Ba bé sơ sinh gồm hai bé trai, một bé gái chào đời khỏe mạnh. Theo các bác sĩ, khoảng 8.000 ca mới có một trường hợp mang thai 3 tự nhiên.
Trước đó, chị Lâm Thị Ánh N. (31 tuổi, ngụ tại Vĩnh Long), nhập viện theo dõi do mang thai con so, tam thai 34 tuần, nguy cơ tăng huyết áp và dọa sinh non. Các bác sĩ thăm khám, xác định đây là trường hợp có nguy cơ tiền sản giật nên lập tức được đưa vào theo dõi đặc biệt bằng cách kiểm soát huyết áp, kích thích trưởng thành phổi cho thai nhi và thực hiện các xét nghiệm tầm soát bệnh lý tiền sản giật.
Khi thai được hơn 35 tuần, sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ, vỡ ối sớm. Các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định xử trí phẫu thuật lấy thai để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và các bé. Ca phẫu thuật an toàn “mẹ tròn con vuông”. Ba bé sơ sinh gồm hai bé trai, một bé gái chào đời có cân nặng lần lượt là 1,8 kg, 1,5 kg và 2,2 kg.
Sau sinh, ba bé được tiếp xúc da kề da với mẹ và kẹp dây rốn muộn. Bé được đặt trên ngực người thân để truyền hơi ấm giúp cho bé ổn định thân nhiệt, nhịp thở, nhịp tim, gắn kết tình mẫu tử; đặc biệt thúc đẩy cho các bé được bú mẹ sớm hoàn toàn.
Hiện, tình hình sức khỏe của mẹ và các bé ổn định. Mẹ có thể vận động xoay trở và đi lại được và tập cho con bú. Cả ba bé da hồng hào, khóc to, thở đều tự nhiên, phản xạ bú tốt và đang được áp dụng phương pháp Kangaroos.
Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Linh, Trưởng Khoa Hậu sản, Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ cho biết, việc mang tam thai tự nhiên rất hiếm gặp (tỉ lệ 1/8.000 ca). Trường hợp của sản phụ N. đã được bác sĩ theo dõi sát, điều trị đúng phác đồ, chỉ định phẫu thuật đúng thời điểm, kịp thời nên kết quả em bé và mẹ đều tốt.
Cũng theo Bác sĩ Phạm Thị Linh, các trường hợp đa thai có nhiều nguy cơ tiềm ẩn kết thúc thai kỳ sớm, thường khoảng 33 tuần đã kết thúc. Việc sản phụ N. được tới 35,5 tuần là kết quả đáng mừng trong khâu chăm sóc và điều trị. Trong những ca này, bà mẹ thường dọa sinh non, dễ vỡ ối sớm, nhau không bám đúng vị trí gây nhau tiền đạo làm sản phụ ra huyết, hoặc làm bà mẹ có triệu chứng tiền sản giật hay sản giật. Riêng đối với em bé trong các ca đa thai thường sinh non, suy hô hấp, phải thở máy và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bác sĩ Linh khuyến cáo các phụ nữ đang mang thai, đặc biệt mang đa thai nên khám thai định kỳ, kiểm tra huyết áp thường xuyên, thử nước tiểu, tầm soát tiền sản giật sớm, kích thích trưởng thành phổi lúc thai từ 24 - 34 tuần tuổi…, để có một thai kì khỏe mạnh. Bên cạnh đó, sản phụ cần có chế độ nghỉ ngơi sinh hoạt đúng, đi đứng nhẹ nhàng tránh vỡ ối sớm, tự theo dõi sức khỏe mẹ và bé, nhập viện đúng thời điểm, để bác sĩ can thiệp sớm phù hợp để tỷ lệ thành công tốt nhất.