Số ca mắc sốt xuất huyết ở Quảng Bình tăng mạnh

Trong thời gian qua, nhất là từ đầu tháng 9 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, số ca mắc sốt xuất huyết vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt là địa bàn các huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Ninh và thành phố Đồng Hới.

Ngành Y tế, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã vào cuộc quyết liệt triển khai các biện pháp để chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, hạn chế sự bùng phát của dịch bệnh. 

Chú thích ảnh
Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bố Trạch, Quảng Bình, số bệnh nhân đến thăm khám và nhập viện điều trị vì bị sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình cho biết, từ đầu năm đến nay, Quảng Bình ghi nhận gần 8.400 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có một trường hợp tử vong. Huyện Lệ Thuỷ là địa bàn có số mắc sốt xuất huyết cao nhất tỉnh với gần 2.400 ca; tiếp đến là huyện Bố Trạch với hơn 1.600 ca; huyện Quảng Ninh có gần 1.140 ca; thành phố Đồng Hới có 980 ca mắc…

Theo ngành Y tế địa phương, nguyên nhân gia tăng mạnh số ca mắc sốt xuất huyết tại tỉnh Quảng Bình do dịch sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, đặc điểm thời tiết hiện nay diễn biến cực đoan, mưa nắng thất thường cũng là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh. Ý thức của người dân trong chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết chưa cao; tình trạng lơ là, chủ quan của người dân khi có những triệu chứng nghi ngờ bệnh nhưng chưa đến cơ sở khám, chữa bệnh dẫn đến việc chẩn đoán, điều trị chậm trễ, ảnh hưởng đến sức khoẻ. Ngoài ra, việc không triệt để phát hiện, xử lý các ổ loăng quăng, bọ gậy ở hộ gia đình, khu dân cư trên địa bàn cũng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch…

Dự báo tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Quảng Bình còn tiếp diễn phức tạp và có xu hướng gia tăng. Trong đó, tháng 12 dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục ghi nhận ở mức cao, nguy cơ số bệnh nhân nặng tăng. Trước tình hình trên, ngành Y tế Quảng Bình tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch về nhân lực, vật tư, hoá chất...

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình Đỗ Quốc Tiệp cho biết: Hiện bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Để bảo đảm sức khỏe cho nhân dân, ngành Y tế tiếp tục làm tốt công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ, nâng cao ý thức và hướng dẫn các biện pháp phòng tránh dịch bệnh sốt xuất huyết cho cộng đồng. Các bệnh viện đảm bảo hoá chất, vật tư tiêu hao, thuốc… trong thu dung, điều trị người bệnh theo quy định. Chính quyền các cấp và nhân dân chủ động triển khai tốt công tác vệ sinh môi trường, phun, diệt muỗi và phòng muỗi đốt, như: giữ gìn vệ sinh môi trường sống, làm việc, học tập thoáng mát, sạch sẽ, an toàn; đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; không để nước tù, động ở các vật chứa, dụng cụ tránh phát sinh các ổ loăng quăng, bọ gậy; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn và thường xuyên thau rửa dụng cụ chứa nước sạch sẽ…

Người dân nên ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày và tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Đồng thời chủ động đến ngay các cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời khi có các dấu hiệu sốt cao, đột ngột, liên tục; nôn ói, đau bụng nhiều; chảy máu mũi, chảy máu chân răng...; tuyệt đối không tự ý điều trị bệnh tại nhà dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.

Võ Dung (TTXVN)
Tiền Giang: Nâng cao năng lực điều trị sốt xuất huyết
Tiền Giang: Nâng cao năng lực điều trị sốt xuất huyết

Theo Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, từ ngày 14/11 đến ngày 20/11/2022, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tổng số ca mắc cộng dồn tính từ đầu năm 2022 là 8.6 ca, tăng gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN