Dự đoán Hà Nội đã qua đỉnh dịch
Sau giai đoạn cao điểm với số ca mắc liên tục trên 30.000 ca, gần đây, số ca mắc COVID-19 của Hà Nội đang có xu hướng giảm nhanh từng ngày. Đơn cử như ngày 20/3 có trên 19.000 ca; ngày 21/3 là trên 17.000 ca; ngày 22/3, số ca giảm xuống chỉ còn trên 16.000 ca.
Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 21/3, Hà Nội có 318.843 F0 đang điều trị, theo dõi (giảm hơn 28.000 người so với ngày trước đó). Trong đó, có 284 ca điều trị tại khu cách ly; hơn 3.000 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện (chiếm 0,94% tổng số ca đang điều trị, theo dõi); còn lại 315.833 người đang điều trị, theo dõi tại nhà (chiếm hơn 99%).
Số ca tử vong do COVID-19 của Hà Nội cũng có xu hướng giảm những ngày gần đây; từ trên 20 ca trong thời kỳ cao điểm đã giảm xuống còn 5 ca vào ngày 21/3, có 5 ca vào ngày 22/3...
Tính đến hết ngày 19/3, Hà Nội đã có 82% số người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm mũi nhắc lại vaccine phòng COVID-19; gần 100% người cần tiêm mũi bổ sung đã được tiêm chủng.
Nhận định về tình hình dịch tại Hà Nội hiện nay, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định: “Theo số liệu báo cáo của Hà Nội với số ca mắc đang liên tiếp giảm nhanh những ngày qua; bên cạnh đó, chủng Omicron đang lưu hành có tốc độ lây lan rất mạnh nên có thể Hà Nội đã qua đỉnh dịch. Về mặt lý thuyết, khi số lượng người nhiễm đã rất nhiều, cộng với đa số người dân đã được tiêm chủng, về cơ bản người dân Hà Nội đã có miễn dịch nhất định”.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cũng cho rằng: “Hà Nội đã đến thời kỳ cao điểm về số ca mắc và đang có dấu hiệu giảm dần. Hiện Hà Nội đang lưu hành chủng virus mới Omicron với tỷ lệ người mắc bị trở nặng thấp so với các chủng khác nên dù số ca mắc vẫn đang ở ngưỡng cao nhưng tỷ lệ tử vong, khả năng quá tải bệnh viện như hiện nay không đáng lo ngại”.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đánh giá, có thể Hà Nội đã bắt đầu qua đỉnh dịch. Trên 99% người mắc bệnh trong thời gian vừa qua được điều trị tại nhà, rất nhẹ khi đã tiêm chủng đủ 2 mũi, 3 mũi.
Các chuyên gia cũng cho rằng, dự báo đỉnh dịch hiện nay cũng chỉ mang tính tương đối, nếu dịch bệnh có những diễn biến mới như xuất hiện biến chủng mới, thì việc dự đoán đỉnh dịch vẫn có thể có sai số.
Miễn dịch cộng đồng có còn nhiều ý nghĩa?
Về việc liệu Hà Nội đã đạt miễn dịch cộng đồng, theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, hiện đa số người dân đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 chủ động, tuy nhiên thời gian kháng thể bảo vệ lưu lại thấp nên hiện cũng không bàn đến miễn dịch cộng đồng; ngành y tế cũng không tập trung nghiên cứu về mức độ kháng thể của cộng đồng như thế nào. Bên cạnh đó, qua việc giám sát theo dõi các chủng cho thấy, chủng Omicron đang lưu hành hiện tại là một trong những chủng gây bệnh nhẹ; tuy nhiên hiện nay vẫn còn một số chủng khác vẫn lưu hành nên người dân vẫn có thể tái nhiễm với chủng khác.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga cũng cho rằng, hiện người dân đã vừa được tiêm chủng, vừa nhiễm với số lượng lớn, tuy nhiên miễn dịch này chỉ kéo dài được 3- 6 tháng; đối với SARS-CoV-2 không có miễn dịch kéo dài, cho nên chúng ta vẫn phải quan tâm đến diễn biến của dịch giai đoạn sau này.
Theo đó, các chuyên gia cũng cho rằng, trong thời điểm hiện nay, cần đặc biệt lưu ý đến những đối tượng có nguy cơ trở nặng khi mắc COVID-19, đặc biệt là người già, những người mắc bệnh nền nặng… Cần đảm bảo tiêm vaccine đầy đủ cho người dân, nhất là các đối tượng có nguy cơ diễn biến nặng, đồng thời đảm bảo cho người dân tiếp cận điều trị khi mắc COVID-19.
Hà Nội cũng đã chỉ đạo các địa phương trên địa bàn đẩy mạnh thực hiện 3 giải pháp trọng tâm trong phòng chống dịch COVID-19 hiện nay là: Tiêm vaccine (đặc biệt là đối tượng có nguy cơ cao); tăng cường năng lực điều trị tầng 2, tầng 3; đẩy mạnh y tế cơ sở để quản lý, hỗ trợ F0 điều trị từ sớm, chú ý ứng dụng các nền tảng công nghệ. Đồng thời, chú ý quản lý, điều trị người bệnh là trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người có bệnh nền; theo sát kế hoạch của Chính phủ, Bộ Y tế về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ, chuẩn bị các phương án cần thiết, bảo đảm an toàn để khi được phân bổ vaccine có thể triển khai được ngay.