Mỗi người một phong cách tác nghiệp, một biện pháp tiếp cận khác nhau …, các phóng viên đã mang lại những tác phẩm thông tin có giá trị, liên tục cung cấp cho người đọc những dòng tin nóng hổi nhất về dịch, về những người đang ở tuyến đầu của cuộc chiến chống COVID-19.
Phóng viên Tạ Nguyên (Báo Tin tức): Thay đổi nhịp sống
Từ tháng 12/2019, chúng tôi đã bắt đầu thực hiện thông tin về một căn bệnh có tên “viêm phổi lạ”, “chưa rõ nguyên nhân” với những ca bệnh đầu tiên được báo cáo ở Vũ Hán, Trung Quốc. Tuy nhiên, khi đó căn bệnh này ít được chú ý bởi vẫn “còn ở đâu xa lắm” và khả năng lây lan cũng chưa được khẳng định. Lúc ấy hầu như căn bệnh chỉ mới được những phóng viên y tế quan tâm, tìm hiểu.
Cho đến khoảng tháng 1/2020, căn bệnh gia tăng tại Trung Quốc và bắt đầu có những lo ngại về sự lây lan.
Từ cuối tháng 1/2020, tại Việt Nam, các ca bệnh đầu tiên và có dấu hiệu lây lan ra cộng đồng đã xuất hiện. Chúng tôi bắt đầu bước vào “cuộc chiến” mới khi dịch bệnh đáng lo ngại hiện hữu trước mắt. Tết Nguyên đán Canh Tý, cùng với những hoạt động nỗ lực phòng chống dịch của ngành y, phóng viên y tế cũng không có Tết. Kỳ nghỉ là những ngày đêm chúng tôi phải trực tin ca bệnh, diễn biến của dịch và tình hình người bệnh.
Ngay sau nghỉ Tết là những ngày lao ngay vào “cuộc chiến” thông tin về dịch bệnh. Những ngày thông tin ca bệnh dồn dập, chúng tôi hầu như không có bữa ăn nào trọn vẹn, mọi giấc ngủ đều chập chờn. Tin ca bệnh có thể được Bộ Y tế cung cấp bất cứ thời điểm nào trong ngày. Thậm chí có những khi được dự báo trước là sắp có tin ca bệnh, chỉ chờ kết quả xét nghiệm khẳng định là có thể công bố, tôi phải thức tới gần 2 giờ sáng để chờ. Những ngày đó, tôi chỉ mong cho con ngủ sớm để nhanh chóng ngồi “ôm” máy tính làm việc. Thậm chí có những ngày nghỉ vừa trông con ốm, một tay bế con, tay kia vẫn cố đánh những dòng tin thật nhanh để kịp đưa lên báo.
Số ca bệnh càng nhân lên, không khí làm việc càng “căng”, những cuộc họp đột xuất, những chỉ đạo phải làm ngay khiến tôi như quay cuồng. Rồi đợt đầu của dịch cũng “giãn” bớt khi gần một tháng không ghi nhận ca bệnh mới nhờ sự nỗ lực dập dịch của Chính phủ, ngành y và các địa phương cũng như cố gắng của người dân.
Những tưởng đã sắp được nghỉ ngơi, chúng tôi lại bất ngờ tiếp tục “cuộc chiến” ấy sau khi xuất hiện ca bệnh số 17 và những chuyến bay có người nhiễm virus SARS-CoV-2. Những dòng tin từ Bộ Y tế trở nên “nóng” hơn bao giờ hết, từ cập nhật ca bệnh mới đến xông pha vào những nơi dịch đang cao điểm để cập nhật thông tin.
Cho đến nay đã hơn 6 tháng làm thông tin dịch bệnh, tuy có những lúc tưởng chừng áp lực không chịu nổi nhưng tôi luôn tự nhủ cố gắng vượt qua, và dần đã quen với nhịp làm việc trong dịch bệnh.
Nếu hỏi cánh phóng viên chúng tôi có sợ lây bệnh khi lao vào tâm dịch COVID-19 để có được những dòng thông tin nóng không thì tôi xin trả lời có; thậm chí chúng tôi còn rất sợ vì công việc luôn tiềm ẩn đầy rủi ro cho bản thân, người nhà và đồng nghiệp nếu chúng tôi bị lây bệnh. Nếu hỏi động lực nào khiến chúng tôi sẵn sàng lao vào tâm dịch làm thông tin thì đó là trách nhiệm với công việc, là việc không thể làm ngơ, ngồi nhà khi trong kia các y bác sĩ vẫn ngày đêm nỗ lực chiến đấu với dịch bệnh, người dân vẫn đang mong ngóng từng dòng thông tin.
Khi gạt đi những lo sợ để vào tâm dịch làm việc, để được gặp gỡ trực tiếp với bác sĩ, bệnh nhân, chúng tôi chẳng bao giờ nghĩ đến sự tôn vinh nào đó cho công việc của mình. Với tôi, đó là nhiệm vụ đương nhiên của những phóng viên theo dõi mảng y tế trong suốt những ngày làm thông tin về dịch bệnh.
Mỗi lần được gặp trực tiếp các y, bác sĩ, những chiến sĩ tuyến đầu là tôi lại có cảm giác yên tâm đến lạ. Chỉ cần nhìn thấy họ vẫn tươi vui, mỉm cười hay tếu táo vài câu chuyện trong lúc tranh thủ ngơi tay chăm sóc bệnh nhân là lại thấy tràn trề hy vọng dịch bệnh kia chẳng thể quật ngã được họ, thêm tự tin với những trang viết về họ, về phương án điều trị của Việt Nam.
Phóng viên Lê Hoàng (Đài Tiếng nói Việt Nam): Đối mặt với sự "ái ngại của những người xung quanh"
Với các phóng viên y tế, những ngày “chạy tin làm dịch” vừa qua mang nhiều cung bậc cảm xúc, từ lo sợ nguy cơ lây nhiễm bệnh, tới những thán phục dành cho các y bác sĩ chống dịch và sự vui mừng khi chứng kiến cảm xúc vỡ òa của những bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh. Những ca mắc COVID-19 đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam là nhóm 7 công nhân trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc sau đợt tập huấn. Nhận được thông tin một trong số các trường hợp này đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội), chúng tôi lập tức gõ Google map tìm đường và phóng xe máy sang bệnh viện. COVID-19 là một dịch bệnh mới nên các y bác sĩ đối mặt với nhiều áp lực trong quá trình điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Việc tiếp xúc thêm quá nhiều phóng viên ở thời điểm đó cũng khiến các y bác sĩ quá tải. Lần đầu tiên chúng tôi tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, bác sĩ đã từ chối gặp và trả lời phóng viên. Chúng tôi đã phải ở lại viện rất lâu, chờ đến khi bác sĩ hoàn thiện hết công việc chuyên môn thì mới được bắt đầu phỏng vấn. Lúc này, bác sĩ mới thật sự mở lòng và chia sẻ mọi vấn đề với các phóng viên. Chính chúng tôi cũng nhận được lời khuyến cáo của các y bác sĩ là phải thực hiện các biện pháp an toàn ra sao khi tác nghiệp trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm bệnh. Các chuyến tác nghiệp sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ở Đông Anh ngày càng nhiều sau đó, khi dịch COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng tại Việt Nam. Mỗi lần tác nghiệp lại là một cảm xúc khác nhau. Khi đưa tin về những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên được điều trị khỏi, cảm xúc của chúng tôi khi đó là niềm vui vỡ òa. Mỗi lần sang gặp các y bác sĩ để tìm hiểu rõ hơn về diễn biến dịch bệnh hay tình hình điều trị của một ca bệnh đặc biệt, lại là cảm xúc thán phục trước các nỗ lực không mệt mỏi của các y bác sĩ. Những khi nghe tin có nhân viên y tế bị phơi nhiễm, chúng tôi thắt lòng lo lắng như người thân của mình đang phải đối mặt với nguy hiểm. Mỗi ngày, vừa đưa tin, chúng tôi vừa lo ngại trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Dù đã có ý thức chuẩn bị đồ bảo hộ, khẩu trang, cồn, nước sát khuẩn… mỗi khi tác nghiệp tại “tâm dịch”, song chúng tôi vẫn nhận được nhiều ánh mắt ái ngại từ những người xung quanh. Thậm chí có cả bạn bè, người thân không muốn các phóng viên chúng tôi tác nghiệp ở tâm dịch như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi tự học hỏi từ các bác sĩ. Là người trực tiếp làm việc trong môi trường nhiều nguy cơ, các bác sĩ cũng chia sẻ những lo ngại về nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người thân, nhưng họ không từ bỏ bệnh nhân của mình. Điều họ làm là chuẩn bị tốt nhất có thể các biện pháp bảo hộ và động viên để mọi người hiểu, cũng như ủng hộ công việc của mình. Với các phóng viên chúng tôi cũng vậy. Điều chúng tôi làm là chủ động bảo vệ bản thân và giải thích rõ để người thân bạn bè hiểu rõ về dịch bệnh, để chính họ sẽ tiếp tục hướng dẫn những người xung quanh cùng thực tuân thủ nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế, quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Phóng viên Nguyễn Tiến Anh Tuấn (Chuyên trang Tri thức trẻ- Báo điện tử Tổ quốc): Bố triệu tập họp gia đình khi tôi vào tâm dịch
Những ngày đầu của đợt dịch COVID-19, tôi tìm hiểu về đại dịch nếu lan rộng trên thế giới và những điều kiện chuẩn bị để phóng viên đi tác nghiệp hiện trường. So quy chuẩn của các hãng tin trên thế giới có mặt tại Việt Nam với thực tế các báo ở trong nước là một trời một vực. Đồ bảo hộ cho phóng viên Việt Nam đi tác nghiệp lúc đầu chỉ có khẩu trang y tế và một bình xịt rửa tay. Chúng tôi đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương; Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội; Phòng xét nghiệm bệnh phẩm, nơi ở của bệnh nhân dương tính; Khu cách ly đặc biệt; tâm dịch Bạch Mai, Sơn Lôi… là những nơi có nguy cơ nhiễm bệnh nhiều nhất.
Đầu tháng, tôi tiếp xúc đồng nghiệp từng phỏng vấn trực tiếp mẹ của bệnh nhân ở Vĩnh Phúc, sau đó dương tính. Trong khi đó, tôi tác nghiệp quá sâu khu vực điều trị, xét nghiệm nghi nhiễm mà chưa có đồ bảo hộ - điều này khiến tôi mất ăn mất ngủ.
Trở về gia đình - nơi có bà, bố mẹ, anh chị, vợ tôi và các con cháu - tôi thực sự bất an, cho đến khi đồng nghiệp báo lại xét nghiệm âm tính. Sau những buổi làm việc tại hiện trường, nhiều lần tôi tự đặt câu hỏi liệu mình có nên về nhà lúc này không, bởi lo lắng cho sự an toàn của người thân. Thậm chí có lần, chính bố tôi đã phải triệu tập họp gia đình về việc này. Bố tôi nói rằng tôi buộc phải đưa ra lựa chọn trong tình thế này: Hoặc nghỉ việc hoặc cần có giải pháp đảm bảo an toàn cho gia đình. Điều này hoàn toàn chính đáng khi gia đình có người già hơn 60 tuổi và trẻ em dưới 6 tuổi.
Chia sẻ điều này với đồng nghiệp - những người đang đầy lo lắng khi tác nghiệp hiện trường - tôi được một đồng nghiệp Vnexpress cho trọ cùng tại một phòng trọ tại một khu chung cư ở Thái Thịnh - nơi anh cũng đang tạm tá túc để tác nghiệp trong đại dịch, tránh việc về nhà gặp gia đình.
Tôi chia sẻ với gia đình và được cả nhà ủng hộ. Ngày tôi xách va li đi “ở riêng”, cậu con trai 6 tuổi nhắn rằng: “Con virus Corona nguy hiểm lắm, bố phải rửa tay. Điều mong ước lớn nhất của con là được dự buổi sinh nhật của bố sắp đến gần”- những lời nhắn của con làm tôi xúc động. Khi tôi đến nhà trọ được 1 tuần, Chính phủ ra thông báo giãn cách xã hội. Mỗi tuần, tôi về nhà và đứng ở cửa để lấy đồ tiếp tế và chỉ được nhìn người thân ở một khoảng cách nhất định.
Đến thời điểm này, tôi đã tự trang bị cho mình những kiến thức về phòng dịch cũng như đồ bảo hộ. Trong ba lô tôi luôn có sẵn 1 bộ quần áo bảo hộ. Có lần, đồ bảo hộ bị rách do người quá khổ, tôi được chính bệnh viện tặng một bộ mới. Tôi vừa nhận, vừa áy náy vì không muốn làm phiền các y bác sĩ, bởi họ cũng đang thiếu thốn trang thiết bị. Từ đó, ba lô của tôi luôn có 2 bộ quần áo bảo hộ, và tôi luôn thử trước để đảm bảo an toàn. Để có được một tác phẩm “đi trước” và “có khoảnh khắc” là điều tôi luôn trăn trở. Với những phóng viên thời sự, để phản ánh hiện trường, chúng tôi thường chuẩn bị trong 1, 2 hôm. Tuy nhiên, những sản phẩm sau này của tôi khi tác nghiệp trong bệnh viện, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, Binh chủng hoá học phun khử trùng ở Bệnh viện Bạch Mai… lại là những tác phẩm được tôi chuẩn bị kiến thức từ nửa tháng.
Hay những sản phẩm ảnh về phản ánh đường phố những ngày giãn cách. Để khác với những bức ảnh vắng vẻ, tôi chọn những góc khai thác về đời sống, vẫn có con người nhưng thể hiện được những ngày đặc biệt này.
Có lẽ, nhiều người nói nghề báo nghề nguy hiểm và đòi hỏi dũng cảm, nhưng đợt dịch COVID-19, chúng tôi luôn được an toàn trong sự chào đón của chính những người chống dịch nơi tuyến đầu. Điều đọng lại trong tôi trong đợt dịch này chính là những y bác sĩ, người làm an ninh, tình nguyện viên… Họ quá vất vả và dũng cảm. Có những sinh viên tình nguyện nói với tôi: Nếu không có báo chí thì không ai biết và hiểu hết được công việc của chúng em. Nhà báo là người đưa tin, tôi mong muốn đưa đến độc giả những sản phẩm gần gũi với đời sống, nhanh nhất và trung thực nhất.
Phóng viên Đan Phương (Báo Tin tức): Từng lo lắng vì tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19
Hơn 10 năm phụ trách lĩnh vực y tế, tôi từng tham gia tác nghiệp ở rất nhiều mùa dịch truyền nhiễm nguy hiểm như cúm A/H1N1, Ebola, Zika, Mers… nhưng có lẽ chưa có mùa dịch nào mà tôi lại có nhiều cảm xúc cũng như có phần hồi hộp, lo lắng khi tác nghiệp như ở mùa dịch COVID-19.
Để có được những hình ảnh chân thực, thông tin khách quan nhất thì phóng viên cần phải đến hiện trường. Chưa mùa dịch nào mà tôi phải đo nhiệt độ thường xuyên nhiều như thế, rửa tay nhiều như vậy và đeo khẩu trang lâu đến thế này. Hiện trường của những phóng viên trong mùa dịch chính là những ổ dịch, những khu cách ly, bệnh viện, tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm... - những nơi có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao.
Những ngày đầu tôi không hề lo sợ bởi mình đã quen tác nghiệp với những môi trường như thế này trong suốt 10 năm phụ trách lĩnh vực y tế. Nhưng càng về sau, mức độ lây lan của dịch bệnh này càng tăng và tính chất nguy hiểm của căn bệnh đã khiến tôi lo lắng rất nhiều trước mỗi lần đăng ký xin vào tác nghiệp tại những điểm “nóng” của dịch bệnh. Đắn đo, nhưng rồi sự thôi thúc của dòng chảy thông tin lại cuốn tôi đi. Đặc biệt, khi có thông tin một phóng viên của Việt Nam bị nhiễm bệnh trong quá trình tác nghiệp, cả tòa soạn đã phải tạm ngừng hoạt động (đây là tiền lệ chưa từng xảy ra), việc tác nghiệp trong mùa dịch của tôi cũng gặp khó khăn hơn.
Khi liên hệ phỏng vấn, có cơ quan ban ngành tỏ ra ngần ngại; những cuộc họp ở Ủy ban về công tác phòng chống dịch cũng dần dần hạn chế phóng viên và chuyển sang họp trực tuyến. Tôi cũng từng trải qua lần “thót tim” trong lúc đi tác nghiệp tại khu cách ly tập trung Quận 9, TP Hồ Chí Minh. Lúc đó tôi thực hiện tuyến bài về cảm nhận của người Việt Nam từ nước ngoài về ở trong khu cách ly.
Tuy tất cả những người ở trong khu cách ly này đều có kết quả bước đầu âm tính với COVID-19 nhưng tôi vẫn được y bác sĩ cảnh báo khi dẫn vào khu cách ly tập trung và luôn đi theo để hướng dẫn tôi đảm bảo an toàn. Tôi được nhắc nhở giữ khoảng cách, không được động vào bất kỳ vật dụng nào trong khu cách ly. Sau khi thực hiện xong cuộc phỏng vấn, chuẩn bị ra khỏi khu cách ly thì một chiếc xe cấp cứu đưa 2 thanh niên đến khu cách ly này. Tôi nán lại và tiếp tục phỏng vấn 2 hai thanh niên mới được đưa vào. Đây là hai thanh niên tiếp xúc với người chồng của bệnh nhân siêu lây số 34 ở Bình Thuận.
Khi rời khỏi khu cách ly, trên đường đi tôi mới sực nhớ trong lúc mải mê chụp hình và phỏng vấn, mình đã đứng khá gần với nhân vật, chạm tay lên những cánh cửa ở phòng cách ly. Thoáng có chút bối rối, lo sợ và kể từ đó tôi ý thức mình cần phải tự cách ly ở nhà.
Ngay sau đó, chồng của bệnh nhân 34 cũng có kết quả dương tính khiến tôi càng lo lắng hơn vì khả năng hai thanh niên kia dương tính cũng rất cao. Tôi liên tục nhắn tin cho bác sĩ hỏi về tình hình sức khỏe hai thanh niên này cho đến khi cả hai có kết quả âm tính, tôi mới thở phào nhẹ nhõm.
Sau mùa dịch bệnh này, tôi càng cảm thấy trách nhiệm nặng nề của mỗi người phóng viên y tế. Bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ với tin bài, hình ảnh; phóng viên cũng không được lơ là công tác phòng dịch. Bởi nếu không may mình trở thành nguồn lây thì cơ quan, đồng nghiệp và người thân sẽ chịu ảnh hưởng, và không những thế còn trở thành gánh nặng cho các y bác sĩ.
Nghề báo là nghề nguy hiểm và đòi hỏi dũng cảm, nhưng đợt dịch COVID-19, chúng tôi luôn được an toàn trong sự chào đón của chính những người chống dịch nơi tuyến đầu.