Theo thông tin từ người nhà bệnh nhân, vào khoảng 7 giờ ngày 19/8, con trai anh Tâm nhìn thấy 1 con rắn lớn trong vườn mãng cầu của gia đình, nên anh Tâm chạy ra sân. Tại đám cỏ rậm, anh Tâm thấy có cử động nên đã dùng tay chụp con rắn, nhưng trúng ngay phần thân và đã bị con rắn cắn trúng đùi phải. Anh Tâm chụp được đầu con rắn và thông báo với người nhà về tình trạng bị rắn cắn.
Sau đó, anh Tâm được ga rô phần đùi, tránh nọc độc phát tán và đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh. Phần đầu con rắn vẫn được giữ đem đến bệnh viện cho các bác sĩ xác định loại rắn.| Khi đến bệnh viện, anh Tâm vẫn tỉnh táo, chỉ hơi khó thở do con rắn cuốn vào phần tay và cổ. Các bác sĩ tiến hành cấp cứu, rửa vết thương, băng ép cố định chân, truyền thuốc giảm đau và kháng sinh cần thiết.
Sau 30 phút, anh Tâm có các biểu hiện như gồng người tím tái, khó thở, nên các bác sĩ cho tiến hành đặt nội khí quản, cho thở máy và làm thủ tục chuyển viện xuống Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) để tiếp tục điều trị. Con rắn được xác định là loại rắn hổ mang chúa, nặng 4,5kg.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh, hổ mang chúa là loại rắn cực độc và diễn tiến của bệnh nhân quá nhanh, có chiều hướng xấu nên buộc phải chuyển cấp cứu ở tuyến trên.
Cũng theo các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh, hiện khu vực phía Nam đang vào mùa mưa, các loài rắn độc, nguy hiểm thường xuất hiện trong các lùm cây, bụi cỏ quanh nhà. Chính vì vậy người dân, nhất là ở khu vực nông thôn cần thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm để phòng ngừa rắn, rết; không cho trẻ nhỏ ra vườn có nhiều cây. Đặc biệt, người dân không nên tự tay bắt rắn, nhất là các loại rắn độc để đề phòng rắn cắn, gây nguy hiểm đến tính mạng.