Người đứng đầu nghiên cứu, Tiến sĩ Katia Bruxvoort cho biết: "Nghiên cứu này đã xác nhận tính hiệu quả của vaccine đối với tất cả các biến thể trong giai đoạn nghiên cứu, dù chúng tôi đã phát hiện có sự giảm dần hiệu quả cùng với thời gian đối với biến thể Delta, từ mức 94% trong 2 tháng đầu xuống còn 80% vào thời điểm 6 tháng sau khi tiêm".
Nghiên cứu trên được hãng Moderna tài trợ, có sự tham gia của 8.153 người có xét nghiệm dương tính trong thời gian từ ngày 1/3 - 27/7 vừa qua. Trong số này 91,3% là người chưa tiêm, 1,4% đã tiêm một mũi vaccine của Moderna và 7,3% đã tiêm đủ hai mũi vaccine này.
39,4% ca nhiễm biến thể Delta, 27,7% nhiễm Alpha, 11,4% nhiễm Epsilon, 6,9% nhiễm Gamma, 2,2% nhiễm Iota, 1,4% nhiễm Mu và 11,1% nhiễm các biến thể khác. Vào thời điểm tiến hành nghiên cứu này, biến thể Omicron chưa được phát hiện ở vùng phía Nam bang California.
Các nhà nghiên cứu đã so sánh người có xét nghiệm dương tính với người có xét nghiệm âm tính. Kết quả cho thấy hiệu quả ngăn khả năng nhiễm đối với các biến thể như sau : 86,7% đối với Delta, 90,4% đối với biến thể Mu, 98,4% đối với Alpha và các biến thể khác là 96-98%.
Nghiên cứu cũng cho thấy người được tiêm đủ 2 mũi vaccine của Moderna có khả năng bảo vệ tốt, giảm 87,5% nguy cơ nhiễm biến thể Delta ở người từ 18-64 tuổi, giảm 75,2% nguy cơ nhiễm Delta đối với người từ 65 tuổi trở lên, ngăn 97,5% nguy cơ nhập viện khi nhiễm Delta, không có ca tử vong nào ở những người nhiễm Delta đã tiêm đủ hai mũi.
Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Hung Fu Tseng tại Kaiser Permanente cho biết: "Nghiên cứu đã cung cấp bằng chứng thuyết phục về hiệu quả của 2 mũi vaccine của Moderna trong việc giảm nguy cơ nhiễm, nhập viện đối với nhiều biến thể khác nhau, trong đó có Delta, nhưng nghiên cứu cũng cho thấy cần tiêm mũi tăng cường vì hiệu quả giảm dần theo thời gian".
Trong khi đó, một nghiên cứu khác công bố cùng ngày cho thấy các kháng thể trong mẫu máu người được tiêm đủ hai mũi vaccine của Moderna ít hiệu quả trong việc ngăn chặn biến thể Omicron.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Sức khỏe quốc gia và các phòng thí nghiệm của Đại học Duke (Bắc California) đã phân tích mẫu máu của 30 người tham gia đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine của Moderna, đem thử nghiệm với các phiên bản virus giả của biến thể Omicron. Kết quả cho thấy các kháng thể này giảm ít nhất 50 lần hiệu quả trong việc vô hiệu hóa Omicron.
Tuy nhiên, có 7 tình nguyện viên trong số này đã tiêm mũi tăng cường bằng vaccine của Moderna có kết quả khả quan hơn. Khả năng vô hiệu hóa Omicron tăng 12 lần.
Các dữ liệu cũng cho thấy hai mũi vaccine của Pfizer/BioNTech chỉ hiệu quả 33% trong ngăn chặn nguy cơ nhiễm Omicron, dù vẫn giúp giảm 70% nguy cơ nhập viện sau nhiễm biến thể này.
Chuyên gia hàng đầu của Mỹ về bệnh truyền nhiễm, ông Anthony Fauci viện dẫn các dữ liệu sơ bộ trên và khẳng định chưa cần một vaccine mới được thiết kế đặc biệt để chống Omicron. Phát biểu tại họp báo ngày 15/12, ông Fauci cho biết: “Cơ chế tiêm mũi tăng cường vẫn có tác dụng chống Omicron”.