Sốt xuất huyết bùng phát mạnh ở Bà Rịa-Vũng Tàu

Ngày 4/6, bác sĩ Nguyễn Anh Quan, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.7 ca sốt xuất huyết, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là thời điểm Bà Rịa-Vũng Tàu bước vào mùa mưa, nên sốt xuất huyết bùng phát mạnh.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Lê Lợi, thành phố Vũng Tàu.

Địa phương có số ca sốt xuất huyết nhiều nhất vẫn là thành phố Vũng Tàu với 697 ca (tăng 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2018). Hai địa phương khác có số ca mắc tăng cao là huyện Châu Đức với 406 ca (tăng 2 ca) và huyện Xuyên Mộc có 215 ca (tăng 152 ca).

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhận định, số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao do diễn tiến theo chu kỳ dịch, cách 3-4 năm lại có 1 năm tăng đột biến. Hơn nữa, sự lưu hành của chủng vi rút gây bệnh đã thay đổi so với trước đó, cụ thể là sự xuất hiện của chủng vi rút Dengue 2 - loại vi rút mà cộng đồng chưa có miễn dịch. 

Hiện nay, qua các đợt kiểm tra dịch bệnh tại các hộ dân của ngành Y tế cho thấy, nhiều hộ dân còn chủ quan trong việc phòng, chống sốt xuất huyết. Báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, tính đến nay các địa phương đã phối hợp với ngành Y tế xử lý 452 ổ bệnh sốt xuất huyết, đạt 100%.

Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết gia tăng nhanh, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chỉ đạo các địa phương tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng quy mô toàn tỉnh và cấp huyện, thị, thành phố. Ngoài chiến dịch toàn tỉnh đã tổ chức trong tháng 5 và chiến dịch dự kiến tổ chức trong tháng 9, các phường, xã, thị trấn có nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết cao phải duy trì diệt lăng quăng 1-2 lần/tuần. 

Chú thích ảnh
Ngành y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kiểm tra những nơi có khả năng phát sinh dịch bệnh tại thành phố Vũng Tàu.

Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, nhân viên y tế tại các trạm y tế, các nhân viên y tế ấp, nhân viên sức khỏe cộng đồng, cộng tác viên các chương trình y tế đến từng hộ dân trên địa bàn hướng dẫn, kêu gọi người dân vệ sinh thông thoáng nhà ở, súc rửa và đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, đổ nước trong các vật dụng bị ứ đọng nước...; hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng; loại bỏ phế liệu, các hốc nước tự nhiên, không cho muỗi đẻ trứng; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt…

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Anh Quan, bên cạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh kể trên, chính quyền địa phương cần kiên quyết trong việc xử lý vi phạm hành chính đối với những trường hợp cố tình không tham gia công tác phòng, chống sốt xuất huyết theo quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Tin, ảnh: Hoàng Nhị (TTXVN)
Hà Nội tăng cường phòng chống dịch sởi, sốt xuất huyết
Hà Nội tăng cường phòng chống dịch sởi, sốt xuất huyết

Ngày 14/5, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì hội nghị giao ban công tác phòng chống dịch bệnh sởi, sốt xuất huyết trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN