Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh các cơ sở điều trị bắt buộc chữa bệnh của Bộ Y tế gặp nhiều khó khăn, bất cập khi thực hiện theo quy định tại Nghị định số 64/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011 của Chính phủ về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Tham dự cuộc họp, ngoài các vụ, cục của Bộ Y tế còn có đại diện một số vụ, cục chuyên môn của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Công an Thành phố Hà Nội, Công an xã Hòa Bình, huyện Thường Tín ( nơi Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 và Viện Pháp y Tâm thần Trung ương đóng trụ sở) và 5 cơ sở bắt buộc chữa bệnh của ngành Y tế.
Theo quy định tại Nghị định số 64/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011, hiện 5 đơn vị thuộc ngành Y tế được giao tiếp nhận, điều trị và quản lý bệnh nhân bắt buộc chữa bệnh (Viện Pháp y tâm thần Trung ương, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa và Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2), tiếp nhận, điều trị, quản lý trên 700 đối tượng bắt buộc chữa bệnh, trong đó tỷ lệ đối tượng phạm tội nguy hiểm như giết người rất cao (Phân viện Pháp y Tâm thần Bắc miền Trung thuộc Viện Pháp y tâm thần Trung ương tiếp nhận, điều trị và quản lý 11/12 đối tượng bắt buộc chữa bệnh là tội phạm giết người).
Các cơ sở điều trị bắt buộc chữa bệnh gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như nhân lực y tế. Nghị định 64/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011 quy định việc quản lý người bệnh bắt buộc chữa bệnh như người bệnh tâm thần khác không được phân biệt đối xử, do cơ quan y tế đảm nhiệm kể cả việc tìm kiếm là chưa hợp lý. Đối tượng người bệnh bắt buộc chữa bệnh thực tế là phạm nhân bị bệnh tâm thần, phần lớn là đối tượng xã hội phức tạp, nguy hiểm.
Việc giao trách nhiệm quản lý đối tượng người bệnh này cho nhân viên y tế như hiện nay thực sự là nhiệm vụ quá sức và chưa phù hợp, tạo áp lực rất lớn cho nhân viên y tế. Thực tế, nhiều vụ việc xảy ra trong thi hành bắt buộc chữa bệnh đều liên quan trực tiếp tới công tác quản lý người bệnh, áp lực trách nhiệm và lo sợ mất an toàn cho bản thân và gia đình làm nhiều nhân viên y tế không muốn, thậm chí sợ hãi phải tiếp nhận điều trị đối tượng này.
Khi người bệnh trốn viện, việc tổ chức tìm kiếm của nhân viên y tế chỉ thực hiện được ở mức như tìm kiếm người bệnh tâm thần trốn viện. Việc yêu cầu quyết liệt truy tìm như truy nã phạm nhân trốn trại đối với nhân viên y tế thực sự là quá sức và rất nguy hiểm, rất cần sự tham gia chỉ đạo của cơ quan Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án các cấp...
Tại cuộc họp, đại diện của các đơn vị đều thống nhất ý kiến cho rằng phải sửa đổi hệ thống văn bản chưa cập nhật, chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời những nội dung đang gây khó khăn cho công tác tiếp nhận và quản lý bệnh nhân bắt buộc chữa bệnh, đặc biệt là Nghị định số 64/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011. Bên cạnh đó, nhiều nội dung còn bất cập như: Với cơ sở bắt buộc chữa bệnh, mạng lưới bảo vệ rất quan trọng, có những đặc thù riêng đối với nhóm đối tượng vừa là bệnh nhân tâm thần lại vừa là đối tượng phạm tội nguy hiểm như giết người nhưng trách nhiệm tập huấn những đối tượng này lại thuộc thẩm quyền của Công an.
Các đại biểu đều cho rằng, việc các cán bộ Y tế phải vừa thực hiện chuyên môn khám, chữa bệnh, vừa phải kiểm soát và quản lý đối tượng bắt buộc chữa bệnh là việc làm quá sức đối với các cán bộ Y tế, khi họ chỉ được đào tạo làm chuyên môn thuần túy. Bên cạnh đó, hoạt động phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan có liên quan chưa chặt chẽ làm hạn chế hiệu quả trong tiếp nhận, điều trị và quản lý bệnh nhân bắt buộc chữa bệnh; trong đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh và khi bệnh nhân trốn viện sau đó tử vong tại gia đình hoặc cộng đồng…
Sau khi nghe các ý kiến đến từ các đơn vị liên quan, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn đã đề nghị các cơ sở điều trị bắt buộc phải tăng cường quản lý điều hành, thực hiện nghiêm các quy định chuyên môn của Bộ Y tế trong điều trị bắt buộc chữa bệnh;kịp thời thông báo và chủ động kết nối với các đơn vị có liên quan tại địa phương và chính quyền sở tại.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế như: Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan tích cực góp ý sửa đổi hoặc thay thế Nghị định 64/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011; đồng thời tiếp tục tổng hợp thực trạng hoạt động, về khó khăn và những kiến nghị trong hoạt động bắt buộc chữa bệnh gửi Bộ Công an. Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương giúp các cơ sở điều trị trong đảm bảo an ninh, trật tự, đào tạo kỹ năng bảo vệ cho các cán bộ y tế…
Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng cần có cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo các bộ, ngành để cùng tháo gỡ những khó khăn trong tiếp nhận, điều trị và quản lý các đối tượng bắt buộc chữa bệnh tâm thần theo Nghị định số 64/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011.