Chất mới chống virus này đã tiêu diệt virus khi tiếp xúc với chúng và được hy vọng có thể hỗ trợ cuộc chiến chống dịch bệnh do các loại virus gây ra. Tiến triển mới này mở ra hy vọng cho việc điều trị bệnh viêm gan C, bệnh mụn giộp, các bệnh do virus Zika, HIV...
Các nhà khoa học đã thử nghiệm thành công trong phòng thí nghiệm khi điều trị một loạt các virus trong đó có virus gây nhiễm trùng đường hô hấp...
Trong một tuyên bố, Đại học Manchester nêu rõ: "Mặc dù đang trong giai đoạn đầu phát triển, song hoạt động phổ rộng của giải pháp mới này có thể mang lại hiệu quả chống lại các bệnh do virus gây ra mới xuất hiện, như dịch bệnh viêm phổi lạ do chủng virus corona mới".
Tiến sĩ Samuel Jones thuộc Đại học Manchester đồng thời là thành viên của Viện Vật liệu tiên tiến Henry Royce kiêm đồng chủ trì công trình nghiên cứu, cùng với Tiến sĩ Valeria Cagno thuộc Đại học Geneva, cho biết các nhà khoa học đã tạo ra thành công các phân tử mới từ đường mía có tính năng diệt virus theo cơ chế ngăn chặn virus phát triển kháng thể.
Đây là một cách thức chống virus mới và có thể đóng vai trò quan trọng làm thay đổi cách điều trị các bệnh lây nhiễm do virus. Cơ chế kháng virus này cũng được sử dụng để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc.
Các hoạt chất diệt virus vốn được đánh giá là rất hiệu quả trong việc tiêu diệt virus khi tiếp xúc, tuy nhiên lại bị tác dụng phụ là cực độc đối với con người, vì vậy, nếu sử dụng để điều trị trên cơ thể người sẽ gây ra những tổn thương nghiêm trọng. Phát triển chất diệt virus từ đường mía tạo ra triển vọng phát triển chất diệt virus mới nhưng không độc hại đối với con người.
Các loại thuốc chống virus hiện nay được bào chế theo cơ chế là ức chế sự tăng trưởng của virus. Tuy nhiên, các biện pháp này có độ đảm bảo thấp vì virus có khả năng biến thể và kháng lại các cách thức điều trị này.
Công trình nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Science Advances do các nhà khoa học Đại học Manchester, Đại học Geneva (UNIGE) và Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (EPFL) ở Lausanne phối hợp thực hiện.