Để có những ngày Tết thật vui tươi, hạnh phúc bên người thân và gia đình, các chuyên gia y tế khuyên người dân nên thực hiện một số biện pháp phòng ngừa bệnh, đặc biệt là các bệnh lý tai mũi họng như sau:
Tránh dùng quá nhiều thức uống lạnh, thức uống có gas, có cồn
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Điệp, khoa Tai mũi họng bệnh viện quận Thủ Đức, uống nước lạnh thường xuyên cũng là nguyên nhân gây viêm họng, ho, đặc biệt ở trẻ nhỏ cần nên tránh các thức uống quá lạnh.
Vào thời điểm Tết, trẻ mắc các bệnh đường hô hấp. |
Việc uống nhiều nước có gas ngoài gây nguy cơ tăng đường huyết, béo phì… còn có thể gây ra bệnh lý trào ngược dạ dày, thực quản.
Thời tiết và khí hậu nhiệt đới gió mùa tại Việt Nam luôn là mối lo ngại của nhiều bậc phụ huynh khi con trẻ dễ mắc các bệnh về tai mũi họng mỗi khi thời tiết giao mùa. Vào những ngày thời tiết thay đổi, trời trở lạnh, cha mẹ nên chú ý giữ ấm cho trẻ, đề phòng trẻ bị nhiễm lạnh dẫn đến mắc các bệnh về mũi họng.
Cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng
Thời điểm giao mùa đông - xuân, nhiệt độ hạ thấp, sức đề kháng của trẻ bị suy giảm tạo điều kiện cho những virus phát triển mạnh mẽ và gây bệnh. Sởi là một trong những bệnh lây lan trong thời điểm này, do đó các bậc phụ huynh cần lưu ý phòng tránh bệnh cho trẻ.
Những ngày Tết, nhiều người thường ít quan tâm đến việc ăn uống, hoặc dùng quá nhiều thức ăn chứa nhiều đường như: bánh, kẹo, mứt… hoặc hoàn toàn không ăn, điều này ảnh hưởng xấu đối với sức khoẻ. Vì vậy, cần phải phải nâng cao sức đề kháng bằng một chế độ dinh dưỡng phù hợp như thịt, cá, trứng, bột, rau củ quả... Ngoài ra, cũng cần chú ý uống đủ lượng nước cho cơ thể, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất.
Bên cạnh đó, môi trường ô nhiễm, khói bụi, khói xe, khói thuốc lá cũng là tác nhân hàng đầu gây các bệnh lý đường hô hấp và bệnh lý tai mũi họng như: viêm mũi họng, viêm xoang, viêm mũi dị ứng, viêm phổi… nên chúng ta cần phải chú ý đến việc tránh bụi, khói xe, không hút thuốc lá cũng như tránh xa khói thuốc lá.
Tăng cường vệ sinh cá nhân
Bữa ăn trong dịp Tết cổ truyền có thể tiềm ẩn những nguy cơ về sức khỏe nếu người dân không chú ý đến vệ sinh, phòng chống dịch. Một trong những căn bệnh cần đặc biệt cẩn trọng là tiêu chảy cấp, tuy nhiên người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu chúng ta chủ động bảo vệ sức khỏe của mình và cả gia đình.
Để chủ động phòng chống tiêu chảy cấp, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, khuyến cáo cộng đồng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã; sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt, đặc biệt trong chế biến thực phẩm.
Vệ sinh tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn là phương pháp phòng ngừa hiệu quả các bệnh lý về đường hô hấp, bệnh lý tai mũi họng, tay chân miệng, tiêu chảy…
Nên chú ý thường xuyên vệ sinh nhà cửa, luôn giữ nhà cửa thông thoáng và tránh tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh như quần áo bẩn….
Rèn luyện thể lực: tập thể dục là biện pháp hữu hiệu ngoài việc giúp loại bỏ năng lượng dư thừa mà còn giúp nâng cao thể lực và sức đề kháng của cơ thể.