Những bệnh nhân không thể chờ qua dịch
Với tiền sử viêm gan C dẫn đến sơ gan giai đoạn nặng, một tháng trở lại đây, bà H.T. P. (61 tuổi, TP Hồ Chí Minh) vài lần rơi vào hôn mê. Không chỉ thế, tình trạng nhiễm trùng, rối loạn trong máu tăng và nguy cơ xuất huyết não có thể dẫn đến tử vong, các bác sĩ đánh giá,l nếu bà P. không được ghép gan kịp thời, tỉ lệ tử vong trong vòng 3 tháng có thể lên đến 50%.
Trước tình huống cấp bách như trên, ghép gan là phương pháp tốt nhất để bà có thể sống khỏe mạnh. Cả 3 người con của bà P. đều mong muốn được hiến gan cho mẹ, nhưng chỉ người con trai út phù hợp với các tiêu chuẩn về y học.
Ngày 15/6, với sự nỗ lực của êkíp ghép gan Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, ca phẫu thuật thành công tốt đẹp. Sau phẫu thuật 1 tuần, con trai út của bệnh nhân P. đã được xuất viện. Hiện sức khỏe bà P. ngày càng ổn định, có thể ăn uống và sinh hoạt bình thường.
Trước đó, bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cũng thực hiện thành công một ca ghép gan xuyên Việt. Theo đó, ngay trong đêm 18/5, lá gan của một người phụ nữ chết não đã được chuyển hỏa tốc từ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) về Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh để hiến cho anh H.V.L, (37 tuổi, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) đang điều trị xơ gan tại đây. Với sự nỗ lực của các y, bác sĩ, anh L. được thực hiện ghép gan ngay trong đêm.
TS.BS Trần Công Duy Long, Phó Trưởng khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, cho biết, hai ca ghép gan trên được thực hiện trong điều kiện rất đặc biệt đó là tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến giao thông ngưng trệ, các chuyên gia nước ngoài không thể đến hỗ trợ. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm và hội chẩn kỹ càng, các bác sĩ đã được đào tạo, chuyển giao công nghệ bài bản, bệnh viện đã thực hiện thành công hai ca ghép tạng mà không có sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài. “Chỉ khi tiên lượng thành công cao, chúng tôi mới dám thực hiện”, bác sĩ Trần Công Duy Long cho biết thêm.
Tương tự, nếu như 4 lần ghép tim trước của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đều được Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) hỗ trợ lên kế hoạch chi tiết, nhưng lần ghép tim thứ 5 Bệnh viện Chợ Rẫy đã phải tự thực hiện cho ca phẫu thuật ghép tim này. Đó là trường hợp bệnh nhân B.T.P. (nam, 47 tuổi) bị suy tim lâu năm. Trước khi được ghép tim, bệnh nhân rơi vào giai đoạn suy tim giai đoạn cuối, cơ tim giãn, hy vọng sống hầu như không còn. Ngày 13/5, một người phụ nữ sống ở Hà Nội sau khi qua đời đã tình nguyện hiến tặng các bộ phận cơ thể. Ngay lập tức, các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy và Việt Đức đã phối hợp chạy đua với thời gian làm thủ tục xét nghiệm độ tương thích giữa hai quả tim và tiến hành vận chuyển trái tim người phụ nữ vào trong Nam.
Bác sĩ Trần Quyết Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết: “Khi nhận được thông tin có quả tim hiến tặng, chúng tôi khá lo lắng về số lượng chuyến máy bay do đang giữa mùa dịch.Nhưng may mắn, mọi việc đã thành công tốt đẹp, không bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội và các quy định, các cơ quan đều hỗ trợ chúng tôi hết mình”.
Nâng cao năng lực đội ngũ ghép tạng
Theo Bệnh viện Chợ Rẫy, đơn vị này đã thực hiện ghép tim từ 4 năm trước. Đến nay, đã thực hiện thành công 5 ca ghép tim từ người cho chết não, trong đó 4 ca thực hiện dưới sự hỗ trợ trực tiếp của các chuyên gia đến từ Bệnh viện Việt Đức. Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết riêng ca ghép tim thứ 5 là hoàn toàn do các bác sĩ của bệnh viện đảm nhiệm. Ca ghép tim thành công cho thấy nỗ lực, đánh dấu bước tiến vượt bậc của toàn bệnh viện và ngành y tế. Trong tương lai, Chợ Rẫy tiếp tục xây dựng, phấn đấu trở thành trung tâm ghép tạng lớn nhất tại khu vực phía Nam.
Theo Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, kể từ ca ghép gan đầu tiên vào ngày 16/6/2018, đến nay Bệnh viện đã thực hiện thành công 11 trường hợp. Đặc biệt, với 2 trường hợp gần nhất, bệnh viện đã thực hiện mà không có sự hỗ trợ từ chuyên gia nước ngoài. Đây là một dấu mốc quan trọng cho quá trình nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ bệnh viện trong lĩnh vực ghép gan. Để có được sự thành công của các ca ghép này, êkíp ghép gan của bệnh viện đã được đào tạo bài bản, đồng bộ, chuyển giao kỹ thuật hiệu quả từ Bệnh viện Asan Hàn Quốc, cùng sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc và sự phối hợp hiệu quả giữa các khoa, phòng, đơn vị có liên quan.
GS TS BS. Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, cho biết sau khi được Bộ Y tế cho phép triển khai kỹ thuật lấy, ghép gan từ người cho sống và từ người cho chết não, bệnh viện đã tiến hành đào tạo hơn 30 nhân sự, bao gồm bác sĩ chuyên khoa, điều dưỡng, phẫu thuật viên, chuyên viên chẩn đoán hình ảnh, chuyên viên gây mê – hồi sức… Trong suốt quá trình thực hiện đề án, bệnh viện còn liên tục tổ chức và tham gia các hội nghị, hội thảo về lĩnh vực Gan mật tụy nói chung và ghép tạng nói riêng, với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ… nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ ghép tạng. Với sự hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Asan Hàn Quốc, bệnh viện đã thực hiện thành công 9 ca ghép gan.
“Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, bệnh viện đã có thể thực hiện kỹ thuật phức tạp này với minh chứng rõ nét nhất là sự thành công của 2 ca ghép số 10 và 11, mang lại lợi ích thiết thực về sức khỏe, kinh tế cho người bệnh và người nhà người bệnh”, GS.TS.BS Trương Quang Bình chia sẻ thêm.