Phân tầng điều trị tốt để mọi ca nhiễm đều được chăm sóc y tế

Xác định điều trị là ưu tiên trọng tâm với các địa phương trong giai đoạn hiện nay để giảm tối đa các trường hợp tử vong, vì thế công tác tổ chức khám, chữa bệnh nói chung và đặc biệt là điều trị bệnh nhân COVID-19 nói riêng, đã được Bộ Y tế thay đổi trên nguyên tắc tất cả người dân đều được tiếp cận và cung cấp các dịch vụ y tế nhanh, thuận tiện, chất lượng.

Chú thích ảnh
Các y bác sĩ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát

Ngày 13/8, tại Hội nghị tập huấn trực tuyến về quản lý, điều trị và chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2, người bệnh COVID-19, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị COVID-19 (Bộ Y tế), cho biết, tính đến sáng 13/8, thế giới ghi nhận 205.512.912 người mắc COVID-19, trong đó có 4.337.588 trường hợp tử vong. Việt Nam ghi nhận 246.5 ca COVID-19; có 89.228 bệnh nhân được điều trị khỏi; 4.815 (1,95%) ca tử vong; 152.525 bệnh nhân đang được điều trị.

Rút kinh nghiệm trong chiến lược điều trị

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, tại Việt Nam, nếu nhìn chung trong cả hai năm vừa rồi thì chưa thấy được mức độ nghiêm trọng của dịch COVID-19, ở giai đoạn 1 và 2 chúng ta đều có tỷ lệ mắc rất thấp. Đến giai đoạn 3, cả nước có 35 bệnh nhân tử vong.

“Nhưng từ ngày 27/4 đến nay, tỷ lệ mắc COVID-19 ở Việt Nam rất cao. Chúng ta đã xây dựng kịch bản 100 nghìn ca mắc 200 nghìn ca mắc và 300 nghìn ca mắc, rồi 500 nghìn ca mắc, thì bây giờ chúng ta đã cán đích trên 255 nghìn ca mắc. Chỉ mấy hôm nữa thôi, nếu không hành động quyết liệt, chúng ta có thể cán đích 300 nghìn ca”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê chia sẻ.

Xác định điều trị là ưu tiên trọng tâm với các địa phương trong giai đoạn hiện nay để giảm tối đa các trường hợp tử vong, vì thế công tác tổ chức khám, chữa bệnh nói chung và đặc biệt là điều trị bệnh nhân COVID-19 nói riêng, đã được Bộ Y tế thay đổi trên nguyên tắc tất cả người dân đều được tiếp cận và cung cấp các dịch vụ y tế nhanh, thuận tiện, chất lượng.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, biến chủng Delta lây lan nhanh nên số lượng ca nhiễm COVID-19 tăng cao ở các địa phương, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An và các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, qua phân tích dịch tễ, ca bệnh lâm sàng ghi nhận được thì có tới 80% người bệnh không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ, 20% còn lại có biểu hiện vừa, trung bình, trong số này ca nặng có 5%, còn 0,5 - 1% diễn biến nguy kịch.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, từ phân tích dịch tễ này rút ra một số kinh nghiệm trong chiến lược điều trị. Đó là nếu như trước kia có 3 tuyến điều trị, bệnh nhân nặng điều trị tại bệnh viện trung ương, bệnh nhân trung bình điều trị ở tuyến tỉnh và bệnh nhân nhẹ ở tuyến huyện thì hiện nay, với mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong và tất cả bệnh nhân được tiếp cận với dịch vụ y tế, Bộ Y tế đã bổ sung một số điểm. Đó là các bệnh viện trên toàn quốc cần chuẩn bị sẵn sàng ít nhất 40% giường bệnh để đón bệnh nhân COVID-19. Tất cả các bệnh nhân ở các tuyến khi xác định bị nhiễm SARS-CoV-2 đều được tiếp cận điều trị từ y tế cơ sở, bệnh viện huyện, bệnh viện tư nhân... Ngoài các bệnh viện dã chiến chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19 thì các bệnh viện khác phải tách đôi, thực hiện song song nhiệm vụ kép: vừa điều trị bệnh nhân thông thường vừa điều trị bệnh nhân COVID-19.

Phân tầng để điều trị tốt

Về chiến lược điều trị, hiện tại Bộ Y tế đã hướng dẫn các địa phương phân thành 3 tầng. Theo đó, tầng thứ nhất sẽ quản lý ca nhiễm COVID-19 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng (chiếm khoảng 80% tổng số bệnh nhân) tại cộng đồng, gia đình.

“Tầng này không cần các cơ sở y tế khám chữa bệnh, chỉ cần tổ y tế, đương nhiên không cần các giáo sư, tiến sĩ hay trang thiết bị hiện đại như máy thở mà chỉ cần có điều kiện chăm sóc các chỉ số sinh tồn, điều kiện xét nghiệm”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê nêu rõ.

Thậm chí ông nêu rõ: “Các máy xét nghiệm cũng không đặt ở tầng điều trị này mà chỉ cần lấy mẫu xét nghiệm để gửi lên các trung tâm. Điều quan trọng là phải chuẩn bị kỹ lưỡng ở tầng điều trị này, nếu dịch có bùng phát ở địa phương thì mọi ca nhiễm đều được chăm sóc y tế”.

Tầng 2, tất cả các bệnh viện trên toàn quốc đều phải chuẩn bị sẵn sàng 40% giường bệnh để tiếp nhận bệnh nhân COVID-19.

Tầng 3, điều trị bệnh nhân nặng cần bác sĩ giỏi, điều kiện máy móc tốt và điều kiện chăm sóc tốt. Các trung tâm này do các bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến đầu, các trung tâm hồi sức tích cực... đảm nhận. Hiện cả nước đang lên kế hoạch xây dựng 30 Trung tâm hồi sức tích cực trên cả nước.

“Chúng ta cố gắng không cho bệnh nhân từ tầng 1 lên tầng 2 và 3, mong đợi chuyển ngược lại từ tuyến nặng về tuyến nhẹ và về với cộng đồng”, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh bày tỏ.

Thí điểm điều trị, quản lý ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà

“Dựa theo kinh nghiệm quốc tế, mô hình triệu chứng bệnh học, chúng tôi cũng đã xây dựng hướng dẫn thí điểm điều trị, quản lý ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà. Khi đó, mỗi gia đình trở thành một "phòng y tế”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho biết.

Trước đây, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể, chi tiết, khoa học với việc quản lý các trường hợp F1, F2 tại nhà. Trong bối cảnh hiện nay Bộ Y tế tiếp tục hướng dẫn thực hiện quản lý tại nhà với ca nhiễm COVID-19 tại nhà với những tiêu chuẩn, điều kiện đảm bảo an toàn.  

Trong đó, ngoài hướng dẫn theo dõi, điều trị, Bộ Y tế lưu ý việc cách ly ca nhiễm với những người trong gia đình, đảm bảo không lây nhiễm chéo cho gia đình và cộng đồng.

Để việc quản lý ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà đảm bảo an toàn, hiệu quả, tăng cường tư vấn bằng công nghệ thông tin như Zalo, điện thoại, Zoom, Viber để tư vấn cho họ cũng là yêu cầu được Bộ Y tế đặt ra.

Tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cũng nêu rõ, mô hình quản lý, điều trị ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà phải áp dụng đúng nơi và có điều kiện đi kèm.

Theo kinh nghiệm ở nước ngoài, ca nhiễm SARS-CoV-2 nhẹ và ít triệu chứng có thể được điều trị, theo dõi tại nhà. “Nhưng chúng ta cần để ý, ở nước ngoài, mô hình về xã hội học, điều kiện sống… của họ khác với Việt Nam. Gia đình của họ chỉ có 1-2 người, ít thế hệ. Còn ở Việt Nam, nhiều nhà ở khu vực đông dân cư hoặc nông thôn, mô hình gia đình thậm chí có cả “tứ đại đồng đường”, có cả người cao tuổi và trẻ em cùng sinh hoạt chung. Trong một khuôn viên không rộng, để đảm bảo sinh hoạt riêng rồi điều kiện chăm sóc đáp ứng yêu cầu… là vấn đề cần phải quan tâm, xem xét”, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh lưu ý.  

“Bên cạnh đó, phải triệt để thực hiện chiến lược 5K + vaccine + thuốc + công nghệ. Các vấn đề này cần đảm bảo lồng ghép, nhuần nhuyễn với nhau trong các khu vực”.

Để quản lý ca nhiễm tại nhà, vấn đề sử dụng thuốc ở gia đình cũng rất quan trọng. Hiện Bộ Y tế có chiến lược cấp các túi thuốc an sinh cho các gia đình. Túi thuốc này gồm thuốc đông y, tây y và một số thuốc thông thường khác nhằm nâng cao sức đề kháng.

Cũng trong hướng dẫn điều trị hiện nay, Bộ Y tế đã đưa ra vấn đề quan trọng đó là tư vấn tâm lý. “Đại dịch cũng như thảm hoạ, người mắc bệnh rất lo lắng, tâm lý xao động, có diễn biến lo lắng, không biết điều trị thế nào, ở đâu, thuốc gì”. Tiểu ban Điều trị đang giao cho các bệnh viện và thầy thuốc cần hết sức lưu ý tư vấn với người cao tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ em. Họ cần được động viên, bởi họ dễ chuyển nặng, tâm lý không ổn định thì tăng gánh nặng điều trị, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết.

Bích Thủy (TTXVN)
Hải Dương sẵn sàng đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng
Hải Dương sẵn sàng đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng

Hải Dương vừa hoàn thiện việc lắp đặt và sẵn sàng đưa vào hoạt động Trung tâm Hồi sức cấp cứu tích cực (ICU) điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 nặng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN