âm tính, tiếp tục theo dõi ổ dịch trong vòng 14 ngày theo quy định.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên tiếp nhận thông tin sai lệch từ các phương tiện truyền thông không chính thống, không tự ý tiêm chủng vaccine chứa thành phần bạch hầu khi chưa có hướng dẫn, khuyến cáo của cơ quan y tế trong vùng có dịch.