Nhóm nghiên cứu, gồm Giáo sư miễn dịch học và các bệnh truyền nhiễm Flaminia Catteruccia thuộc Đại học Harvard, đã phát hiện thuốc chống sốt rét atovaquone, hay còn gọi là ATQ, có khả năng ngăn chặn sự lây lan của ký sinh trùng sốt rét.
Ban đầu nhóm nghiên cứu tìm cách triệt sản muỗi cái nhằm ngăn tình trạng kháng thuốc chống muỗi, song họ phát hiện rằng hợp chất đang thử nghiệm cũng gây tác động đến các ký sinh trùng sốt rét có trong muỗi.
Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng có thể tấn công và ngăn chặn các ký sinh trùng sốt rét bằng chính thuốc ATQ thay vì các chất hóa học khác. Theo các nhà khoa học, thuốc ATQ mang lại kết quả tích cực bởi thuốc này dễ dàng thẩm thấu qua lớp ngoài cùng của muỗi khi chúng đậu trên màn tẩm thuốc.
Để đi đến phát hiện mới này, các nhà khoa học đã cho hai nhóm muỗi hút máu chứa virus sốt rét, sau đó một nhóm được tiếp xúc với bề mặt có thuốc ATQ. Sau 6 phút, khoảng thời gian đủ để muỗi đậu và đốt người, các ký sinh trùng sốt rét trong muỗi yếu đi.
Trong khi đó, nhóm muỗi còn lại không được tiếp xúc với thuốc ATQ có dấu hiệu nhiễm trùng nặng hơn. Các nhà khoa học còn phát hiện ra rằng thuốc ATQ còn giúp ngăn chặn muỗi bị lây nhiễm các ký sinh trùng sốt rét trong trường hợp trường hợp muỗi này được tiếp xúc với thuốc ATQ 24 giờ trước khi hút máu nhiễm virus gây bệnh.
Theo các nhà nghiên cứu, mô phỏng trên máy tính cho thấy công trình của họ đóp góp vào việc loại bỏ sự tác động của kháng thuốc trong cuộc chiến chống sốt rét. Đây được coi là bước đột phá quan trọng trong cuộc chiến chống bệnh sốt rét.
Thống kê cho thấy trong năm 2017, đã có 219 triệu ca mắc sốt rét, và 435.000 người đã tử vong do căn bệnh truyền nhiễm này, phần lớn là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi tại châu Phi.