Để giải quyết triệt để nghịch lý các bệnh viện tuyến trên ngày càng quá tải, các trạm y tế xã, phường lại luôn rơi vào tình trạng "vắng như chùa bà đanh", ngành Y tế đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho y tế xã, phường, củng cố niềm tin của người dân đối với y tế cơ sở.
Để y tế cơ sở là lựa chọn đầu tiên của người dân
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, hiện Bộ Y tế cho biết, hiện Bộ Y tế đang xây dựng Đề án “Tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn cho y tế xã, phường giai đoạn 2019 – 2025”. Trong đó, Đề án có nội dung cử cán bộ chuyên môn chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho y tế xã phường.
Đây là nội dung có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo vệ chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân tại địa phương, tiến tới sự công bằng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tại các vùng, miền trong cả nước. Đồng thời đào tạo nguồn cán bộ tại chỗ có trình độ chuyên môn để từng bước đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân tại địa phương, giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Mục tiêu của Đề án là nâng cao chất lượng chuyên môn, trọng tâm là khám bệnh, chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường. Đảm bảo đến năm 2020 ít nhất 90% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã. Đến năm 2025, 100% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện được đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Ngành Y tế chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn tại y tế xã, phường tạo tiền đề cho việc đổi mới hệ thống khám bệnh, chữa bệnh theo 3 tuyến, thôi áp dụng phân tuyến, phân hạng bệnh viện như hiện nay.
Bộ Y tế sẽ chọn một số bệnh viện tuyến Trung ương trực thuộc Bộ Y tế, ưu tiên các bệnh viện trên địa bàn tỉnh, bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và tương đương thuộc các Sở Y tế có các trung tâm, phòng đào tạo, chỉ đạo tuyến đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ nâng cao năng lực khám, chữa bệnh, chuyển giao kỹ thuật phù hợp cho y tế xã, phường.
Bên cạnh xây dựng mạng lưới trạm y tế xã, phường tiếp nhận kỹ thuật chuyển giao từ bệnh viện tuyến trên về khám, chữa bệnh, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật để nâng cao chất lượng, thống kê số trạm y tế, số cán bộ làm nhiệm vụ tại trạm để có kế hoạch đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, Bộ Y tế xây dựng danh mục kỹ thuật, gói kỹ thuật thuộc 28 chuyên khoa, chuyên ngành có người bệnh khám, chữa bệnh ở tuyến xã, phường để xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo, đề chương chuyển giao kỹ thuật.
Đồng thời, ngành tổ chức các khóa đào tạo tại chỗ hoặc đào tạo từ xa sử dụng Telemedicin hoặc e-learning nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh, quản lý như kiểm soát nhiễm khuẩn, an toàn người bệnh…; đào tạo TOT cho các bệnh viện tuyến dưới. Trước mắt tập chung đào tạo, chuyển giao các kỹ thuật cấp bách để bổ sung danh mục kỹ thuật, phạm vi hoạt động chuyên môn cho người hành nghề tại các trạm y tế xã, phường.
Cùng với đó, ngành hoàn thiện cơ chế tài chính, danh mục trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao… để phục vụ công tác chuyển giao kỹ thuật đạt hiệu quả; thí điểm thành lập phòng khám vệ tinh của một số bệnh viện quận, huyện, bệnh viện tỉnh, bệnh viện trung ương đặt tại trạm y tế xã, phường.
Chú trọng quản lý bệnh không lây nhiễm
Theo thống kê của Bộ Y tế, bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, tim mạch, ung thư, tiểu đường… là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam, cứ 10 người chết có 7 người chết do các bệnh không lây nhiễm.
Năm 2012 trong 520.000 trường hợp tử vong trong đó chiếm 73% do bệnh không lây nhiễm; 43% trường hợp tử vong do bệnh không lây nhiễm trước 70 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay mới có trên 30% bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường trong độ tuổi từ 18-69 tuổi, còn đến gần 70% chưa được chẩn đoán; Bệnh tăng huyết áp trong độ tuổi từ 18-69 tuổi được chẩn đoán chiếm 43,1% và số chưa được chẩn đoán là 56,9%.
Trước sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm gây quá tải cho tuyến trên trong khi hoàn toàn có thể quản lý và điều trị tại trạm y tế xã, ngành Y tế chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn cho trạm y tế xã, phường giúp tăng niềm tin của nhân dân với y tế cơ sở, nâng cao đời sống cho nhân viên y tế. Bộ Y tế đã cử nhiều giảng viên là lãnh đạo, các chuyên gia y tế giỏi về đào tạo cũng như chuyển giao kỹ thuật cho các trạm y tế giúp người dân tin tưởng hơn vào y tế cơ sở.
Đặc biệt, ngành Y tế tập trung triển khai các nhiệm vụ, chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Trung ương số 20, 21-NQ/TW khóa XII về công tác y tế, dân số, Nghị quyết 18, 19/NQ-TW về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, mạng lưới cơ sở y tế, đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; các nghị quyết của Chính phủ, đồng thời tăng cường truyền thông, phổ biến chính sách pháp luật y tế và truyền thông giáo dục sức khỏe đến các cấp, các ngành, địa phương và người dân.
Các vấn đề được ngành ưu tiên là tập trung là nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, các hoạt động để nâng cao sức khỏe nhân dân, phòng, chống các bệnh không lây nhiễm; chỉ đạo các cơ sở y tế bảo đảm cung cấp các dịch vụ tầm soát, phát hiện sớm bệnh tật, nhất là các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp. Ngành triển khai đồng bộ các giải pháp để các trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, quản lý sức khỏe, quản lý và điều trị một số bẹnh không lây nhiễm tại trạm, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe ban đầu.