Ngày càng trẻ hóa
Theo thống kê, tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 550 trường hợp bị suy thận mạn tính. Nếu như trước đây, bệnh suy thận mạn tính chỉ xuất hiện ở nhóm người trên 60 tuổi, thì hiện nay, tỷ lệ người trẻ mắc bệnh có xu hướng ngày càng gia tăng, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Mới chỉ 23 tuổi, thế nhưng, em Trương Thùy Âu Sang (sinh năm 2001, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã chung sống với căn bệnh suy thận hơn một năm. Em Sang cho biết, ngay khi xuất hiện triệu chứng viêm họng, khó thở em đã đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh). Sau khi thực hiện các bước xét nghiệm, kết quả cho thấy em bị suy thận (giai đoạn 5). Chạy thận nhân tạo tại TP Hồ Chí Minh được 4 tháng, em Sang trở về quê tiếp tục chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh với tần suất 3 lần/tuần.
Tương tự, trường hợp của anh Y Khôi Du (sinh năm 1994, tại huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) cũng mới phát hiện suy thận mạn tính giai đoạn cuối được hơn một năm. Anh Y Khôi Du chia sẻ, từng là trụ cột trong gia đình, sức khỏe tốt, thế nhưng, hơn một năm trước, anh cảm thấy người mệt, mất ngủ, xanh xao, buồn nôn… nên đã đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để khám thì phát hiện bệnh. Suy thận, nên sức khỏe anh suy giảm, chỉ ở nhà cơm nước cho gia đình. Mọi gánh nặng “cơm, áo, gạo, tiền” phụ thuộc hoàn toàn vào người vợ phải nuôi chồng và 2 đứa con thơ. Gia đình anh thuộc hộ nghèo nay lại càng khó khăn hơn. “Nghe tin bị bệnh mình không nói ra lời với vợ, suy sụp vì không còn sức khỏe lo cho vợ, con. Hiện tại, vợ đi làm ngày kiếm được 200.000 đồng chỉ đủ lo chi phí đi lại để chạy thận 3 lần/tuần cho chồng”, anh Y Khôi Du chia sẻ.
Tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên hiện đang có khoảng 200 bệnh nhân bị suy thận phải chạy thận nhân tạo; trong đó, có khoảng 35 người ở độ tuổi 18-35 tuổi (chiếm khoảng 17,5%), bệnh nhân trẻ nhất mới 16 tuổi.
Theo bác sỹ Hoàng Thị Thủy Tiên, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trước đây bệnh thận thường gặp ở những người lớn tuổi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bệnh có thể gặp ở những người trẻ (trước đây chiếm 6%, nay tăng lên 15%). Nguyên nhân do hiện nay, tần suất của bệnh đái tháo đường, cao huyết áp gia tăng nên đối tượng ngày càng trẻ hóa. Bên cạnh đó, do lối sống của người dân ít vận động thể lực, ít tập thể dục, lạm dụng thức ăn nhanh, ăn nhiều đạm, dầu mỡ, đồ chiên nướng… gây thừa cân, béo phì. Một số người có lối sống thức khuya, uống rượu, bia, hút thuốc lá nhiều khiến các bệnh chuyển hóa gia tăng, dẫn đến tỷ lệ bệnh nhân suy thận tăng.
Để phòng tránh bệnh suy thận, bác sỹ Hoàng Thị Thủy Tiên khuyến cáo, người dân cần tập thể dục đều đặn trung bình 20 phút/ngày; uống đủ 2 lít nước/ngày; ngưng hút thuốc lá để trì hoãn sự tiến triển bệnh thận giai đoạn cuối (nếu đã mắc bệnh thận). Bên cạnh đó, người dân cần thường xuyên kiểm tra, kiểm soát đường huyết, huyết áp, tránh tự ý sử dụng thuốc…
Còn nhiều khó khăn
Tại tỉnh Đắk Lắk có ba đơn vị thận nhân tạo công lập là Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột và Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ. Địa phương hiện có khoảng 550 trường hợp bị suy thận mạn tính. Bệnh nhân đông, nhu cầu rất nhiều nhưng tại các Bệnh viện, điều kiện trang thiết bị hạn chế. Điều này gây khó khăn trong công tác chữa trị. Theo thống kê, hiện số lượng bệnh nhân cộng dồn được chạy thận tại các đơn vị chỉ đạt khoảng 30-50% số bệnh nhân bị suy thận mạn tính. Còn rất nhiều người đang chờ được chạy thận nhân tạo, ghép thận.
Tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên, hiện có 24 máy chạy thận, chia 4 ca/ngày. Mỗi ca chạy 22 lượt bệnh nhân chu kỳ và 1-3 lượt bệnh nhân chạy thân nhân tạo cấp cứu. Số bệnh nhân có nhu cầu cần chạy thận nhân tạo rất cao, đăng ký ước lượng gần 600 trường hợp. Mỗi bệnh nhân lọc máu phải lọc từ 2-3 lượt/tuần. Số máy hạn chế nên Bệnh viện chỉ đáp ứng tối đa khoảng 200 bệnh nhân. Số lượt chạy thận nhân tạo để đáp ứng đúng theo chuyên môn cho bệnh nhân còn thấp, trung bình 1-3 lần/tuần, số còn lại không thể đáp ứng được.
Bác sỹ Hoàng Thị Thủy Tiên cho biết, bệnh thận mạn chia 5 giai đoạn, từ giai đoạn 1-4, bác sỹ sẽ điều trị trì hoãn làm chậm tiến triển dẫn đến suy thận giai đoạn cuối. Khi bệnh nhân vào giai đoạn 5 (giai đoạn cuối) cần phải điều trị thay thế thận. Hiện có ba phương pháp điều trị thay thế là ghép thận, chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng.
“Lượng máy của Bệnh viện không thể đáp ứng được nhu cầu bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần điều trị thay thế thận bằng chạy thận nhân tạo. Một số trường hợp có điều kiện, bệnh nhân ra bệnh viện tư nhân để chạy thận. Trường hợp không có điều kiện thì bệnh nhân không điều trị thay thế thận và chấp nhận”, bác sỹ Hoàng Thị Thủy Tiên thông tin.
Cuối năm 2023, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh thành lập đơn vị thận nhân tạo. Đây là Bệnh viện tư nhân đầu tiên ở Đắk Lắk chạy thận nhân tạo cho người dân. Theo bác sỹ Lê Thị Thu Hà, đơn vị thận nhân tạo mở ra với mục đích giảm thiểu tình trạng quá tải chạy thận định kỳ tại Đắk Lắk và các tỉnh lân cận. Hiện, Bệnh viện có 19 máy, chạy 3 ca/ngày, đáp ứng cho 90 bệnh nhân chạy thận. Mỗi ngày chạy khoảng 40 lượt bệnh nhân. Lượng bệnh nhân quá tải liên tục nên đơn vị thận nhân tạo đã nhiều lần xin thêm máy để đáp ứng nhu cầu người bệnh, trong khi bệnh nhân chờ lọc máu vẫn đang còn rất đông.
Theo bác sỹ Lê Thị Thu Hà, hiện nhân lực tại đơn vị thận nhân tạo có 6 bác sỹ, 7 điều dưỡng. Lượng bệnh nhân tăng nên nhân lực bị quá tải. Bệnh viện phải cử cán bộ y tế đi học thêm để bổ sung nguồn lực còn thiếu, tiếp tục hoàn thiện kiến thức, kỹ năng.
Nhằm cân đối quyền lợi của bệnh nhân và khả năng Bệnh viện, đơn vị xây dựng bảng chi phí để bệnh nhân yên tâm chi trả theo sức mình. Tuy nhiên, thực sự không thể đáp ứng toàn bộ bệnh nhân tại tỉnh. Để hỗ trợ cho những bệnh nhân khó khăn, Bệnh viện cân đối, giảm chi phí cho bệnh nhân. Đối với bệnh nhân có bảo hiểm được chi trả hơn 50%. Đây là chương trình nhân văn của bệnh viện, bác sỹ Lê Thị Thu Hà thông tin.
Trường hợp bà Đào Thị Tiếp (sinh năm 1954, tại Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) bị bệnh thận 20 năm phải thường xuyên đi Thành phố Hồ Chí Minh để khám và điều trị. Từ đầu năm 2024, bệnh của bà tiến triển nặng thành suy thận giai đoạn cuối và phải tiến hành chạy thận. Gia đình vốn nghèo, kinh tế khó khăn, việc thường xuyên di chuyển qua lại từ Đắk Lắk đi Thành phố Hồ Chí Minh khiến sức khỏe và tinh thần của bà Tiếp kiệt quệ nên quyết định về quê để tiếp tục chạy thận tại Bệnh viện Đa Khoa Thiện Hạnh.
“Bảo hiểm chi trả 50%, chạy thận 3 lần/tuần, mỗi tháng chi trả hơn 7 triệu đồng. Gia đình tôi khó khăn, già rồi đâu làm ra tiền, đành phải bán đất, nương rẫy để chạy thận, cứ tới đâu hay tới đó”, bà Đào Thị Tiếp chia sẻ.
Trước tình trạng nhu cầu của người dân rất nhiều và cần thiết, mới đây, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã tổng hợp ý kiến của Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh, Sở Tài chính tỉnh gửi UBND tỉnh về việc xin hỗ trợ nguồn kinh phí để đầu tư trang thiết bị huyết học truyền máu và thận nhân tạo tại địa phương.
Sở Y tế dự thảo văn bản của UBND tỉnh gửi các cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Hội đồng dân tộc Quốc hội và Ủy ban Dân tộc về việc đề nghị hỗ trợ từ nguồn kinh phí dự trữ cấp bách trong kế hoạch năm 2024- 2025 của Chính phủ để đầu tư trang thiết bị cho Trung tâm huyết học truyền máu và các đơn nguyên thận nhân tạo cho địa phương với tổng số tiền hơn 85 tỷ đồng, gồm: Mua sắm Hệ thống máy xét nghiệm miễn dịch điện hóa phát quang và máy tách chiết và Real Time PCR tự động; trang bị thêm 50 máy thận nhận tạo, 1 hệ thống RO và phát triển 4 đơn nguyên thận nhân tạo theo 4 hướng của tỉnh.