Gian nan, vất vả ngành Y
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ, bác sỹ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho hay, ngành Y là một ngành rất đặc thù, phải học thật giỏi, thi điểm rất cao mới có thể đậu vào trường y. Sau 6 - 7 năm học ra trường thì lương bác sỹ cũng chỉ khoảng 7 - 8 triệu đồng, số tiền này sống ở đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh thì làm sao trang trải đủ? “1 tháng, 1 năm, 5 năm thì có thể chịu khó được nhưng 10 năm, 20 năm thì làm sao mà bền bỉ với nghề được”, bác sỹ Tuyết bày tỏ.
“Tôi có 2 đứa con cũng đang học trường y. Khi các con chọn trường, tôi nói với các con nếu chọn ngành giàu tiền thì đừng chọn ngành Y tế, nếu chọn ngành Y tế thì phải giàu tình thương”, bác sỹ Tuyết bật khóc. Bác sỹ Hoàng Thị Diễm Tuyết đề xuất Thành phố cần có những chính sách, cơ chế để hỗ trợ cho nhân viên y tế, từ đó họ có thể yên tâm, cống hiến lâu dài cho ngành Y tế. Bởi, nếu nhân viên y tế nghỉ việc hết thì không ai chăm sóc sức khỏe người dân.
Cùng chung tâm tư, bác sỹ Huỳnh Nguyễn Lộc, Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, khi xảy ra đại dịch COVID-19, không một nhân viên y tế nào trốn tránh trách nhiệm. Họ xông pha vào nơi nguy hiểm nhất, nhiều người làm việc với cường độ cao ròng rã hàng mấy tháng trời. Thế nhưng, sau khi dịch qua đi, nhân viên y tế Thành phố sau đại dịch như những cục pin đã cạn nguồn, họ muốn nghỉ vì đã quá mệt mỏi. Họ chọn đi nơi khác ổn hơn, tốt hơn, họ phải chọn giữa gia đình và nghề y. “Ngành Y hay bất cứ ngành nghề nào cũng phải có gia đình, phải lo cho cuộc sống. Trong khi đó, môi trường bệnh viện rất đặc thù, áp lực, thời gian không còn để dành sự quan tâm cho gia đình, con cái. Chúng tôi tự hào về nghề nhưng cũng rất tủi thân, chạnh lòng khi nghĩ về nghề”, bác sỹ Lộc bày tỏ.
27 năm công tác ở lĩnh vực y tế dự phòng, mỗi lần nhắc đến nghề, bác sỹ Đỗ Thị Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Quận 1 đều cảm thấy “nhói lòng”. Những nhân viên y tế cơ sở như bác sỹ Tân mấy chục năm qua đang phải làm việc trong môi trường vô cùng thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị và thu nhập thấp. Khó khăn càng chồng chất khi nhiều nhân sự về y tế cơ sở được một thời gian rồi lại ra đi, không ai chịu ở lại lâu dài. Riêng trong năm 2021, Trung tâm Y tế Quận 1 đã có 21 người nghỉ việc. “Nhân viên y tế cơ sở đủ trang trải cuộc sống chưa? Câu trả lời là chưa. Chúng tôi đã đổ nhiều mồ hôi, nước mắt nhưng chúng tôi chưa được đền đáp xứng đáng”, bác sỹ Tần chia sẻ.
Ngành Y tế đang bị khó khăn “bủa vây”
Tại buổi gặp gỡ, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận, sau 1 năm chống dịch COVID-19, ngành Y tế Thành phố đang đứng trước các khó khăn hiện hữu. Đó là nguy cơ dịch chồng dịch, nguy cơ thiếu thuốc và vật tư y tế, nguy cơ biến động nhân lực y tế và một nguy cơ mới, rất đáng lo ngại; đó là sự lo lắng kéo dài của nhân viên y tế. “Trước đây, nhân viên y tế gặp nhau rất vui nhưng giờ ai cũng lo lắng”, ông Thượng cho hay.
Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn địa bàn có 891 nhân viên y tế nghỉ việc nhưng cũng kịp thời tuyển mới bổ sung nên con số thiếu hụt chính xác hiện nay là 306 người. Theo ông Tăng Chí Thượng, 306 người tưởng như ít nhưng gây khó khăn không nhỏ cho các đơn vị. Bởi những người nghỉ việc là nhân viên y tế có thâm niên, kinh nghiệm, còn người mới là bác sỹ vừa tốt nghiệp.
Không chỉ nhân viên y tế nghỉ việc mà nhiều cán bộ quản lý cũng nghỉ việc. Điều này khiến cho hiện nay Thành phố có nhiều cơ sở y tế không có giám đốc như Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Quận 6, Bệnh viện Quận 7, Trung tâm y tế Quận 10… Do đó, ông Tăng Chí Thượng kiến nghị, lãnh đạo Thành phố cho phép thí điểm thi tuyển chức danh quản lý của ngành Y tế, trước hết là chức danh giám đốc Bệnh viện Mắt. Tiếp tục thực hiện nghị quyết về các chính sách đặc thù về củng cố năng lực y tế cơ sở, có cơ chế chính sách mở rộng mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng. Đánh giá lại khả năng tự chủ của các đơn vị để cấp kinh phí hoạt động, có giải pháp hỗ trợ cho đơn vị tự chủ chi thường xuyên về việc trích lập nguồn cải cách tiền lương để đảm bảo thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế….
Sau khi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân viên y tế, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho rằng, các chính sách đối với ngành Y đang có nhiều bất cập. Ngành Y tế Thành phố đang đứng trước nhiều thử thách, khó khăn, cần nhìn thẳng vào trọng tâm để tìm giải pháp giải quyết. “Khi người dân bệnh thì có bác sỹ lo nhưng khi bác sỹ không khoẻ thì ai lo? Chúng ta không phải đưa ra giải pháp chung chung mà cần hành động cụ thể. Ngành Y tế đừng thấy mình đơn độc, lãnh đạo Thành phố luôn sát cánh cùng nhân viên y tế. Lãnh đạo Thành phố cam kết làm hết sức có thể trong trách nhiệm của mình”, Bí thư Nguyễn Văn Nên khẳng định.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc làm công tác chính trị, tư tưởng cho nhân viên y tế là vô cùng quan trọng. Các cấp lãnh đạo ngành Y cần có sự thấu cảm, chia sẻ, quan tâm, động viên và trở thành điểm tựa cho nhân viên y tế. Lương, thu nhập quan trọng nhưng quan trọng nhất là tinh thần, môi trường làm việc, môi trường để cống hiến. Khi cường độ công việc cao thì rất cần một người lãnh đạo biết chia sẻ, thấu cảm, tạo điều kiện cho nhân viên. Người lãnh đạo cần làm điểm tựa để anh em “chiến đấu” hay nói đúng hơn phải trở thành liều vaccine tinh thần cho nhân viên y tế. Bên cạnh đó, Ngành Y tế cũng cần có giải pháp tăng thu nhập tạo môi trường làm việc thuận lợi đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị để nhân viên y tế yên tâm cống hiến với nghề.