Theo thông tin từ bệnh viện Từ Dũ, trong năm 2017, tại bệnh viện có . 921 ca sinh con, trong đó có 3.390 trường hợp tiền sản giật (sản phụ bị tăng huyết áp, nguy cơ sản giật), 1.617 trường hợp băng huyết sau sinh (mất máu nhiều sau sinh do cơ tử cung gò kém, tổn thương đường sinh dục…), 2.086 trường hợp thai suy trong khi chuyển dạ, 1291 trường hợp bé sinh đủ tháng có vàng da cần can thiệp y tế.
Ngoài ra, nhiều trường hợp sản phụ không thể sinh ngả âm đạo do ngôi thai không thuận lợi (ngôi mông, ngôi ngang, đầu thai nhi không cúi tốt để lọt được qua khung chậu mẹ…). Nhờ được theo dõi và phát hiện kịp thời, các trường hợp trên có kết cục thai kỳ tốt.
Sản phụ nên khám thai định kỳ và sinh con tại các cơ sở y tế được cấp phép để được chăm sóc và điều trị phù hợp trong quá trình mang thai và sinh đẻ. Ảnh: BV QTHP |
Việc thai phụ tự sanh tại nhà, không được theo dõi huyết áp, sự lọt xuống của ngôi thai thuận lợi hay không, hỗ trợ thuốc khi tử cung không gò… thật sự đe đọa tính mạng của mẹ và thai. Ngoài ra, có 10% trẻ sinh ra cần có sự hỗ trợ hô hấp để thở tốt.
Vì vậy, để đạt được kết cục thai kỳ an toàn cho mẹ và bé, các bác sĩ sản khoa bệnh viện Từ Dũ khuyến cáo, sản phụ nên khám thai định kỳ và sinh con tại các cơ sở y tế được cấp phép để được chăm sóc và điều trị phù hợp trong quá trình mang thai và sinh đẻ. Sản phụ sẽ được hỗ trợ sinh con tự nhiên nghĩa là sinh ngả âm đạo với việc giảm đau sản khoa (theo yêu cầu), chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm nếu chuyển dạ thuận lợi và sẽ được can thiệp bằng các phương pháp sinh giúp hoặc mổ lấy thai nếu có chỉ định.
Sau sinh, trẻ cần được tiêm vitamin K1 ngay để đề phòng xuất huyết não cũng như các vaccin theo chương trình tiêm chủng quốc gia như vaccin ngừa lao, viêm gan siêu vi B…
Hiện nay chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy lợi ích của phương pháp sinh con "thuận tự nhiên" đối với sức khỏe trẻ sơ sinh. Ngược lại, các nguy cơ cho sản phụ và thai là rõ ràng. Sinh con "thuận tự nhiên" tại nhà không có sự theo dõi và hỗ trợ y tế là thực hành sản khoa có thể đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của mẹ và bé. Sinh con tại nhà không có sự giám sát và hỗ trợ của nhân viên y tế có thể làm gia tăng nguy cơ 5 tai biến sản khoa: băng huyết, nhiễm trùng, vỡ tử cung, sản giật, uốn ván rốn.
Việc chậm cắt dây rốn được Tổ chức y tế Thế giới khuyến cáo và Bộ Y tế Việt Nam chủ trương áp dụng vì những lợi ích mà chậm kẹp cắt dây rốn mang lại cho bé. Các lợi ích của chậm kẹp cắt dây rốn đã được chứng minh bằng các nghiên cứu khoa học lớn và có giá trị. Điều này không đồng nghĩa với việc không cắt dây rốn, để dây rốn và bánh nhau gắn liền với đứa bé trong khi đang phân hủy tự nhiên, dẫn đến những nguy cơ sức khỏe lớn trong khi lợi ích của nó vẫn chưa được chứng minh.
Việc cổ súy trào lưu sinh con "thuận tự nhiên" là phản khoa học, đi ngược lại với sự tiến bộ nhân loại nói chung và tiến bộ của y học.