Bác sỹ Thái Hữu Dũng, Bệnh viện Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết vừa tiếp nhận một trường hợp khá hi hữu, đó là một cụ ông 73 tuổi ở tỉnh Long An vốn có thói quen dùng cây tăm nhang để ngoáy vào lỗ tai và gây ra nhiễm trùng tai phải.
Theo lời kể của bệnh nhân, từ nhỏ, cụ ông này đã có một lỗ rò ở tai phải, lỗ rò này thường xuyên gây ra tình trạng ngứa ngáy. Để chấm dứt cơn ngứa, cụ thường lấy cây tăm nhang chọc vào chỗ ngứa. Tuy nhiên, cách đây một năm, trong khi đang ngoáy tai bằng cây tăm nhang, đứa cháu ngoại chạy đến ôm cụ nên cây tăm nhang đang ngoáy đã bị gãy và mắc kẹt trong tai phải của cụ. Trước khi nhập viện khoảng 1 tháng, vùng phía trước và phía sau vành tai phải của cụ bị sưng lên, phù nề, chảy rất nhiều dịch hôi.
Thông qua phim X – quang, các bác sỹ Bệnh viện Tai Mũi Họng phát hiện một vùng mô xơ nhiễm trùng kéo dài từ trước ra sau vành tai. Tiến hành phẫu thuật lấy đường rò luân nhĩ (vùng trước tai có một lỗ nhỏ xuất hiện từ khi sinh ra), các bác sỹ đã lấy ra một đoạn cây tăm nhang dài khoảng 2cm. “Đoạn tăm nhang này cắm vào đường rò khiến dịch tiết không thoát ra được qua lỗ rò ở phía trước nên đã ứ lại ở ống tai, xì ra ở lỗ rò sau vành tai và gây nhiễm trùng ở các lỗ rò. Nếu không phẫu thuật kịp thời vùng nhiễm trùng sẽ lan rộng, có thể phải cắt bỏ tai của bệnh nhân". Bác sỹ Thái Hữu Dũng cho biết.
Theo bác sỹ Thái Hữu Dũng, bệnh nhân này có lỗ rò luân nhĩ trước tai bên phải ngay từ lúc còn nhỏ. Đường rò này tiết ra dịch hôi, gây cảm giác ngứa ở vùng xung quanh lỗ rò. Chính vì cảm giác ngứa quá khó chịu, bệnh nhân đã dùng cây tăm nhang ngoáy vào. Tuy nhiên, đoạn cây tăm nhang bị gãy mắc kẹt ở vành tai đã gây nhiễm trùng. Một bác sỹ chuyên khoa tai mũi họng cho biết, 37 năm trong nghề nhưng đây là lần đầu tiên vị bác sỹ này thấy trường hợp này.
Rò luân nhĩ là dị tật bẩm sinh, thường gặp gờ tai, dáy tai, vành tai… xuất hiện ở một bên tai, bé gái bị nhiều hơn bé trai. Bên trong đường rò là một ống được lát bởi các lớp biểu mô, nang lông, tuyến mồ hôi, tuyến bã… nên ống này hay bị bít tắc gây nhiễm trùng, chảy nước hôi. 1/3 bệnh nhân không có triệu chứng và không cần điều trị, nhưng khi rò luân nhĩ đã nhiễm trùng thì phải bắt buộc phẫu thuật.
Các bác sỹ khuyến cáo, nếu có đường rò luân nhĩ, bệnh nhân nên giữ vệ sinh vùng lỗ rò và tuyệt nhiên không nên day ấn hoặc dùng vật nhọn ngoáy vào đường rò.