Những ngày không quên
Trong 4 đợt dịch COVID-19; đợt dịch bùng phát vào cuối tháng 4, đầu tháng 5/2021 có quy mô, mức độ phức tạp nhất, kéo dài và âm ỉ. Mỗi ngày, Việt Nam ghi nhận hàng trăm ca mắc và tiếp tục có những ổ dịch mới trong cộng đồng. Đây cũng là đợt dịch vất vả nhất của những phóng viên làm thông tin dịch bệnh, nhất là các phóng viên thường trú ở các tỉnh có dịch nóng như: Bắc Ninh, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội…
Từ khi ghi nhận hai ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 5/5, đến nay, tỉnh Bắc Ninh vẫn ghi nhận hàng chục ca bệnh mỗi ngày. Trước sự bùng phát nhanh và phức tạp của dịch COVID-19, các phóng viên Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Bắc Ninh đã xác định phải lăn lộn dài ngày, nỗ lực để có những bản tin “nóng” nhất từ vùng tâm dịch gửi về Tổng xã, thực hiện vai trò “ngân hàng thông tin” cung cấp cho các cơ quan báo chí.
“Chiều 5/5, nhận được thông tin ban đầu về 2 ca bệnh COVID-19 mới, ngay lập tức chúng tôi liên hệ với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, Sở Y tế, nhưng tất cả đều không trả lời. Hết sức cố gắng, chúng tôi đã bám được cuộc họp khẩn bàn các giải pháp cấp bách về phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh.
Chỉ trong vòng 15 phút, phóng viên đã có tin gửi về, đây cũng là thông tin nhanh nhất khẳng định tỉnh Bắc Ninh đã xuất hiện ca mắc COVID-19. Sau đó, tin này được rất nhiều báo dẫn nguồn. Từ đây chúng tôi xác định bắt đầu bước vào cuộc chiến mới, nguy hiểm, cam go nhất từ trước tới nay”, nhà báo Nguyễn Thái Hùng, Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Bắc Ninh nhớ lại.
Liên tục các ca mắc mới được ghi nhận sau đó, các ổ dịch xuất hiện ở nhiều nơi khiến các phóng viên tại đây “xoay như chong chóng”. Để có những bức ảnh, thước phim về cuộc sống của người dân những nơi có dịch và phản ánh công tác phòng, chống dịch của tỉnh, phóng viên thường trú tại Bắc Ninh đã xông pha tới nhiều điểm nóng như: Khu Từ Sơn, nơi có nhiều khu công nghiệp, làng nghề; thôn Kiều, xã Hiên Vân ghi nhận các ca mắc liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2; sau đó là ổ dịch tại xã Mão Điền, huyện Thuận Thành... Để thuận lợi cho công tác chỉ đạo thông tin, nhà báo Nguyễn Thái Hùng đã ở lại Bắc Ninh, thay vì đi về nhà ở Bắc Giang. Nữ phóng viên duy nhất của cơ quan là phóng viên Thanh Thương cũng phải gửi con về quê với ông bà để tập trung cho công việc.
“Bắc Ninh trở thành “điểm nóng” về dịch COVID-19, anh em chúng tôi làm việc như quên thời gian, thậm chí chẳng nhớ hôm nay là thứ mấy và bất kể giờ nào, chỉ cần có thông tin là lại lên đường”, nhà báo Nguyễn Thái Hùng chia sẻ.
Thông tin xã Mão Điền trở thành ổ dịch phức tạp, hầu hết các cán bộ xã là F1 phải đi cách ly vì liên quan đến trường hợp mắc COVID-19 làm việc tại xã khiến cả cơ quan thường trú lo lắng, bởi trước đó, phóng viên Thanh Thương có liên hệ công tác với một nữ cán bộ tại UBND xã. Mặc dù đứng ở một khoảng cách khá xa và đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, nhưng phóng viên Thanh Thương đã phải tự cách ly và làm việc tại nhà; đồng thời liên hệ trực tiếp với lãnh đạo xã để nắm thông tin về trường hợp mà mình tiếp xúc. Chỉ hai ngày sau, khi biết kết quả nữ cán bộ xã là F1 âm tính với virus SARS-CoV-2, cả cơ quan mới thở phào.
Ngay sau khi những lo lắng về dịch bệnh không còn, các phóng viên lại sát cánh bên nhau để có những bản tin kịp thời nhất từ tâm dịch Bắc Ninh gửi về Tổng xã.
“Tôi cứ mong mỏi dịch giảm để được về thăm con nhưng cứ ổ dịch này kiểm soát được lại thêm ổ dịch khác. Suốt hơn 1 tháng qua tôi vẫn chưa được về thăm con. Nỗi nhớ con day dứt chỉ còn biết khoả lấp bởi công việc. Chỉ mong các con và bố mẹ tôi ở quê được bình an là mừng lắm rồi”, phóng viên Thanh Thương ngậm ngùi.
Đợt dịch thứ 4 cũng rất ấn tượng với nhà báo Lê Danh Lam khi anh vừa được nhận quyết định về cơ quan thường trú TTXVN tại Bắc Giang từ ngày 1/5 thì ít ngày sau dịch xảy ra trên địa bàn. Anh phải thu xếp khẩn trương về cơ quan thường trú để nhận nhiệm vụ, chỉ kịp mang theo ít đồ cá nhân đã có sẵn.
Trong lúc “nước sôi lửa bỏng”, cơ quan lại có 1 phóng viên nữ vừa nghỉ thai sản, trách nhiệm nặng nề đặt lên vai 2 người còn lại là nhà báo Nguyễn Việt Hùng, Trưởng đại diện Cơ quan thường trú TTXVN tại Bắc Giang và nhà báo Danh Lam mới “chân ướt, chân ráo” về địa bàn.
Lúc đó, với nhà báo Danh Lam, mọi thứ đều bỡ ngỡ, trong khi thông tin dịch bệnh dồn dập mà trong đầu anh không khỏi phân vân: Nên làm gì trước, bắt đầu từ đâu, cần liên hệ với ai?... Với sự hướng dẫn tận tình của đồng nghiệp, nhà báo Danh Lam nhanh chóng tiếp cận công việc, lao ngay vào các điểm nóng dịch bệnh để đưa tin.
“Tôi từng tham gia làm thông tin khi dịch COVID-19 bùng phát ở Hà Nội nên cũng nắm được một số điểm then chốt để tuyên truyền. Tại Bắc Giang, chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ khó khăn và rất nguy hiểm bởi số lượng F0 ở đây quá nhiều, luôn hiện hữu tại những nơi chúng tôi đến và tác nghiệp như thị trấn Nếnh, tổ dân phố My Diềm, thôn Tru Đồng… Sau khi phát hiện nguồn lây nhiễm từ khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên (Bắc Giang); nhiều ổ dịch xuất hiện liên tiếp trong đó ổ dịch tại Công ty Hosiden (khu công nghiệp Quang Châu) rất phức tạp. Chúng tôi phải “bám” các cuộc họp khẩn trong đêm diễn ra thường xuyên; dù nguy hiểm, chúng tôi vẫn xông vào tâm dịch, bằng mọi cách để có được những hình ảnh chân thực phản ánh về tình hình dịch bệnh nơi đây”, nhà báo Danh Lam chia sẻ.
Quên ăn, quên ngủ
Có lẽ với phóng viên làm thông tin dịch bệnh, những bữa ăn tử tế, đúng nghĩa đã trở nên thật xa xỉ trong những ngày “ôm máy” chạy khắp nơi, hay 100% công suất “dán” mắt vào màn hình máy tính trực tin. Đôi khi còn phải nhịn đói qua bữa hay có gì ăn nấy, tạm cho đầy bụng để làm việc.
Với phóng viên Đan Phương (báo Tin tức- TTXVN), những ngày tác nghiệp quên ăn, quên ngủ tại các điểm nóng dịch ở TP Hồ Chí Minh vẫn chưa biết khi nào dừng lại.
Từ ngày 18/5/2021, khi TP Hồ Chí Minh xuất hiện ca COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng, phóng viên Đan Phương cùng đồng nghiệp lại quay cuồng với lượng thông tin “khủng” mỗi ngày. Có những khi cô chạy xe máy hơn chục cây số đến điểm phong tỏa túc trực; mỗi lần chụp hình, phỏng vấn xong lại phải làm thật nhanh để đẩy thông tin về; nhưng ở những nơi phong toả lấy đâu ra chỗ ngồi cho phóng viên, lúc đó gốc cây trở thành nơi ngồi làm việc. Trong mùa mưa nắng thất thường, phóng viên sợ nhất khi tác nghiệp ngoài trời, bởi những cơn mưa bất chợt ập xuống, lại phải ôm máy tìm chỗ trú.
“Sau những giờ làm việc căng thẳng, bụng đói nhưng chúng tôi cũng không biết tìm đâu ra quán ăn, có khi các sự kiện nối nhau liên tiếp, mải mê công việc, lúc về đến nhà, đồng hồ điểm 11 giờ đêm mới nhớ ra mình chưa ăn tối. Từ đầu đợt dịch đến nay, chưa khi nào tôi được ăn cơm đúng bữa”, phóng viên Đan Phương chia sẻ.
Lăn lộn với dịch bệnh, ban ngày, phóng viên đi tới những địa điểm bị phong tỏa, đêm xuống tranh thủ đi làm tin lấy mẫu tầm soát, rồi lại mải miết bám sát các cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của thành phố, nhiều cuộc họp kết thúc khá muộn, bởi vậy phóng viên chẳng dám rời chiếc điện thoại, chẳng dám đi ngủ sớm, thông tin ở đâu có trường hợp nghi nhiễm là bắt đầu tìm kiếm. Không chỉ phóng viên Đan Phương, tất cả các đồng nghiệp của cô trong những ngày này đều quay cuồng với thông tin về COVID-19.
Còn với phóng viên Trung Nguyên (báo Tin tức), khi Hà Nội bùng phát đợt dịch mới cũng là lúc anh lăn xả ra hiện trường, không điểm nóng dịch nào anh không có mặt. Đó là những đêm trực chiến ở cổng các bệnh viện: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K cũng như các khu dân cư bị phong toả. Những ngày Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương phải cách ly y tế do ghi nhận các ca bệnh COVID-19 lây nhiễm ngay tại bệnh viện, phóng viên Trung Nguyên hầu như thức xuyên đêm ngồi trực làm thông tin ngay tại cổng bệnh viện.
“Chạy cả ngày đã mệt, tối không có chỗ nghỉ, chúng tôi đành ngồi quán nước ven đường. Đêm đầu tiên ngồi chờ làm tin tiếp tế cho bệnh viện; thời tiết rất nóng bức nhưng không ai trong chúng tôi dám chợp mắt. Chưa kịp chuẩn bị đồ ăn mang theo, ai nấy đều nhịn đói. Thấy tội, chủ quán nước đành mang nước nóng, mì tôm pha cho chúng tôi ăn tạm. Đến đêm, có người dân trong ngõ thương tình mang cho chúng tôi ít lương khô. Bữa ăn vội vàng trong buổi tối muộn nhưng lại rất ngon vì tình cảm giản dị ấy. Chúng tôi thức như vậy cho đến ngày hôm sau, lao vào làm việc ghi nhận và gửi tin về; rồi lại tiếp tục chờ để làm thông tin phun khử khuẩn bệnh viện”, phóng viên Trung Nguyên chia sẻ.
Bám trụ tâm dịch
Với nhà báo Hoàng Dương (báo Sức khoẻ và Đời sống), những ngày cắm chốt tại Bắc Giang với nhiệm vụ làm thông tin tại tổ truyền thông, đi theo bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang là những ngày không thể nào quên.
Ngay khi dịch COVID-19 Bắc Giang diễn biến phức tạp, bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đã được thành lập để hỗ trợ Bắc Giang chống dịch. Rạng sáng ngày 18/5, nhà báo Hoàng Dương đã cùng đoàn đến địa phương, bắt tay ngay vào làm tin. Những ngày đầu tiên đến tâm dịch là những ngày vất vả nhất với họ khi các cuộc họp liên tục diễn ra, bất kể ngày đêm, chỉ cần một tin nhắn thông báo là triệu tập họp ngay, có ngày tới gần sáng mới xong. Thông tin dồn dập, các phóng viên vừa phải tác nghiệp nhanh, chính xác, vừa đảm bảo là nguồn tin chính thức của Bộ Y tế để cung cấp cho phóng viên các cơ quan báo chí khác sử dụng.
Nhà báo Hoàng Dương chia sẻ: “Chúng tôi không nghĩ Bắc Giang lại nóng đến thế. Những lúc phải mặc đồ bảo hộ kín mít tác nghiệp trong vùng dịch; để chạy theo đoàn làm việc tại các khu công nghiệp thực sự là một thách thức. Có những ngày nắng nóng nhưng chúng tôi phải đi bộ tới 4- 5km liên tục từ nhà máy này sang nhà máy khác để phản ánh thông tin về công tác cách ly, giám sát trở lại hoạt động của các đơn vị. Trong cái nắng cháy da giữa hè, chúng tôi cũng không khỏi xót xa chứng kiến cảnh nhiều cán bộ y tế, sinh viên đi lấy mẫu bị ngất dưới trời nóng, mới thấy khó khăn với mình chưa thấm vào đâu”.
Trong tâm dịch đầy khó khăn, truyền năng lượng cho các phóng viên bám trụ tại đây là tinh thần đoàn kết, bình tĩnh, bao bọc lẫn nhau. Họ đã chứng kiến có những người phụ trách các trường mẫu giáo tự nguyện dành cả cơ sở của trường làm khu cách ly, thậm chí còn tự nguyện ở lại phục vụ công tác cách ly, người dân nơi đây cũng rất đoàn kết; đặc biệt những lực lượng tình nguyện về đây giúp Bắc Giang chống dịch với tinh thần mạnh mẽ, nhiệt tình, chân thành, vượt mọi gian khổ mà không hề đòi hỏi một chút gì cho mình.
“Khó khăn không ngại, nhưng với các phóng viên xông pha vào tâm dịch như chúng tôi vẫn có mối lo nguy cơ lây nhiễm, dù đã được tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, chúng tôi vẫn phải đảm bảo phòng hộ kỹ càng, cách ly đầy đủ. Chinh chiến qua các đợt dịch, nhưng đợt dịch thứ 4 thực sự cảm thấy căng thẳng hơn các đợt dịch trước. Mỗi tin, bài chúng tôi gửi về từ nơi nóng nhất của dịch bệnh cũng là trách nhiệm, niềm tin, là mong mỏi dịch bệnh sớm được đẩy lùi”, nhà báo Hoàng Dương chia sẻ.
Còn với phóng viên trẻ Việt Linh, Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến Zingnews, việc xông pha vào tâm dịch như Bắc Giang, Bắc Ninh đã thành công việc quen thuộc của một phóng viên ảnh khi tác nghiệp ở tất cả các điểm nóng dịch. Trong đợt dịch thứ 4 này, Việt Linh về tâm dịch Bắc Giang tác nghiệp từ những ngày đầu khi theo chân đoàn bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí (Quảng Ninh) tăng cường hỗ trợ tỉnh Bắc Giang. Sau đó là những chuyến về Bắc Giang phản ánh về các phòng thí nghiệm, bệnh viện dã chiến, lực lượng chức năng hỗ trợ người dân thu hoạch nông sản… “Có bám sát địa bàn, chúng tôi mới có thể có được thông tin chân thực nhất, nhanh và chất lượng nhất. Những ngày làm thông tin nơi tâm dịch, có những điều chúng tôi đã nhìn thấy, trải nghiệm đầy ấn tượng. Đó là những câu chuyện nhỏ đầy xúc động như các cô giáo mầm non dáng người nhỏ nhắn nhưng có thể vác trên mình bao gạo 50kg đi hỗ trợ bà con làng xóm. Hay hình ảnh các bà, các mẹ của hội phụ nữ gác lại công việc gia đình, mỗi ngày đều tự nguyện nấu gần 100 suất cơm hỗ trợ các lực lượng làm việc ở chốt chặn. Đặc biệt là khi tiếp xúc các với y bác sĩ tuyến đầu chống dịch, thấy nhiều người còn rất trẻ sẵn sàng lên tuyến đầu; chúng tôi vẫn bảo nhau chẳng có lý do gì phải sợ hãi”, phóng viên Việt Linh chia sẻ.
Ngay đầu đợt dịch thứ 4, khi ổ dịch quán bar Sunny ở Vĩnh Phúc diến biến phức tạp, phóng viên Thy Hạt (báo điện tử VOV) và đồng nghiệp đã có mặt tại tâm dịch. Với nhiệm vụ về tận nơi phản ánh công tác chống dịch và cuộc sống của người dân ở khu vực cách ly, phong tỏa nơi có quán bar Sunny, thành phố Phúc Yên; phóng viên Thy Hạt đã xác định tác nghiệp tại các khu vực có các trường hợp F0 rất nguy hiểm. Vì vậy chị và đồng nghiệp đã có sự chuẩn bị rất cẩn thận, kỹ lưỡng từ trang phục bảo hộ đến dung dịch xịt khuẩn luôn sát bên người.
Buổi đầu tiên đến nơi tác nghiệp phóng viên Thy Hạt và đồng nghiệp đã gặp không ít khó khăn. Không chỉ là việc phải mặc đồ bảo hộ trong thời tiết nắng nóng, không thể tác nghiệp nhanh nhẹn như bình thường, mà chính bộ đồ bảo hộ kín mít này cũng khiến chị khó làm việc, phỏng vấn người dân vì nhiều người có tâm lý lo sợ, từ chối tiếp xúc.
Sau khi kết thúc ngày tác nghiệp ở khu vực xét nghiệm, chợt phát hiện ra thành phố giãn cách không có chỗ để nghỉ ngơi, ăn uống, các phóng viên vội vàng mua hộp cơm rang, rồi mang lên xe ăn trong lúc quay trở về Hà Nội.
“Phóng viên y tế là vậy, khi dịch bệnh nóng lên, tinh thần làm việc của chúng tôi cũng nóng không kém. Công việc cứ cuốn đi, có lúc nhìn lại, không hiểu sao mình lại khoẻ và dẻo dai thế. Chúng tôi vẫn chiến đấu, vẫn vượt qua, chỉ mong dịch bệnh mau được đẩy lùi”, phóng viên Thy Hạt chia sẻ.