Nghiên cứu mới do nhóm nhà khoa học tại Viện Khoa học Weizmann (WIS) của Israel cùng các đồng nghiệp tại Viện Công nghệ Massachusetts và Đại học Harvard (Mỹ) phát triển đã được đăng tải trên tạp chí Nature Communications.
Phương pháp này dựa trên việc gán điểm số cho các hoạt động truyền thông tin nội bộ của các tế bào khối u ác tính. Đây là những chuỗi tín hiệu sinh hóa truyền tải các thông điệp quan trọng của tế bào, chẳng hạn như liệu một tế bào nên phân chia hay phát triển, hay theo cách thay đổi phương thức chuyển hóa.
Cụ thể, thông qua việc sử dụng một công cụ hiện đại và bộ dữ liệu khổng lồ, nhóm nghiên cứu đã gán cho từng chuỗi phản ứng hóa sinh một điểm hoạt động, bao gồm mức độ biểu hiện gene, cấu trúc chuỗi phản ứng hóa sinh, sự tương tác giữa các gene trong chuỗi phản ứng đó...
Kế đến, họ phân tích mối tương quan giữa các điểm số này với bộ cơ sở dữ liệu chứa thông tin về độ nhạy của các tế bào ung thư khác nhau trước gần 500 loại thuốc chống ung thư khác nhau. Kết quả phân tích chỉ ra rằng điểm số hoạt động của một vài trong số các chuỗi phản ứng sinh hóa cho phép họ có thể dự đoán loại thuốc nào có tác dụng điều trị với một khối u ác tính cụ thể.
Thông qua phương thức trên, nhóm nhà khoa học đã tạo ra một hồ sơ u ác tính, giúp các bác sĩ có cơ sở để tư vấn loại thuốc nào tốt nhất giúp triệt tiêu khối u ác tính của từng bệnh nhân cụ thể. Hướng đi mới này được kỳ vọng có thể giúp các nhà nghiên cứu xác định các điểm yếu của nhiều khối u để từ đó có thể phát triển các loại thuốc điều trị phù hợp.