Siết chặt công tác phòng chống lây nhiễm trong bệnh viện

Việc cảnh giác cao với các ca nghi ngờ đến khám có triệu chứng ban đầu hay siết chặt công tác phòng chống lây nhiễm trong bệnh viện là điều rất quan trọng khi tình trạng lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng đang rất phức tạp.

Chú thích ảnh
Kiểm tra nhiệt độ, sàng lọc bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Phổi Trung ương. 

Bị bỏ lọt, bệnh nhân đi nhiều nơi

Vừa qua, một số bệnh nhân COVID-19 trước khi được xét nghiệm dương tính đã đi khám với các dấu hiệu nghi ngờ nhưng đã bị một số bệnh viện bỏ lọt. Bệnh nhân sau đó tiếp tục di chuyển trong cộng đồng và đến nhiều cơ sở y tế khác gây nguy cơ lây lan dịch bệnh. Nhiều cơ sở y tế sau đó đã phải khẩn trương xử lý, khoanh vùng cách ly những người tiếp xúc để phòng dịch lây lan.

Đơn cử như trường hợp bệnh nhân số 714 (nam, 42 tuổi, ở Hà Nội, là nhân viên điều hành xe buýt công ty 10-10); trước khi được phát hiện mắc COVID-19, bệnh nhân đi khám tại nhiều bệnh viện: Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an, Bệnh viện Hà Đông, dù đã có các dấu hiệu nghi ngờ và có tiền sử dịch tễ đi từ Đà Nẵng về nhưng sau khi khám xong, bệnh nhân vẫn được tự ra về và sau đó đến Bệnh viện Phổi Trung ương để tiếp tục khám. Khi đến Bệnh viện Phổi Trung ương, nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ, bệnh nhân đã được chuyển ngay sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2.

Giải thích về trường hợp này, lãnh đạo Bệnh viện Hà Đông cho biết,  khi đón tiếp bệnh nhân này, bệnh viện đã chủ động đưa bệnh nhân sang khu vực cách ly riêng dành cho người sàng lọc COVID-19, tuy nhiên bệnh nhân đã tự ý ra về.

Trước đó, người bệnh có đến phòng khám sàng lọc COVID-19 ở cổng số 1 của bệnh viện. Qua khai báo y tế, bệnh nhân có yếu tố dịch tễ từng đi Đà Nẵng từ ngày 14-17/7. Tại thời điểm khám, bệnh nhân không sốt, không ho, không khó thở; đã làm xét nghiệm test nhanh virus SARS-CoV-2 tại trạm y tế phường nơi sinh sống và cho kết quả âm tính. Trong quá trình khám, bệnh nhân có cung cấp phim chụp X-quang phổi cho thấy, có nốt mờ ở phổi. Người bệnh trình bày nguyện vọng muốn làm xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp Realtime –PCR. Khi được bác sĩ khám giải thích, bệnh nhân cần được đưa vào khu vực cách ly ngay, sau đó bệnh viện sẽ thông báo cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật đến lấy mẫu xét nghiệm khẳng định. Tuy nhiên, bệnh nhân xin tự đi khám tại Bệnh viện phổi Trung ương và rời khỏi bệnh viện, tiếp tục tự đi đến Bệnh viện Phổi Trung ương.

Còn trường hợp bệnh nhân số 867, khi xuất hiện các dấu hiệu mắc bệnh, bệnh nhân đã đến khám tại bệnh viện Trung ương Quân đội 108  và cũng được tự ra về, sau đó khi vào khám tại Bệnh viện Thanh Nhàn, được làm xét nghiệm và phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2.

Bệnh viện 108 cho biết, ngày 8/8, bệnh nhân này đi cùng vợ đến khám tại Bệnh viện và được phân luồng ngay từ cổng và đưa thẳng vào Phòng khám COVID-19 sàng lọc riêng biệt. Tại đây, các bác sĩ của Bệnh viện đã khám và cho xét nghiệm máu, chụp X- quang tim phổi, tất cả đều thực hiện tại chỗ. Kết quả X- quang cho thấy trường hợp này có tổn thương phổi với chẩn đoán sơ bộ theo dõi giãn phế quản, phế nang 2 bên phổi. Bác sĩ của phòng khám đã giải thích cho bệnh nhân về việc chuyển tuyến điều trị. Nhưng ngay sau đó, bệnh nhân này rời khỏi Bệnh viện và không khám ở bất kỳ địa điểm nào khác trong Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Mặc dù các bệnh viện đã có khu khám sàng lọc COVID-19 riêng biệt, thực hiện quy trình khám sàng lọc riêng cho các bệnh nhân; nhưng việc bệnh viện sau khi phát hiện bệnh nhân có triệu chứng của người mắc COVID-19, vẫn để bệnh nhân tự ra về và bệnh nhân lại tiếp tục đến cơ sở y tế khác khám, xét nghiệm khiến vùng nguy cơ lây nhiễm ngày càng rộng. Nhiều người cũng lo ngại về trách nhiệm của các bệnh viện khi đón tiếp và quản lý người đến khám có triệu chứng của viêm đường hô hấp do mắc COVID-19.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức về trường hợp Bệnh viện Hà Đông để lọt bệnh nhân vừa qua, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết: “Ở đây cũng có trách nhiệm của bệnh viện. Khi bệnh nhân vào khám sàng lọc, cán bộ y tế của bệnh viện có yêu cầu bệnh nhân vào làm xét nghiệm, chẩn đoán nhưng bệnh nhân lại muốn lên Bệnh viện Phổi và tự ý rời khỏi bệnh viện. Việc người bệnh có dấu hiệu nghi ngờ lại tự ý ra về, không tuân theo sự hướng dẫn của cán bộ y tế, thì cán bộ y tế phải có báo cáo lên ban lãnh đạo bệnh viện để thông tin đến các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có hướng giải quyết”.

Theo đó, với những trường hợp bệnh nhân có yếu tố dịch tễ khi đến khám tại bệnh viện, nếu bệnh nhân không hợp tác, nhân viên y tế phải báo cáo với lãnh đạo vì đây là vấn đề chống dịch, phải thực hiện các biện pháp để tránh dịch lây lan. Hiện nay đã có hướng dẫn cụ thể về chẩn đoán và điều trị bệnh nhân COVID-19, đã có hướng dẫn cụ thể khi người bệnh đến cơ sở y tế.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, hiện không có cơ chế để bệnh viện bắt buộc những trường hợp nghi ngờ phải ở lại để theo dõi; tuy nhiên với những trường hợp bệnh nghi ngờ, cán bộ y tế phải tập trung thuyết phục người bệnh để họ tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch; và có các biện pháp kịp thời hỗ trợ người bệnh.

Nâng cao cảnh giác, siết chặt phòng dịch

Việc siết chặt quy trình phòng dịch tại các cơ sở y tế là rất quan trọng khi dịch COVID-19 đang lây lan phức tạp trong cộng đồng; các cơ sở y tế không chỉ là nơi tập trung đông người mà còn có nhiều bệnh nhân, sức khoẻ yếu, nếu mắc bị lây nhiễm sẽ rất nguy hiểm.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, bảo vệ bệnh viện là bảo vệ những bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, bảo vệ thầy thuốc, trong đó ưu tiên hàng đầu là bảo vệ người bệnh đang điều trị vì những trường hợp này vốn đã có sẵn bệnh nền, đặc biệt là tại những bệnh viện chuyên khoa hô hấp. Nếu bệnh viện làm đúng thì hiệu quả phòng dịch sẽ tốt. Đơn cử như tại Bệnh viện Phổi Trung ương đã từng tiếp nhận trường hợp bệnh nhân COVID-19 số 714 có dấu hiệu nghi ngờ mắc COVID-19, ngay lập tức Bệnh viện đã khám sàng lọc và sử dụng xe chuyên dụng đưa ngay bệnh nhân tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để theo dõi. Kết quả là bệnh nhân được xác định mắc COVID-19. Nhờ quy trình phòng dịch chặt chẽ và phản ứng nhanh, Bệnh viện đã được bảo vệ nhờ hàng rào phòng hộ chắc chắn.

Theo đó, nhiệm vụ hàng đầu của bệnh viện là phải phân luồng người bệnh ngay từ đầu, thực hiện triệt để việc khai báo y tế, đo thân nhiệt. Với những trường hợp nghi ngờ, phải có phòng khám ngay cạnh khu vực sàng lọc để tiếp nhận người bệnh; giảm tối đa người tiếp xúc trong bệnh viện. Đặc biệt với trường hợp nghi ngờ, bệnh viện có khả năng xét nghiệm luôn là điều rất tốt.

Không chỉ cảnh giác ở khu vực sàng lọc ban đầu, bệnh viện phải chia thành nhiều lớp phòng dịch "cảnh giác". Cụ thể, ở lớp thứ 2 là sau khi vô tình bệnh nhân lọt qua lớp 1, khi vào đến khoa khám bệnh tiếp tục có mức độ sàng lọc sâu hơn. Ở lớp phòng dịch thứ 3, khi bệnh nhân đã vào trong bệnh viện, các bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng lâm sàng, có xét nghiệm sâu hơn để phát hiện những bất thường và lập tức có xét nghiệm để cách ly ngay người bệnh. Cả 3 lớp đó, bệnh viện đều phải đặt trong tình huống người bệnh nghi ngờ liệu có phải mắc COVID hay không để có những biện pháp phù hợp, chặt chẽ.

Vừa qua, Bộ Y tế cũng đã liên tục có các văn bản chỉ việc tăng cường kiểm soát, phòng lây nhiễm dịch bệnh tại các cơ sở y tế.

Theo đó, Giám đốc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và Thủ trưởng các đơn vị liên quan phải chịu trách nhiệm khi phát hiện việc không thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh.

Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục rà soát, củng cố và thực hiện thật nghiêm các quy định về các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh đã ban hành, khẩn trương khắc phục ngay các vấn đề tồn tại khi phát hiện các nguy cơ không an toàn trong công tác phòng chống dịch; lập danh sách và theo dõi tất cả nhân viên y tế, người bệnh và các trường hợp có liên quan đến các thông báo khẩn của Bộ Y tế.

Đồng thời, các cơ sở y tế phải tăng cường các biện pháp sàng lọc, chỉ định xét nghiệm sớm SARS-CoV-2 đối với người bệnh, nhân viên y tế có biểu hiện nghi ngờ, kể cả trường hợp có tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng để phát hiện sớm và thực hiện cách ly kịp thời; tuyệt đối không để tình trạng phát hiện muộn các trường hợp mắc bệnh.

 

Bài, ảnh: Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Hỗ trợ hai bệnh viện tuyến đầu chống dịch ở Huế và Quảng Nam
Hỗ trợ hai bệnh viện tuyến đầu chống dịch ở Huế và Quảng Nam

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, ngày 13/8, tại Hà Nội, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, đã trao hai phần quà trị giá 2 tỷ đồng cho Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam để hỗ trợ đời sống của nhân viên y tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN